Tại Hải Phòng, kết quả giám sát sự lưu hành vi rút năm 2023 của lực lượng chức năng đã phát hiện 2,07% mẫu dương tính Cúm gia cầm A/H5N1; 0,3% mẫu dương tính vi rút Cúm gia cầm A/H5N6 trên mẫu gia cầm sống bán tại một số chợ trên địa bàn thành phố làm tiềm ẩn nguy cơ mầm bệnh xâm nhập, lây lan, gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.
Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Cúm gia cầm, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan; ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân trên địa bàn thành phố; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT vừa phát đi Công văn đề nghị UBND các huyện, quận tăng cường chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh động vật và phát động Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1/2024 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, sở đề nghị UBND các huyện, quận tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, bệnh Cúm gia cầm nói riêng theo quy định của Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo của UBND TP; khẩn trương thực hiện quy trình mua sắm vắc xin Cúm gia cầm theo quy định, kịp thời triển khai công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm đảm bảo kế hoạch thành phố giao.
Mặt khác, chỉ đạo tổ chức triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024 (thời gian từ ngày 1/3/2024 – 31/3/2024); bố trí các nguồn kinh phí theo phân cấp tài chính hiện hành triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; kinh phí mua hóa chất triển khai thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường, nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trong môi trường phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các ban, ngành chức năng có liên quan tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã theo quy định; tăng cường công tác giám sát dịch tới tận cơ sở, hộ chăn nuôi, vùng ổ dịch, ổ dịch cũ; phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; tập trung nguồn lực khống chế, ngăn chặn dịch, không để dịch tiếp tục lây lan ra diện rộng.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, gây tác hại đối với sản xuất chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng; không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh…; chủ động thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm và các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đạt trên 80% tổng đàn; thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở chăn nuôi và khu vực xung quanh; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, tiêm phòng vắc xin, khử trùng tiêu độc môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, điểm kinh doanh và vận chuyển gia cầm trên địa bàn quản lý…
Cùng với đó, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi & Thú y có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, quận tổ chức chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng chống bệnh động vật tại các địa phương, đơn vị và thường xuyên tổng hợp kết quả, tiến độ triển khai thực hiện báo cáo UBND TP, Bộ NN&PTNT theo quy định.
Tổ chức triển khai giám sát, chủ động lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh; phối hợp với các địa phương xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút Cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm. Mặt khác, chuẩn bị dụng cụ, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm xác định dịch bệnh; thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm theo quy định.
Giao Thanh tra sở có trách nhiệm phối hợp UBND các huyện, quận, lực lượng liên ngành (Công an, Quản lý thị trường…), tăng cường công tác thanh, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, hóa chất không rõ nguồn gốc, không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, không đảm bảo chất lượng theo quy định.
Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản & Thủy sản thì có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, quận kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm gia cầm trên địa bàn thành phố.
Trong quá trình thực hiện có phát sinh, vướng mắc gì đề nghị phản ánh về sở qua Chi cục Chăn nuôi & Thú y để phối hợp giải quyết.
Bình Huệ
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More