Print Thứ sáu, 10/03/2023 09:25 Gốc

Những ngày gần đây đã xuất hiện nhiều trường hợp phụ huynh trở thành nạn nhân của cuộc gọi thông báo “con cấp cứu” với hậu quả đáng tiếc. Trước khi thủ đoạn lừa đảo này lan rộng và gây thiệt hại nghiêm trọng, các trường học và gia đình cần có những sự chuẩn bị chủ động để ngăn chặn.

Trong giờ con đang đi học tại trường, phụ huynh bất ngờ nhận được cuộc gọi lạ thông báo con phải đi cấp cứu gấp, đã đưa vào bệnh viện và cần chuyển tiền ngay vào một số tài khoản cá nhân để làm các phẫu thuật… Vội vã và hoảng sợ, các nạn nhân sẽ tiến hành chuyển khoản và mất số tiền lớn, sau đó mới liên hệ với nhà trường, thầy cô để kiểm tra thì đã muộn.

Phải nói rằng, đây là một hình thức lừa đảo mới rất đơn giản nhưng tinh vi, đánh trúng vào tâm lý của các bậc phụ huynh. Khi con đang không ở bênh cạnh mình, bất kỳ cuộc gọi nào liên quan đến con cũng sẽ gây ít nhiều lo lắng, vậy một “tin dữ” thông báo con đang cấp cứu chắc chắn sẽ làm phụ huynh hoang mang. Kết hợp với đó, các đối tượng lừa đảo cung cấp được chính xác tên tuổi, trường lớp của con cùng với những âm thanh hối hả và lạnh người đặc trưng của bệnh viện khiến phụ huynh dễ dàng bị “thao túng tâm lý”. Để sớm ngăn chặn những loại hình lừa đảo như thế này hoặc cách thức tương tự liên quan đến an toàn của các em học sinh, mỗi trường học và gia đình cần ngay lập tức chuẩn bị những phương án và kế hoạch phòng ngừa, tuyệt đối không để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đối với các trường học và cơ sở đào tạo, một hệ thống thông tin liên lạc về an toàn cho học sinh cần được thiết lập, tạo kết nối thông suốt giữa nhà trường và gia đình. Các đối tượng lừa đảo sử dụng các số điện thoại lạ, tự nhận mình là giáo viên bộ môn, nhân viên nhà trường… nên phụ huynh khó có thể xác minh danh tính nhanh chóng. Để giải quyết việc này, nhà trường cần công bố cho phụ huynh các kênh liên lạc chính thức, hotline riêng, số điện thoại của thầy cô trong ban giám hiệu hoặc nhân sự phụ trách an toàn của nhà trường. Khi đó, nếu học sinh gặp tai nạn sự cố khi đang ở trường, nhà trường chỉ sử dụng các kênh liên lạc đã được công bố này để thông báo. Như vậy, thông tin được cung cấp bởi số máy lạ sẽ cần phải lưu ý xác minh lại.

Song song với đó, nhà trường cần bố trí nhân sự thường trực về vấn đề an toàn cho học sinh. Trong trường hợp phụ huynh muốn xác minh thông tin về tình trạng của con mình thì sẽ biết phải gọi đến số máy nào và gặp ai để có thể biết thông tin đúng nhất và mới nhất. Bởi lẽ trong giờ dạy và học, không phải lúc nào giáo viên chủ nhiệm cũng có thể nghe điện thoại kịp thời để trả lời các cuộc gọi từ phụ huynh.

Ngoài ra, với chiêu thức lừa đảo “con cấp cứu” như hiện nay, một biện pháp ngăn ngừa hiệu quả và nhanh chóng đó là các nhà trường cần xây dựng và công bố quy trình ứng phó với tình huống học sinh xảy ra vấn đề về sức khỏe, trong đó nhà trường sẽ chủ động tạm ứng và thanh toán các khoản chi phí cần thiết để cấp cứu tính mạng cho học sinh, tuyệt đối không yêu cầu và chờ đợi gia đình phải chuyển tiền mới tiến hành cứu chữa. Về cơ bản, đây cũng là cách xử lý thực tế của phần lớn nhà trường và cơ sở đào tạo nếu học sinh của mình gặp tai nạn khi đi học.

Đối với các gia đình, để tránh cho mình trở thành nạn nhân của lừa đảo, mỗi phụ huynh nên chủ động tìm kiếm hoặc yêu cầu nhà trường cung cấp các kênh liên lạc, đầu mối gửi và nhận thông tin về an toàn của con để lưu trữ, cập nhật thường xuyên và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.

Tiếp nữa, việc để lộ thông tin cá nhân cũng là một sơ hở để phụ huynh lọt vào danh sách bị các đối tượng lừa đảo nhắm tới. Khi đăng ký thông tin của con ở các trang internet, trung tâm vui chơi giải trí, cửa hàng… đều vô tình có thể làm nội dung cá nhân của cả gia đình bị lọt ra ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý, khi con còn nhỏ chưa đủ khả năng bảo vệ mình thì nên hạn chế tối đa việc làm lộ các thông tin của con, phòng tránh những hệ lụy phức tạp.

Cuối cùng, tâm lý vững vàng của phụ huynh rất quan trọng để xử lý những tình huống bị lừa đảo. Ngay cả một phụ huynh có đầy đủ kiến thức và nhận thức cao độ về những hành vi lừa đảo và quấy rối, khi nghe tin con gặp vấn đề nguy hiểm cũng sẽ có ít nhiều phân vân, không dám bỏ qua như những cuộc gọi rác thông thường. Trong trường hợp đó, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, nhờ giúp đỡ của mọi người để cùng xác minh nhanh qua kênh liên lạc với nhà trường và sau đó trực tiếp đến trường lớp để khẳng định tình trạng của con. Thêm vào đó, phụ huynh cũng nên thường xuyên dạy con các kỹ năng bảo vệ bản thân phù hợp với lứa tuổi, nhận thức và phòng tránh các rủi ro khi ra ngoài, thường xuyên kiểm tra định kỳ sức khỏe của con… để giảm thiểu tối đa những sự cố có thể xảy ra với con cũng như gia tăng sự yên tâm cho cha mẹ.

Tóm lại, để chủ động phòng tránh thì thủ đoạn lừa đảo liên quan đến an toàn của trẻ em, sự phối hợp thường xuyên và bài bản giữa nhà trường và gia đình là yếu tố tiên quyết phải triển khai sớm. Không chỉ để tránh bị lừa, đây cũng là những việc nên được quan tâm và thực hiện để nhà trường và gia đình xử lý và ứng phó kịp thời nếu thực sự có sự cố “con cấp cứu” xảy ra.

LÊ TẤT

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chủ động ngăn chặn chiêu lừa đảo “con cấp cứu”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác