Print Thứ Ba, 17/03/2020 18:08 Gốc

Trong khi ở một số khu dân cư, những người phải cách ly vì tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 được cộng đồng giúp đỡ; thì một số khác cũng vấp phải sự kỳ thị sâu sắc vì sự lo lắng thái quá của cộng đồng.

Đang là công dân lương thiện bỗng trở thành “đối tượng”

Chúng tôi đang chịu cách ly tại nhà vì tiếp xúc với người mắc Covid-19. Chúng tôi ý thức được mức độ nguy hiểm nếu để dịch lây lan. Khi nhận được tin là các F1, F2, F3… là lúc chúng tôi hoảng sợ thực sự, lặng đi một lúc. Sau đó, việc đầu tiên chúng tôi làm là ngồi ghi lại những người mà mình đã gặp. Lúc đấy rất khổ tâm. Ai hiểu được thì họ động viên, dặn dò. Ai không hiểu chuyện, họ trách móc và tỏ thái độ ghê sợ mình luôn”, chị N.M.L nói về “thân phận F1” của mình.

Bạn chị còn “khóc tu tu” vì hàng xóm mang giẻ nhét hết vào 3 lỗ cửa nhà; tổ trưởng dân phố thì đưa quyết định cách ly bằng cách nhét quyết định qua khe cửa xong chạy vội về. Hàng xóm thì liên tục chỉ trỏ khi đi qua nhà. Và đỉnh điểm là loa phường để ngay cạnh nhà, cách 1 tiếng lại đọc tên những người có tiếp xúc với bệnh nhân, kèm khuyến cáo “đề nghị bà con chú ý các đối tượng, không để các đối tượng ra khỏi nơi cư trú’’.

May phước cho chị, loa chỉ réo 3, 4 ngày, rồi cuối cùng cũng nghỉ, nếu không cũng đến nước… đội đơn lên phường.

Chúng tôi có phải là tội phạm không? Các quyết định cách ly thì được dán ở các bản tin của khu phố, tên tuổi, địa chỉ rõ ràng. Trong khi cả nước đang kêu gọi mọi người khai báo trung thực, vì chỉ cần có ý thức là công tác dập dịch, khoanh vùng dịch sẽ đạt hiệu quả rất cao. Vậy hãy ngừng chỉ trích, ngừng kỳ thị, vì chúng tôi không phải là tội phạm”, chị L. nói.

Nhiều du khách đến Việt Nam phát khóc vì bị nhà hàng, khách sạn từ chối. Ảnh Ngọc Thắng.

Khác với chị L. bị kỳ thị ngay tại khu dân cư, chị T.H thì bị kỳ thị vì sinh sống tại Hà Nội.

Gia đình tôi có việc đi Hòa Bình. Đến một nhà hàng tại thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy, thì họ từ chối tiếp vì gia đình tôi đi xe biển Hà Nội, nói là hôm nay nghỉ bán hàng. Trong khi đó, gia đình chị tôi (đi xe biển Thanh Hóa) đã đến và gọi món từ trước”, chị H. cho biết.

Trước đó, bố chị H. về quê chơi cũng phải ra Hà Nội sớm vì… không ai tiếp. Ở quê ông (một xã ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), người ta dựng barrie trên đường, ai đến phải “khai” rõ đi từ đâu tới mới được cho vào. Cũng ở đây, 1 người tiếp xúc với bệnh nhân thứ 21 đã bị người dân phát hiện, nửa đêm dựng dậy, “hộ tống” ra khỏi khu dân cư.

Những ngày này, nỗi lo, nhiều khi là thái quá, đã làm cho cư xử của nhiều người trở nên xấu xí. Nhiều hàng quán sỗ sàng từ chối người nước ngoài, hay đơn giản chỉ là người Hà Nội, như đã nói ở trên. Cảnh giác với dịch bệnh đã trở thành nghi kỵ, soi mói và kỳ thị lẫn nhau. Nhiều người khốn khổ vì đang là công dân lương thiện bỗng dưng trở thành “đối tượng”.

Virus không chết vì loài người ghét bỏ nhau

Ở góc độ chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, cách ly là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch bệnh chưa có vắc – xin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như Covid-19. Cách ly là để chẳng may người đó bị nhiễm bệnh và phát bệnh thì không có nguy cơ lây lan cho người khác và dịch bệnh sẽ được khống chế. Việc cách ly cần sự tự giác của tất cả những người đi từ vùng có dịch về và những người tiếp xúc với người nghi ngờ, đảm bảo ngăn cản đến mức thấp nhất sự lây lan.

Tin nhắn chị H.H nhận được từ hàng xóm. Tử tế với nhau không làm việc chống Covid-19 yếu đi. Ảnh NVCC.

Sự giám sát của cộng đồng dân cư cũng quan trọng, nhưng chỉ để nhắc nhở những người không tự giác, chứ không phải để soi mói, kỳ thị nhau. Hãy sợ Covid-19, nhưng đừng sợ một cách thiếu hiểu biết.

Trong các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, không có khuyến cáo nào về việc kỳ thị, cho dù đó là những người tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.

Tại một khu đô thị ở Long Biên (Hà Nội), nơi có chị H.H – người tiếp xúc F1 với bệnh nhân thứ 21, sinh sống, hàng xóm lập hẳn nhóm “Quân khu K16” để hỗ trợ gia đình chị.

Trong các tin nhắn hỗ trợ nhau của “quân khu”, chị H. có thể nhờ từ “mang giúp em mấy củ sả”, đến mua những đồ thiết yếu.

Chúng tôi luôn ủng hộ các bạn, cần trợ giúp gì cứ liên hệ. Chúc gia đình mạnh mẽ, sức khỏe và hãy luôn yên tâm, vững tin. Chúng tôi luôn ở bên cạnh các bạn”, chị nhận được những tin nhắn động viên như vậy từ hàng xóm. 14 ngày cách ly đối với gia đình chị H. trôi qua một cách nhẹ nhàng, trong sự “giám sát” của cộng đồng.

Hôm 16.3, chồng chị (tiếp xúc F2) đã được đi làm trở lại. Chị H. cũng sẽ sớm trở lại với công việc. Gia đình chị là một minh chứng cho việc không cần chống dịch một cách xấu xí.

Mặc dù lưu ý người dân về diễn biến phức tạp hơn của dịch, nhưng Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây cũng phải “quán triệt” cấp dưới không được gọi người dân là “đối tượng”, phải “lễ phép”, “không có lời lẽ làm những người có nguy cơ lây nhiễm bức xúc thêm”.

Dịch có diễn biến phức tạp, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát (hiện nay chưa có một trường hợp dương tính nào không rõ nguồn gốc xuất xứ). Người dân hãy đồng hành cùng Chính phủ chống dịch bằng cách chăm sóc sức khỏe mình thật tốt, rửa tay thật kỹ, đeo khẩu trang (không nhất thiết là khẩu trang y tế) nơi đông người, nhắc nhở (thậm chí giám sát) những người vô ý thức,… nhưng không nên bằng cách làm tổn thương nhau.

SARS-CoV-2 tuy là một loại virus khó lường, nhưng dịch rồi cũng sẽ hết, loài người sẽ sống lâu hơn. Chúng ta rồi sẽ trở lại làm anh em, bạn bè, hàng xóm, làm nhân loại, chứ không phải người canh dịch.

Vũ Hân

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chống Covid-19: Xin đừng gọi nhau là ‘đối tượng’
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác