Print Thứ Bảy, 09/09/2023 09:25 Gốc

Theo thông tin từ Bệnh viện Mắt Hải Phòng, hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang lây lan và bùng phát mạnh đặc biệt tại một số tỉnh thành có mật độ dân số đông như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…

Tại thành phố Hồ chí Minh theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 31/8, tổng số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 (53.573 ca). Trong tổng số 63.039 ca bệnh, 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59% (cùng kỳ năm 2022 là 873 ca biến chứng, chiếm 1,63% tổng số ca bệnh). Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực… Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh, đáng lo ngại là số trường hợp viêm kết-giác mạc (một dạng lâm sàng nặng của bệnh đau mắt đỏ) đã được phát hiện trong thời gian gần đây, tuy chưa phổ biến.

Dấu hiệu bệnh nhân đau mắt đỏ.

Tại Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương ghi nhận gần 2.600 ca đau mắt đỏ trong tháng 7 vừa qua; tháng 8, bệnh viện ghi nhận hơn 2.400 ca bệnh. Khoa Mắt của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận liên tiếp trên 50 bệnh nhi bị đau mắt đỏ chỉ trong một tháng trở lại đây, trong đó có tới 20% gặp biến chứng nặng như: có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng bệnh đau mắt đỏ cũng đang có nguy cơ bùng phát. Theo thống kê tại Bệnh viện Mắt Hải Phòng, từ ngày 01/9/2023 đến hết ngày 06/09/2023, tỷ lệ đau mắt đỏ chiếm 35,8 % tổng số ca đến khám vì viêm kết mạc (66 ca đau mắt đỏ/184 ca viêm kết mạc) và đang có xu hướng gia tăng.

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra, nhưng phổ biến nhất là do một loại vi rút có tên Adenovirus. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện như: Đỏ mắt, có dử mắt, chảy nước mắt, có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác có thể gặp là hơi sợ ánh sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Tác nhân gây bệnh có thể gây viêm giác mạc (thường gặp sau khởi phát vài ngày, đây là dạng lâm sàng được ghi nhận hay gặp trong năm nay), ở thời điểm này mắt có thể đã đỡ sưng hoặc hết đỏ nhưng người bệnh có thế có các biểu hiện như: Nhìn mờ, chói, sợ ánh sáng. Ngoài các biểu hiện tại mắt, người bệnh có thể bị viêm họng, nổi hạch trước tai và sốt nhẹ. Bệnh thường biểu hiện ở một mắt nhưng có thể xảy ra ở cả hai mắt.

Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời điểm trong năm, nhưng phổ biến là ở trẻ em và người trẻ. Bệnh thường gia tăng vào thời điểm giao mùa (hè-thu). Do tác nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là vi rút nên bệnh rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch trong cộng đồng.

Bệnh đau mắt đỏ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân, đồ chơi, khăn tay nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn (nhất là nước ở các hồ bơi, bể bơi)…

Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, đối với đau mắt đỏ thì người bệnh thường được điều trị triệu chứng như: Vệ sinh mắt (rửa mắt), giảm đau, chống viêm, tăng cường sức đề kháng và dùng kháng sinh chống bội nhiễm. Người dân có các biểu hiện của đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được khám loại trừ các nguyên nhân đau mắt khác và được hướng dẫn điều trị, phòng bệnh. Không nên tự mua thuốc điều trị, đặc biệt là các thuốc nhỏ mắt có Corticoid cần được dùng đúng chỉ định; Không nên sử dụng các biện pháp điều trị không khoa học như: xông lá trầu không, đắp lá cây… để tránh gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Bệnh viện Mắt Hải Phòng khuyến cáo người dân trên địa bàn thành phố thực hiện tốt các biện pháp sau:

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng các dung dịch sát khuẩn; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; sử dụng nước sạch; không dùng chung vật dụng cá nhân như: thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

Sử dụng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn để vệ sinh các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Có ý thức phòng ngừa, sử dụng các biện pháp phòng tránh lây bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và hướng dẫn điều trị; cần lưu ý để tránh lây bệnh cho người khác và cộng đồng.

Bệnh viện Mắt Hải Phòng thông báo để các cơ sở y tế và người dân trên địa bàn thành phố tích cực phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

Mọi thông tin cần tư vấn khám và điều trị liên hệ: Bệnh viện Mắt Hải Phòng. Địa chỉ: số 383 đường Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Số điện thoại đường dây nóng: 0969.191.515-0913.197.966.

Hồng Nhung

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác