Nhiều mánh để lách thuế
Những năm qua, việc mở các tuyến đường bay mới đến Hải Phòng, đặc biệt là khánh thành cầu Tân Vũ-Lạch Huyện đã thu hút đông đảo khách du lịch từ các tỉnh, thành phố lân cận đến với Hải Phòng. Bên cạnh đó, công tác phát triển cơ sở lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, đào tạo nguồn nhân lực, vận chuyển khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch được chú trọng đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch thành phố triển.
Năm 2017, thành phố đón và phục vụ trên 6,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 12,45% so với cùng kỳ năm 2016, tăng 13,65% so với cùng kỳ. Năm 2018, tổng lượt khách du lịch đạt 7,8 triệu lượt, tăng 16,34% so với năm 2017.
Thành phố đang tăng cường chống thất thu thuế trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại
Như vậy tỷ lệ khách du lịch qua mỗi năm đều đạt con số tăng trưởng cao hơn các năm trước. Đi cùng với đó là nhu cầu sử dụng các dịch vụ tại địa phương cũng tăng lên như việc sử dụng các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển trên địa bàn.
Tuy nhiên, nguồn thu thuế từ lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng chưa tương xứng với quy mô nguồn lực mà thành phố đã đầu tư. Đóng góp cho ngân sách trong lĩnh vực này còn khiêm tốn, chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng số thuế, phí thu được hàng năm.
Tại cuộc họp của Tổ công tác chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, nhận định về tình hình thu nộp của khối các doanh nghiệp kinh doanh nhà nghỉ khách sạn, nhà hàng… vừa tổ chức đầu tháng 3, đại diện Cục Thuế nhận định “đã có sự tự giác hơn trong kê khai nộp thuế, tuy nhiên số nộp về tuyệt đối chưa cao”.
Kê khai không đúng số khách, số phòng; kê khai giá thuê phòng thấp hơn giá trị thực tế… là những vi phạm phổ biến đối với doanh nghiệp kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn nhằm trốn thuế. Đặc biệt là vào mùa du lịch hay các dịp lễ hội, giá phòng nghỉ thường được thu tăng gấp nhiều lần, không đúng giá niêm yết. Thế nhưng trong các hoá đơn thanh toán hoặc trong hạch toán kinh doanh nộp lại cho cơ quan thuế, chủ nhà nghỉ vẫn kê khai với mức giá rất thấp. Tất cả các vi phạm này đều rất khó phát hiện và xử lý nếu lực lượng chức năng không bắt quả tang.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực du lịch, do cơ chế chính sách nhà nước về việc nộp thuế theo đơn vị chủ quản nên nhiều đơn vị lữ hành dù đón khách và hoạt động du lịch trên địa bàn Hải Phòng nhưng lại nộp thuế ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh khiến ngân sách thành phố phần nào bị thất thu.
Còn tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng hiện nay, cơ quan Thuế khó điều tra cụ thể doanh thu thực tế chênh với doanh thu cơ sở kê khai bao nhiêu. Ngoài ra tình trạng du khách không lấy hoá đơn, đặc biệt là những khách hàng đi theo hình thức hộ gia đình, cá nhân đã vô tình tiếp tay cho tình trạng trốn thuế…
Tăng cường siết chặt quản lý
Thực tế cho thấy, việc chống thất thu thuế nói chung và thất thu trong lĩnh vực trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn nói riêng rất khó khăn, phức tạp. Chủ trương “bán hàng phải cấp hoá đơn, mua hàng phải nhận hoá đơn” với giá trị từ 200.000 đồng trở lên không được người bán và người mua hàng thực hiện nghiêm túc.
Đặc biệt ở lĩnh vực nhà hàng ăn uống, các dịch vụ vui chơi giải trí có nhiều phương thức tinh vi về kê khai giá phòng, khai báo thuế…Trong khi đó, tâm lý chung của người nộp thuế luôn muốn tối ưu hoá lợi nhuận, với họ càng đóng ít thuế thì càng tốt.
Ngoài ra công tác phối hợp của cơ quan thuế với một số ngành chưa thực sự chặt chẽ, các ngành chưa chủ động cung cấp cho cơ quan thuế thông tin liên quan về quản lý thuế và chống thất thu thuế. Để áp thuế chính xác, từ nhiều năm nay thành phố đã thành lập tổ chống thất thu lĩnh vực này. Năm 2019, Tổ đã xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai công tác chống thất thu ngân sách nhà nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, nắm chắc danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó Cục thuế cũng đề xuất UBND TP thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cục Thuế, Công an thành phố, Sở Du lịch kiểm tra tình hình khai báo lưu trú và chấp hành nghĩa vụ thuế tại 1 số cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Sau khi đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh đã triển khai như Lâm Đồng, Khánh Hòa trong quý 1, khi về đoàn sẽ hoàn thiện và triển khai đề án trong quý 2 nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý nhà nước.
Trong cơ cấu kinh tế, Hải Phòng rất chú trọng lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Vì thế việc quản lý doanh thu trong lĩnh vực này được quan tâm chỉ đạo sát sao.
Bên cạnh việc các sở ngành chức năng phải tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn trong triển khai công tác; ngành thuế cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách thuế cho người nộp thuế… Đồng thời cũng cần sự ủng hộ của người dân trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế.
Điều đó được thể hiện trong quá trình sử dụng các dịch vụ, người dân nên lấy hóa đơn để không tiếp tay cho việc trốn thuế; đây còn là cơ sở để các cơ quan chức năng có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp phát sinh tranh chấp nếu có xảy ra…
Bùi Hạnh
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More