Kinh tế

Chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen gây hại lúa Mùa

Theo nhận định, đánh giá của cơ quan chức năng, vụ Mùa năm 2022, rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen có khả năng di trú vào các tỉnh ven biển phía Bắc sau các đợt áp thấp nhiệt đới, bão xảy ra ngay từ đầu vụ. Đây là nguồn rầy có nguy cơ truyền bệnh lùn sọc đen gây hại cho lúa vụ Mùa nếu không áp dụng tổng hợp các biện pháp quản lý bệnh sớm từ đầu vụ.

Để chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen gây hại cho lúa, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ thực vật, ngày 27/5/2022, Sở NN&PTNT thành phố đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-SNN về phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa, bảo vệ sản xuất vụ Mùa năm 2022.

Theo đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Sở NN&PTNT, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã làm tốt công tác dự tính dự báo sớm; lấy mẫu, giám sát chặt chẽ các lứa rầy lưng trắng trên lúa chét, gốc rạ, mạ ngay đầu vụ để xác định virus lùn sọc đen.

Cùng với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông thành phố và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về tính chất nguy hiểm, các biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh lùn sọc đen cho cán bộ phụ trách nông nghiệp địa phương, cán bộ thôn, xóm và đông đảo bà con nông dân bằng nhiều hình thức, như: tổ chức phát tờ rơi, tổ chức tập huấn, hội thảo lồng ghép với các chương trình của địa phương. Qua đó, giúp bà con nông dân hiểu và tự giác thực hiện đúng kỹ thuật các biện pháp phòng chống bệnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu thực tế sản xuất của từng hộ gia đình, địa phương.

Việc kiểm tra, giám sát trong công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen tại các địa phương được ngành nông nghiệp chú trọng triển khai đảm bảo hiệu quả.

Vụ Mùa năm nay, toàn thành phố dự kiến gieo cấy 28.720ha diện tích lúa mùa. Tính đến ngày 12/7, theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tiến độ làm đất của các địa phương đạt 90% (tương đương 25.840 ha/28.720ha). Tổng diện tích mạ vụ Mùa đã gieo đạt gần 93%, chia thành 3 trà lúa (trà sớm, trà trung và trà muộn). Diện tích lúa đã cấy đạt 19,5%, tương đương 5.613ha cộng thêm 61ha diện tích lúa gieo thẳng.

Đáng chú ý, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen tại các địa phương nên thời gian qua, bà con nông dân trên địa bàn thành phố đã chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý bệnh lùn sọc đen ngay từ khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng. Gieo cấy tập trung, đúng lịch thời vụ và có biện pháp bảo vệ mạ, cánh tác hợp lý, chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa.

Khi phát hiện rầy lưng trắng mang virus gây bệnh lùn sọc đen trên ruộng mạ hoặc sau khi đã gieo (gieo sạ), cấy lúa, bà con nông dân các địa phương đều chủ động phun thuốc diệt rầy truyền bệnh. Tính đến thời điểm này, toàn thành phố có trên 40% diện tích mạ đã gieo được phun trừ rầy trước khi nhổ cấy, đạt 1.114ha.

Ngoài việc khuyến cáo, hướng dẫn người dân xử lý hạt giống trước khi gieo mạ và phun thuốc trừ rầy trước khi đưa mạ ra ruộng cấy 2-3 ngày, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo chính quyền các địa phương và người dân ở giai đoạn lúa đẻ nhánh cần tiếp tục kiểm tra. Nếu phát hiện rầy lưng trắng (rầy cám) tiến hành phun thuốc trừ rầy ngay để hạn chế số lượng môi giới lan truyền bệnh.

Thường xuyên thăm ruộng để phát hiện và nhổ tỉa tiêu hủy (vùi xuống bùn) ngay các khóm, dảnh lúa bị bệnh. Trường hợp ruộng lúa giai đoạn trước đứng cái có trên 30% số dảnh lúa bị bệnh tiến hành tiêu hủy ngay cả ruộng bị bệnh bằng cách cày vùi diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng (nếu có) để ngăn chặn nguồn bệnh phát tán sang ruộng khác. Chỉ cấy lại nếu còn lịch thời vụ cho phép.

Đến giai đoạn lúa đứng cái trở đi, những ruộng, khu vực đã phát hiện rầy lưng trắng mang virus cần phun trừ thì phải phun thuốc khi rầy cám lứa kế tiếp nở rộ. Những ruộng, khu vực còn lại thường xuyên tổ chức điều tra, khoanh vùng, chỉ đạo phun thuốc trừ rầy lưng trắng những nơi có mật độ rầy từ 1.000 con/m² trở lên đối với lúa trước trỗ hoặc 2.000 con/m² trở lên đối với lúa sau trỗ khi đa số rầy tuổi 1-3. Thường xuyên kiểm tra, nhổ vùi dảnh, khóm lúa bị bệnh.

Trong giai đoạn này, ruộng lúa bị bệnh ở mức độ nhẹ, rải rác thì tiến hành nhổ vùi tiêu hủy; phun rầy lưng trắng (nếu có) để hạn chế lây lan nguồn bệnh. Trường hợp ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng thì phải tiêu hủy bằng cách cày vùi cả ruộng, trước khi cày vùi phải phun thuốc rầy lưng trắng (nếu có) để hạn chế lây lan bệnh trên diện rộng.

Một số loại thuốc có thể sử dụng để phun trừ rầy cho mạ và lúa gồm: Apta 300 WP, Chatot 600 WG, Cheestar 500 WP, Closer 500 WG, Chess 50WG…

Hi vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, ngay từ đầu vụ của ngành nông nghiệp, bà còn nông dân trên địa bàn thành phố sẽ phòng trừ hiệu quả bệnh lùn sọc đen gây hại lúa Mùa, đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao…

KC

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More