Print Chủ Nhật, 27/01/2019 00:01

Hải Phòng được xác định là địa phương ven biển nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu (SCTD) rất cao. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động ứng phó, xử lý kịp thời và hạn chế thấp nhất thiệt hại do tràn dầu gây ra đối với môi trường và hệ sinh thái là rất cần thiết.

 

Âu tàu, bến cá là nơi có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu cao. Trong ảnh : Âu tàu Bạch Long Vỹ.

Ảnh: Duy Lê 

 

Nhiều nguy cơ tràn dầu

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) Trần Văn Phương: Hải Phòng là một trong những đầu mối giao thông biển quan trọng của cả nước, có hệ thống cảng sông phát triển, vì vậy nguy cơ xảy ra SCTD trên địa bàn thành phố rất cao.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra những một số vụ tràn dầu gây ảnh lớn đến môi trường. Trong 10 năm (2004-2014), trên vùng biển Hải Phòng xảy ra 6 vụ tràn dầu ra môi trường với số lượng lớn từ 30 đến 300 tấn dầu. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tràn dầu do có sự cố va đâm tàu thuyền, chìm tàu  và  sự cố trong quá trình xuất nhập khẩu xăng dầu tại cảng… Gần đây nhất vào ngày 10-3-2018, tại Cảng K99, luồng Sông Cấm thuộc phường Đông Hải, quận Hải An,  tàu Hải Hà 18 thuộc Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà bị bốc cháy khi đang xuất hàng. Khi đó, trên tàu có 600 m3 xăng A92. Với vị trí cửa chính ra biển miền Bắc, Hải Phòng có mật độ cảng và các phương tiện thủy dày đặc, nguy cơ xảy ra sự cố va đâm tàu thuyền, gây tràn dầu ra môi trường rất lớn. Trên địa bàn hiện có 26 tuyến giao thông đường thủy, 230 bến cảng nội địa và 47 cảng biển. Riêng trong năm 2015, các đơn vị chức năng giải quyết 7 vụ đâm va, tai nạn hàng hải. Đồng thời, Hải Phòng còn có 13 bến cảng, cầu cảng liên quan đến nhập khẩu xăng dầu, hóa chất. Hằng ngày có các tàu chở xăng, dầu trọng tải lớn cập cảng để bơm hút xăng dầu. Khu vực trên sông, biển của thành phố có hàng trăm  tàu, xà lan bán lẻ xăng dầu, tiềm ẩn rất cao nguy cơ tràn dầu.

Song nguồn nhân lực ứng phó SCTD của thành phố chưa đầy đủ. Thành phố hiện chưa có những phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ ứng phó SCTD. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ phòng ngừa, ứng phó SCTD ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra SCTD lại chưa bảo đảm. Khu vực chuyển tải xăng. dầu trên vịnh Lan Hạ gần như không có cơ sở hạ tầng cho hoạt động dịch vụ  cảng, phương tiện và thiết bị phòng, chống sự cố càng thiếu. Hầu hết các tàu thủy nội địa đều xả trực tiếp nước thải lẫn dầu xuống sông, biển, do không có thiết bị thu gom và xử lý nước thải. Bên cạnh đó, nhận thức của phần lớn doanh nghiệp và người dân về việc ứng phó SCTD còn chưa đầy đủ.

Tránh bị động trong ứng phó

Để bảo đảm công tác ngăn ngừa, khắc phục sự cố tràn dầu được chủ động, nhanh chóng, huy động được sự phối hợp đồng bộ, UBND thành phố giao Sở TNMT xây dựng Kế hoạch ứng phó SCTD cấp thành phố. Giám đốc Sở TNMT Trần Văn Phương cho biết: Năm 2017, kế hoạch này được Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phê duyệt. Kế hoạch xác định, lập bản đồ được những khu vực dễ xảy ra SCTD, dự đoán khu vực, mức độ bị ảnh hưởng khi có SCTD; đồng thời phản ánh tình hình thực tiễn của địa phương trong công tác ứng phó SCTD. Trách nhiệm các bên liên quan khi có tình huống xảy ra được xác định rõ. Đồng thời, UBND thành phố xây dựng lộ trình việc đầu tư các trang thiết bị ứng phó cấp thành phố. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, thành phố đầu tư 5 máy hút dầu chuyên dụng, bồn chứa dầu, lò đốt dầu và đốt chất thải nhiễm dầu lưu động, phao quây dầu trên biển… Tổng kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng.

Để việc ứng phó SCTD hiệu quả cao, Sở TNMT hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp có nguy cơ cao xây dựng và giám sát, kiểm tra thực hiện kế hoạch ứng phó SCTD cấp cơ sở. Bên cạnh đó, sở đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ ứng phó sự cố cho các cơ sở. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị, doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra SCTD cần chủ động các biện pháp phòng ngừa, hạn chế thấp nhất xảy ra sự cố. Đặc biệt, quán triệt và thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó SCTD, chủ động, xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đồng thời, các sở, ban, ngành, cần có sự phối hợp với nhau trong công tác ứng phó; thường xuyên tổ chức các hoạt động huấn luyện, đào tạo kỹ năng, diễn tập để nâng cao nhận thức cho người dân, chủ động ứng phó khi sự cố xảy ra. Có như vậy, các địa phương mới chủ động trong công tác ứng phó SCTD và đóng góp vào việc giữ gìn môi trường biển, đảo xanh, sạch.

 

 

8 khu vực có nguy cơ cao xảy ra SCTD, gồm: sông Cấm, cảng chùa Vẽ; khu vực bến cảng xăng, dầu; cảng biển quốc tế Lạch Huyện; cảng cá Đồ Sơn; Khu neo đậu tàu thuyền vịnh Cát Bà; khu chuyển tải xăng, dầu Lan Hạ, khu vực khai thác dầu khí. Tại những khu vực này, khi SCTD xảy ra, tác động ảnh hưởng rất nhanh và rộng nếu không được ngăn chặn kịp thời. Ví dụ, nếu sự cố tại luồng Vật Cách ( trên sông Cấm) chỉ trong 2 giờ dầu loang ra khoảng 4,5 km sông; sau  9 giờ, dầu sẽ tràn hết vào sông Ruột Lợn với độ dài bị ảnh hưởng khoảng 9-10 km. Nếu xảy ra sự cố ở Cảng chùa Vẽ sau 2 giờ dầu loang ra 5,5 km, kéo dài sang sông Bạc Đằng, sau 6 giờ dầu có thể loang tới cửa biển…


Nguyên Mai – Báo Hải Phòng 03/12/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chủ động ứng phó sự cố tràn dầu: Hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác