Ngay sau khi Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” được ban hành, trong những tháng đầu tiên của năm 2019, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã có hàng loạt hoạt động phối hợp với các địa phương lân cận, nhằm từng bước cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết vào mục tiêu hợp tác liên kết phát triển kinh tế vùng.
Giao thông giữ vai trò cốt lõi trong liên kết kinh tế vùng
Sự khởi đầu ấn tượng
Cần phải nhắc lại, trong chiến lược liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng duyên hải Bắc bộ trước đó theo tinh thần Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố Hải Phòng là địa phương khởi xướng nhiều chuyên đề quan trọng, mà điểm nhấn là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc ven biển phía Bắc. Từ động thái này, lãnh đạo 6 tỉnh thành Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Hải Phòng đã gặp nhau tại Hải Phòng, thống nhất các nội dung liên quan đến dự án tuyến đường xuyên tỉnh với tổng chiều dài 160km.
Từ tháng 7-2017, Hải Phòng đã chính thức khởi động dự án, khi tiến hành khởi công phân đoạn giữa Hải Phòng với tỉnh Thái Bình, có chiều dài đoạn tuyến 29,7km đường bộ (20,782 km thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng và 8,925 km thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình). Tổng mức đầu tư là 3.758 tỷ đồng, quy mô đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, chiều rộng mặt cắt ngang đường dài 12 m với 2 làn xe cơ giới rộng 7m (2×3,5m), tốc độ thiết kế 80 km/h. Trên đoạn tuyến có 8 cây cầu được xây dựng, trong đó có 2 cây cầu lớn nhất là cầu vượt qua sông Văn Úc dài gần 2 km và cầu vượt sông Thái Bình dài hơn 1 km.
Trở lại với nội dung được đề cập trong Nghị quyết 45, Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Các Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước, nhất là các Tỉnh ủy, Thành ủy trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Bắc bộ cần tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác với thành phố Hải Phòng, tạo không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển”. Có lẽ chính vì thế, ngay sau khi Nghị quyết 45 được ban hành, Hội nghị hợp tác giữa Hải Phòng với lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã được tổ chức vào ngày 26-1 vừa qua, đi tới thống nhất các nội dung hợp tác phát triển kinh tế- xã hội. Đây cũng là hội nghị cấp vùng đầu tiên mà Hải Phòng tham gia trong thời điểm đầu năm 2019. Theo Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa rất quan trọng trong triển khai thực hiện NQ45 của Bộ Chính trị, mở hướng cho những hội nghị tương tự được tổ chức tiếp sau đó
Theo đó, sự hợp tác đi vào những việc làm cụ thể, định rõ thời gian hoàn thành. Và đúng như cam kết, vào ngày 14-2 vừa qua, tỉnh Thái Bình đã khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc ven biển trên địa bàn tỉnh, kết nối với tuyến đường cao tốc trên địa bàn thành phố Hải Phòng như đã nói ở trên. Về phía Hải Phòng, trong năm 2019 này thành phố sẽ phối hợp với Thái Bình khởi công cầu sông Hóa nối huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và huyện Thái Thụy (Thái Bình). Đánh giá về những sự kiện này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau khi hoàn thành các tuyến đường, di chuyển từ Thái Bình tới Cảng hàng không quốc tế Cát Bi của Hải Phòng chỉ 25 phút, tạo cơ hội tuyệt vời để cả hai địa phương cùng phát triển. Trên cơ sở thuận lợi đó, tỉnh Thái Bình sớm triển khai khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp của Thái Bình nói riêng với Hải Phòng và các địa phương khác nói chung.
Cầu Bạch Đằng kết nối Hải Phòng với Quảng Ninh
Cụ thể bằng hành động thiết thực
Điều hết sức có ý nghĩa là, Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như những sự kiện liên quan diễn ra đúng vào dịp tết truyền thống Kỷ Hợi 2019, phát tín hiệu trong một không gian tinh thần với khí thế thoáng đạt. Đây là niềm vui lớn không chỉ của Hải Phòng mà với cả các địa phương trong vùng duyên hải Bắc bộ, bởi Nghị quyết 45 một lần nữa khẳng định rõ quan điểm: xây dựng và phát triển Hải Phòng không chỉ vì Hải Phòng mà vì các các địa phương trong vùng và cả nước. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội lớn, thúc đẩy sự phát triển bứt phá của Hải Phòng và các địa phương trong vùng, trong đó Hải Phòng giữ vai trò động lực.
Từ thành công của hội nghị hợp tác Hải Phòng – Thái Bình, chỉ sau vài ngày lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Hải Dương vào ngày 31-1-2019. Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương đã dành thời gian đánh giá, phân tích những kết quả đạt được gồm cả thành tích và hạn chế, trên lĩnh vực hợp tác liên kết vùng. Các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất những giải pháp hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian tới. Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, tỉnh Hải Dương xác định sẽ phối hợp chặt chẽ với Hải Phòng, thực hiện nhiều đề án, công trình. Qua việc thực hiện Nghị quyết 45, hai địa phương sẽ có thêm nhiều điều kiện nâng tầm mối quan hệ hợp tác một cách toàn diện và hiệu quả cao trên tất cả lĩnh vực.
Trước mắt, Hải Phòng sẽ cùng Hải Dương tiến hành những thủ tục và chuẩn bị cơ sở cần thiết, để khởi công các cây cầu kết nối. Cụ thể, cầu Quang Thanh (nối huyện An Lão của Hải Phòng với huyện Thanh Hà của Hải Dương; cầu Dinh (nối huyện Thủy Nguyên của Hải Phòng với huyện Kinh Môn của Hải Dương do Hải Phòng đầu tư, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2019. Tỉnh Hải Dương sẽ đầu tư đồng thời với Hải Phòng xây dựng đường dẫn cầu Dinh, đoạn kết nối với quốc lộ 17B dài 3,9 km trị giá khoảng 250 tỷ đồng; đường dẫn cầu Quang Thanh kết nối đến đường tỉnh 390 dài 2 km, tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng… Giai đoạn tiếp theo, Hải Dương sẽ xây dựng cầu Tú (kết nối các huyện An Lão của Hải Phòng và huyện Thanh Hà của Hải Dương); cầu Trường Thọ (kết nối An Lão của Hải Phòng và Kim Thành của Hải Dương)… Khi các dự án được hoàn thành, đồng nghĩa là các vị trí kết nối giữa hai địa phương sẽ tạo đà vững chắc trong triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 45.
Chưa dừng lại ở đó, khi bài báo này lên khuôn cũng đúng vào thời điểm lãnh đạo hai tỉnh, thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh tiến hành thảo luận, nhằm thống nhất các giải pháp hợp tác trong thời kỳ mới. Điều hết sức quan trọng là, hai địa phương từ lâu đã được Trung ương đặt trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Với vị trí địa lý có nhiều điểm chung, nhất là cực phát triển vùng Đông Bắc mà điểm nhấn là khai thác vùng du lịch di sản thiên nhiên Cát Bà – Hạ Long, Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ được đặt trên một lộ trình, được định hướng rất rõ trong Nghị quyết 45: “Đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc”,
Có thể nói, những động thái tích cực nêu trên đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo, nội dung về liên kết vùng của Nghị quyết 45. Tin tưởng rằng, với những sự khởi đầu hiệu quả, một giai đoạn mới trong liên kết kinh tế vùng sẽ được khai thông, thúc đẩy mạnh mẽ hơn, để Hải Phòng cũng như các tỉnh bạn cùng hướng đến một tương lai phát triển bền vững.
Lê Minh Thắng