Theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, ngành chức năng các quận, huyện cùng các công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố vừa tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình thủy lợi trước mùa mưa bão. Kết quả cho thấy, nhiều công trình bị xuống cấp, cần sớm được tu bổ, nâng cấp để chủ động phòng, chống úng lụt vào mưa bão sắp tới.
Đại điện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên kiểm tra hoạt động các trạm bơm tại xã Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên).
Hư hỏng, xuống cấp
Trưởng thôn 5, xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên) Đào Văn Lợi cho biết, do ảnh hưởng bởi thi công dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm, cầu Hoàng Văn Thụ, hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn xã bị chia cắt, không có lối thoát. Trong khi đó, mặt bằng dự án trên được nâng cao hơn khu dân cư, nên mới vào đầu mùa mưa, cả thôn Bến Bính, nhà cửa, đường xá bị ngập, cây cối chết vì úng mặn. Theo quan sát của phóng viên, không chỉ riêng khu dân cư Bến Bính, mà các hồ, cống khác ở khu vực xã Tân Dương đều bị ảnh hưởng bởi dự án này như: Hồ ông Thuận, Khai La, Đầm Sồng, Cống Gạc, Đống Trịnh cũng trong tình trạng tương tự. Cũng ngay cạnh xã Tân Dương, các khu dân cư phía Nam đường 359 (huyện Thủy Nguyên) thường xuyên bị ngập như: Khu thôn Phù Liễn, xã Thủy Sơn; xóm Tây, Đống Am, xã Thủy Đường; thôn cây Đa, xã An Lư; thôn Trung Mỹ, xã Trung Hà; xóm 4,5,6,7, xã Thủy Triều do hệ thống tiêu thoát nước trong chảy qua các xã trên bị chia cắt bởi đường và mặt bằng Khu Công nghiệp VSIP cao hơn khu dân cư. Có thể thấy tình trạng ngập lụt tại các khu dân cư kể trên là hệ quả của việc chưa đồng bộ trong đô thị hóa làm phá vỡ quy hoạch của một số hệ thống công trình thủy lợi.
Qua quan sát thực tế thấy, nhiều tuyến kênh, mương có lượng bèo tây phát triển dày đặc như mương Sáu Phiên, kênh Hòn Ngọc (huyện Thủy Nguyên), Hòa Bình (huyện Kiến Thụy)… Nhất là, tình trạng người dân đổ rác thải, nước thải trực tiếp xuống kênh có xu hướng gia tăng, làm nông đầy hệ thống kênh mương, gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước. Đơn cử như đoạn kênh Bắc Nam Hùng chạy qua địa phận phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng) bị ô nhiễm, nông đầy, cần phải nạo vét. Ông Phạm Văn Hải, nhà ngay sát mép kênh Bắc Nam Hùng cho biết, do hàng trăm người dân và doanh nghiệp ở hai bên bờ kênh xả nước và rác thải xuống. Kênh ngày càng nông đầy và ô nhiễm. Đơn vị khai thác thủy lợi có thau dọn, nạo vét lòng kênh, nhưng chỉ sau thời gian ngắn lại như trước đây.
Hệ thống thoát nước đô thị không có hệ thống đóng mở, nên khi mực nước triều dâng cao, gây ngập lụt cục bộ khu vực đô thị. Điều này, dễ dàng nhận thấy mỗi khi có trận mưa lớn. Không chỉ vậy, hiện, ở khu vực ngoại thành, một số trạm bơm xuống cấp và hư hỏng nặng, không bảo đảm khi phải hoạt động hết công suất, như trạm bơm Sinh Đan (huyện Tiên Lãng), 2 trạm bơm Gò Công, Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo), 2 trạm bơm Bát Trang, Quang Trung (huyện An Lão). Ngoài ra, một số cống Hoàng Lâu, Kiều Hạ 1 (huyện An Dương) bị hư hỏng nặng. Các cống đều là cống ngắn, thân cống bị nứt dọc, hỏng mái kè, gây rò nước qua mang và tường cống.
Không thể chậm trễ
Trưởng Phòng Quản lý chất lượng thủy lợi (Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai thành phố) Nguyễn Văn Trường cho biết: Qua kiểm tra chất lượng các công trình thủy lợi, trên toàn thành phố có 47 tuyến kênh đất bị nông đầy nhiều và 41 cống bị xuống cấp.
Theo nhận định của giới chuyên môn, trong trường hợp mưa dưới 200 mm/ngày đêm tại thời điểm chân triều thấp không gặp lũ từ thượng lưu, cơ bản các hệ thống thủy lợi trên địa bàn thành phố chủ động được tiêu thoát nước. Tuy nhiên, khi mưa đến 250 mm/ngày đêm trùng vào thời điểm chân triều cao kết hợp xuất hiện lũ từ thượng lưu, sẽ làm xuất hiện 10 vùng úng tương đương 13.000 ha, tập trung ở các hệ thống thủy lợi huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, thủy lợi Đa Độ, An Kim Hải.
Mùa mưa bão đang đến rất gần, việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi xuống cấp, không thể chậm trễ. Việc này, đòi hỏi ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn quyết liệt chỉ đạo các địa phương, các công ty khai thác công trình thủy lợi thực hiện kế hoạch nâng cấp, tu bổ đê điều, nạo vét kênh mương ngay trước mùa mưa bão. Trong thời gian các dự án thủy lợi chưa hoàn thành các công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động thực hiện nâng cấp, cải tạo, đắp bờ khoanh vùng, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, dự kiến các điểm bơm dã chiến,… giải tỏa ách tắc trên kênh, khắc phục sự cố các công trình bị hư hỏng. Các địa phương xử lý nghiêm trường hợp lấn chiếm, phá hỏng kết cấu công trình thủy lợi, xả thải bùn, rác làm ùn tắc dòng chảy… Nếu kiên quyết thực hiện các việc này, việc nâng cấp các công trình thủy lợi sẽ giảm tốn kém, nâng cao hiệu quả khi vào mùa mưa bão.
Hải Phòng có 383 cống đưới đê, 706 trạm bơm điện tưới tiêu nước, 3.821 tuyến kênh chìm với tổng chiều dài 4.043,6 km, 702 tuyến kênh nổi dẫn nước sau trạm bơm với tổng chiều dài 1.296 km.
Bài và ảnh: Bùi Hương – Báo Hải Phòng ngày 29/05/2018
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…
Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh mạnh sắp tăng cường sẽ gây…
Các trường THCS vẫn có thể đánh giá trực tiếp học sinh khi xét tuyển…
Sáng 10/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More