Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút cúm Corona (nCoV) có nguy cơ lan rộng, UBND TP Hải Phòng đã có Chỉ thị số 03/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể TP, cùng UBND các quận, huyện triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh, toàn ngành y tế đã khởi động vào cuộc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. Các đơn vị phòng và chữa bệnh đang triển khai công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu về tình hình dịch bệnh, chủ động tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tập trung nắm bắt, điều tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế; sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống và sẵn sàng khoanh vùng khi dịch bệnh xảy ra.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng Nguyễn Văn Thanh, Trung tâm đã tăng cường lực lượng kiểm tra, tầm soát dịch bệnh tại các cảng biển Hải Phòng và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Từ ngày 25-1, tức Mùng 1 Tết Canh Tý, Trung tâm đã thực hiện khai báo y tế đối với hành khách và thuyền viên nhập cảnh vào Việt Nam qua Hải Phòng. Các phương tiện kỹ thuật y tế hiện đại được triển khai để phát hiện những dấu hiệu bất thường, triệu chứng từ người mắc bệnh viêm phổi cấp của hành khách từ đường hàng không và các thuyền viên đến từ nước ngoài bằng đường hàng hải… để có phương án xử lý kịp thời. Tạo cảng có bố trí phòng kiểm dịch, phòng lưu người bệnh và lực lượng y tế sẵn sàng vận chuyển người bệnh. Ngoài thiết bị đo thân nhiệt hiện đại, máy cầm tay, 200 cơ số bảo hộ như: áo, kính, khẩu trang, ủng…cho nhân viên y tế, nhân viên sân bay được trang bị và khẩu trang phát cho hành khách…
Hiện, lượng khách qua lại tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi khoảng bảy nghìn khách/ngày. Trong đó, khoảng 400 khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và một nửa trong số đó là người Trung Quốc đến theo hai đường bay từ Thẩm Quyến và Côn Minh sang. Tại các cảng biển Hải Phòng, mỗi ngày đón tiếp khoảng gần 200 thuyền viên là người nước ngoài, trong đó 50% là người Trung Quốc. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp các cơ quan chức năng liên quan giám sát và kiểm dịch chặt chẽ số tàu thuyền ra vào cảng và các thuyền viên nước ngoài nhập cảnh; sẵn sàng phương án xử lý nếu phát hiện thuyền viên có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh…
Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để sẵn sàng điều tra, nắm vững tình hình dịch bệnh, nhất là theo dõi chặt chẽ người từ vùng dịch trở về hoặc từng tiếp xúc với người bệnh và những người từ nước ngoài trở về có triệu trứng ho, sốt…; chuẩn bị mọi điều kiện, trang thiết bị cần thiết để lấy mẫu bệnh theo quy trình của Bộ Y tế; thực hiện gửi mẫu lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để có kết quả nhanh chóng trong vòng 24 giờ. Cùng với đó là điều tra các ca bệnh có yếu tố nghi ngờ; giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở điều trị…
Tại các cơ sở khám và điều trị của ngành y tế, nhất là hai bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp và Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã có kế hoạch cụ thể, sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, thuốc men, thiết bị để khám và điều trị bệnh. Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đã triển khai tập huấn cho cán bộ, nhân viên bệnh viện về công tác phòng, chống dịch; khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm cho việc khám và điều trị kho có dịch bệnh phát sinh. Bệnh viện cũng tiến hành sàng lọc, cách ly người bệnh ngay từ khu vực cấp cứu và phòng khám bệnh ban đầu. Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu dịch tễ và sốt, sẽ vận chuyển về khu vực cách ly tại Khoa bệnh nhiệt đới có sức chứa khoảng 60 bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện sẵn sàng thành lập đơn vị dã chiến, ứng phó khi phát hiện dịch bệnh phát sinh, lây lan… Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng bố trí 120 giường tại khoa truyền nhiễm để sẵn sàng đón tiếp người bệnh và bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh để triển khai cách ly khi có yêu cầu. Các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện triển khai tăng cường giám sát cộng đồng, sẵn sàng các phương án xử lý cần thiết.
NGÔ QUANG DŨNG