Doanh nghiệp “tiếp tay” cho gian lận
Tại tọa đàm “Hải quan làm gì để chống gian lận xuất xứ hàng hóa” được tổ chức mới đây, Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, đối tác của Việt Nam trải rộng khắp châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Úc. Từ mở rộng quan hệ đối tác này sẽ không loại trừ hàng hóa của một số nước, trong đó có Trung Quốc, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các đối tác ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), hoặc các quốc gia dành cho Việt Nam các ưu đãi về thuế quan thấp hơn.
Thực tế, tình trạng hàng Trung Quốc vào Việt Nam với hình thức tạm nhập tái xuất, sau đó nhờ sự “tiếp tay” của một số doanh nghiệp (DN) và lực lượng chức năng, tạo điều kiện hợp thức hóa cho hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi xuất khẩu (XK) đã xảy ra trong thời gian qua.
Mới đây nhất, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III (Cục Hải quan Hải Phòng) phát hiện, bắt giữ hàng nghìn phụ kiện điện thoại như sạc pin dự phòng, tai nghe, cáp nối… của điện thoại di động trong 1 container nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên bao bì và hàng hóa lại thể hiện xuất xứ Việt Nam.
Mặc dù hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có C/O Trung Quốc nhưng khám xét container, lực lượng hải quan phát hiện hàng nghìn phụ kiện điện thoại được in sẵn trên bao bì, sản phẩm tên tuổi, địa chỉ và cả trung tâm bảo hành của Công ty cổ phần thương mại “TITAN” Việt Nam – một DN trong nước.
Đáng chú ý, trên nhiều sản phẩm còn nghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” và cả ký hiệu mã vạch của Việt Nam (đầu mã vạch 893). Được biết, container này có trị giá hàng hóa cả tỷ đồng. Khi làm thủ tục, DN xuất trình C/O Form E của Trung Quốc nên lô hàng được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Mặt khác, trong sản phẩm lại thể hiện xuất xứ Việt Nam nên trường hợp DN bán hết lô hàng lại được hoàn thuế giá trị gia tăng 10%.
Tình trạng giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam ngày càng gia tăng, khiến một số nước như Mỹ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc đã áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp ở một số mặt hàng XK của Việt Nam.
Chẳng hạn, Mỹ áp dụng mức thuế chống bán phá giá lên đến hơn 400% đối với thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ vùng lãnh thổ của Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài ra, một số mặt hàng khác đang bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá như pin năng lượng mặt trời, xe đạp, tôm, xe tay nâng… cũng đang được nước này đưa vào “tầm ngắm”
Chế tài chưa đủ sức răn đe
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, để chống gian lận xuất xứ hàng hóa, cơ quan quản lý cần “siết” chặt quy tắc xuất xứ C/O, C/Q (giấy chứng nhận chất lượng).
Ông Âu Anh Tuấn khẳng định, trong quá trình kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa XK, cơ quan hải quan nhận thấy quy định về quy tắc xuất xứ đối với một số mặt hàng còn lỏng. Ví dụ mặt hàng gỗ dán, gỗ ván ép, tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi phân nhóm (CTSH), do vậy có tình trạng DN lợi dụng quy định này để thực hiện gian lận trong khai báo mã số hồ sơ nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.
Đáng lưu ý, tình trạng DN nộp chứng từ không hợp lệ, sử dụng các chứng từ giả hoặc quay vòng chứng từ… vẫn diễn ra phổ biến.
Đồng tình, ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu khẳng định, quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa hiện nay còn chưa thật cụ thể, chưa bao quát được đầy đủ các trường hợp. Cùng với đó, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Vì thế, trong thời gian qua cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn giả mạo nguồn gốc hàng hóa nhưng không có đủ cơ sở để xử lý tại khâu nhập khẩu.
“Đối với vi phạm về sở hữu trí tuệ, hiện cơ quan hải quan khá bị động, do đơn vị chỉ được thụ lý, xem xét giải quyết các vụ việc nghi vấn khi có đơn và tiền đặt cọc của chủ sở hữu quyền chứ chưa được chủ động phát hiện và đấu tranh”, ông Khánh nói.
Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết cơ quan hải quan đang tập trung lực lượng tiến hành điều tra sâu với gian lận xuất xứ trong một số ngành hàng như thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng… Đặc biệt là với các DN nhập khẩu sản phẩm linh kiện, bộ phận, bán thành phẩm để về lắp ráp đơn giản thành sản phẩm nguyên chiếc rồi lấy xuất xứ Việt Nam cũng đang có dấu hiệu tăng tiến. Thậm chí, có DN nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc, chỉ thay bao bì rồi “hô biến” thành hàng sản xuất tại Việt Nam. Nếu để tình trạng này kéo dài không những ảnh hưởng đến kinh tế trong nước mà còn gây thiệt hại và mất niềm tin cho người tiêu dùng.
Minh Thùy
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More