Nhiều nỗi lo khi con học trực tuyến
So với học sinh các khối lớp trên, học sinh lớp 1 chưa biết đọc, chưa biết viết nên thời gian đầu rất cần sự kèm cặp, hướng dẫn trực tiếp của giáo viên chủ nhiệm. Theo tính toán của các giáo viên dạy lớp 1, để các em có thể đọc thông, viết thạo các vần khó, tiếng khó, cần gần hết học kỳ 1 trong điều kiện học bình thường.
Anh Nguyễn Xuân Hiệp, ở nhà số 31/274 đường Ngô Quyền (quận Ngô Quyền), có con trai đang học lớp 1 bày tỏ: “Băn khoăn lớn nhất của gia đình tôi là các con ở lứa tuổi này thường hiếu động, tính tự giác chưa cao, khó tập trung trong thời gian dài nếu bài giảng không hấp dẫn, sinh động. Ngoài ra, các con chưa thành thạo sử dụng các thiết bị điện tử, trong khi không phải lúc nào cũng có người lớn kèm cặp hỗ trợ”.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Trung Kiên, ở ngõ 180 đường Quy Tức (quận Kiến An), tỏ ý lo ngại từ thực tế học trực tuyến của năm học trước, nhiều trường sử dụng phần mềm Zoom, mỗi tiết học chỉ giới hạn trong 40 phút, quá thời gian cả lớp học lại bị thoát ra, học sinh phải đăng nhập lại, mất thời gian. Đặc biệt, sau sự việc một học sinh Trường tiểu học Thái Thịnh (Hà Nội) bị điện giật tử vong khi đang học online, gia đình anh rất lo ngại về an toàn của trẻ khi để con học trực tuyến một mình.
Với nhiều gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, việc trang bị máy tính, điện thoại, kết nối mạng internet cho con học trực tuyến cũng không dễ dàng. Nhiều cha mẹ còn lo ngại việc tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử khi học trực tuyến có thể ảnh hưởng đến thị lực hay khiến các con “nghiện” internet…
Bảo đảm an toàn, hiệu quả
Đến nay, các nhà trường đều chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phương án nếu phải dạy học trực tuyến. Thầy giáo Triệu Đình Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hải 1 (quận Hải An) cho biết: Khối lớp 1 được học trực tiếp từ ngày 26/8 đến nay. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, tranh thủ “thời gian vàng” đến trường học trực tiếp, các giáo viên của trường ưu tiên dạy kiến thức mới, môn trọng tâm, trọng điểm, do vậy khi chuyển sang học online, các con đã được làm quen nền nếp học tập, các kỹ năng cơ bản như tư thế học, cách cầm bút đúng, luyện nét chữ, tập đánh vần. Nhà trường luôn chủ động sẵn sàng phương án dạy trực tuyến, đặc biệt ưu tiên khối lớp 1 với bài giảng được thiết kế ngắn gọn, thời lượng vừa phải, nội dung trọng điểm, sinh động, phù hợp lứa tuổi…
Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên) Vũ Thị Phượng, nhà trường tổ chức họp với cha mẹ học sinh để khảo sát thiết bị đáp ứng việc học trực tuyến để có phương án dạy học thích hợp. Qua khảo sát, số học sinh đáp ứng nhu cầu học trực tuyến của nhà trường đạt 98,8%. Với những học sinh còn thiếu thiết bị, trường sẽ tìm phương án hỗ trợ để bảo đảm tất cả học sinh đều được học tập. Học sinh các khối từ lớp 2 đến lớp 5 đã quen với hình thức học trực tuyến nên không gặp nhiều khó khăn. Đối với học sinh khối 1, để giúp các con tập trung vào bài giảng khi học trực tuyến, nhà trường chỉ đạo các cô giáo soạn bài giảng sinh động, lồng ghép hình ảnh, video minh họa gần gũi với lứa tuổi. Các bài tập cũng được soạn theo hướng trọng tâm, thiết thực, có trò chơi, câu đố vui để tăng sự tương tác giữa cô và trò, thu hút sự chú ý của trẻ. Ngoài ra, để ứng phó với tình huống dịch COVID19 phức tạp, nhà trường xây dựng phương án dạy và học trực tuyến đối với các khối lớp 3, 4, 5. Đối với khối lớp 1, 2, sẽ phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng phương án “3 tại chỗ” (ăn ở, sinh hoạt, học tập) tại trường do nhà trường có cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, khép kín…
Để chủ động chuẩn bị phương án dạy trực tuyến trong năm học 2021-2022, khắc phục những hạn chế về phần mềm, thời lượng… trong dạy trực tuyến của năm học trước, Sở Giáo dụcĐào tạo vừa tổ chức hội thảo lựa chọn hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến (bao gồm phần mềm tổ chức dạy học, hệ thống quản lý học tập và hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến). Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo tới các địa phương về hệ thống phần mềm phù hợp giáo dục tiểu học thành phố. Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Văn Trà, việc dạy học trực tuyến đối với khối lớp 1 không dễ dàng, muốn đạt hiệu quả cao, cần sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của nhà trường với cha mẹ của học sinh để cùng hướng dẫn, hỗ trợ con học. Ngoài ra, do học sinh khối lớp này còn quá nhỏ nên việc bảo đảm an toàn đối với học sinh cũng là vấn đề được ngành đặc biệt quan tâm. Nếu phải chuyển sang dạy trực tuyến, khối lớp 1, lớp 2 sẽ được học vào buổi tối. Sở cũng yêu cầu các nhà trường liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh để rà soát, kiểm tra các thiết bị điện, điện tử phục vụ việc học trực tuyến của con; hướng dẫn các kỹ năng nhận biết, sử dụng thiết bị điện, điện tử cho học sinh để bảo đảm tuyệt đối an toàn khi sử dụng, góp phần hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục…/.
Bài và Ảnh: Bùi Hạnh
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More