Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:17

Trong khi Hải Phòng đến hẹn vẫn loay hoay với đề án đổi mới phương thức tổ chức lễ hội chọi trâu; trong khi Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ) vẫn loanh quanh chuyện cấm bán vé, mổ thịt trâu chọi; trong khi nhiều địa phương như Yên Bái, Tuyên Quang vẫn “cự nự” vì hội chọi trâu phải dừng…, thì bỗng lại có đề xuất nên bỏ các lễ hội chọi trâu, thậm chí lâu đời như chọi trâu Đồ Sơn cũng được đề nghị chỉ giữ lại như một… ký ức di sản. Ý tưởng này khiến người trong cuộc không khỏi giật mình, nhưng không hẳn là vô lý. Đồ Sơn… giật mình.

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, Bộ VHTTDL đã yêu cầu trong tháng 3.2018, UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng), Sở VHTT Hải Phòng phải trình phương án tổ chức lễ hội năm 2018. Nhưng quá hạn đã gần cả tháng, Hải Phòng vẫn lom dom trình bày trước hội nghị rằng: “Đang chỉnh sửa”.

Dư luận và các nhà quản lý thì vẫn chưa thể nguôi ngoai về vụ việc đau lòng hồi năm ngoái ở vòng đấu loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, trâu húc chết chủ. Bức xúc thậm chí đã lên đến đỉnh điểm khi có nhiều đề nghị dừng tổ chức lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này. Sau vòng chung kết 2017, Bộ yêu cầu lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2018 phải thay đổi đề án tổ chức mới được thực hiện.

Trong đề án mới, Bộ yêu cầu lễ hội chọi trâu Đồ Sơn phải thể hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, văn minh cho các đối tượng tham gia. Tại Hội nghị sơ kết mùa lễ hội vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chỉ đạo: “Nếu không an toàn thì dừng tổ chức”.

Cục Văn hóa cơ sở cho biết thêm, định hướng của Bộ đối với việc đề án đổi mới phương thức tổ chức lễ hội này là không tổ chức vòng đấu loại, vòng chung kết thu hẹp quy mô, giảm số lượng trâu chọi… Bên cạnh đó, yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các nghi lễ truyền thống trong lễ hội. Hội chọi trâu Đồ Sơn nhiều năm qua để lại ấn tượng chủ yếu về những màn thi đấu mang tính bạo lực, các yếu tố nặng thương mại như bán vé vào cửa, thịt trâu chọi bán giá cao, những màn cá cược đằng sau mỗi kháp đấu…

20 ngày sau khi đã quá hạn “nộp bài”, đại diện Sở VHTT Hải Phòng cho biết, để xây dựng đề án đổi mới, Sở VHTT Hải Phòng và UBND quận Đồ Sơn đã tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến các Sở, ngành… Hiện đề án đang được thẩm định, chỉnh sửa trước khi trình UBND TP Hải Phòng và Bộ VHTTDL. “Các yếu tố đảm bảo an toàn, nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như tăng cường tuyên truyền phần lễ… theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL được chú trọng trong đề án đổi mới này”, đại diện Sở Hải Phòng cho biết. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nghiêm khắc: “Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc Hải Phòng nhanh chóng hoàn thành đề án. Lễ hội này buộc phải đổi mới cách tổ chức nếu muốn duy trì. Không thể chỉ nói mà không có thay đổi cụthể nào. Bộ cũng sẽ có Hội đồng thẩm định…”.

Trước hàng loạt ý kiến liên quan việc tổ chức các lễ hội chọi trâu, một đề xuất tại hội nghị khiến nhiều người đồng tình, nhưng cũng khiến “người trong cuộc” không khỏi… giật mình. “Nên chăng tính đến phương án giữ lại lễ hội truyền thống này theo hình thức ký ức di sản?”, Q. Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Vũ Phan nói.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, đây là ý tưởng khá táo bạo và không có lý gì Bộ lại không quan tâm, tham khảo.

Dân được lợi gì?

Cũng theo Q. Giám đốc Sở Tuyên Quang Nguyễn Vũ Phan, chọi trâu đương nhiên là có bạo lực rồi. Cho nên, cần dựa trên bản chất lễ hội để xem có nên dừng dứt khoát hay không. Ông dẫn trường hợp ở Tuyên Quang, hội chọi trâu Hàm Yên có bề dày văn hóa, là lễ hội truyền thống có hồ sơ và được công nhận hẳn hoi, tuy nhiên khi Bộ yêu cầu dừng tổ chức các lễ hội chọi trâu không phải truyền thống thì tỉnh này cũng dừng. “Có đủ hồ sơ nhưng chúng tôi chỉ lưu lại để các thế hệ sau này biết văn minh nông nghiệp như thế nào…”, ông Phan phát biểu.

Lãnh đạo Sở VHTTDL Yên Bái chia sẻ, năm nay tỉnh cũng không tổ chức chọi trâu vì Bộ chỉ đạo, nhưng người dân thì vẫn nghe ngóng Phú Thọ có chọi trâu hay không. Vì vậy Bộ cần có hướng dẫn.

Rõ ràng còn có tâm lý tỉnh nọ “ngóng” tỉnh kia và nhu cầu tổ chức các lễ hội chọi trâu, dù không phải là truyền thống tại các tỉnh thành vẫn… nhan nhản. Các lễ hội chọi trâu trên thực tế đã tràn ngập từ vài ba năm trước và nếu như không có sự quyết liệt chấn chỉnh của Bộ VHTTD thì đến giờ này có lẽ tỉnh thành nào cũng có chọi trâu. “Bộ mà không quyết liệt thì đến cả thư viện, trường học cũng được trưng dụng là nơi bán thịt trâu chọi…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.

Cùng với Đồ Sơn, hai hội chọi trâu khác được có tên trong danh sách lễ hội truyền thống gồm Hải Lựu (Vĩnh Phúc) và Phù Ninh (Phú Thọ) cũng nắc nỏm khi lãnh đạo Bộ chỉ đích danh phải có đề án đổi mới tổ chức. Cả hai đều khẳng định đã cố gắng, đặc biệt nhằm thực hiện các chỉ đạo của Bộ như không bán vé, vận động không giết trâu chọi bán thịt…, tuy nhiên chính các địa phương này cũng thừa nhận đã quá sức. Các lễ hội đã vượt quy mô của làng, xã xưa và có sức hút với hàng vạn du khách đến từ nhiều tỉnh thành. Riêng hội chọi trâu Phù Ninh năm 2018 đã thu hút đến 40 ngàn du khách.

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương đáp lại Phù Ninh: Đây là lễ hội đáng báo động nhất về đảm bảo an toàn. “Hàng ràng quá đơn sơ, dắt trâu vào không có đường đi riêng, người vào trâu cũng đi theo, các biện pháp an toàn trong sân thi đấu cũng chẳng có gì. Tôi ngồi xem mà lo thót tim. Nếu như hôm đó không có con trâu số 3 biểu hiện bất thường, tôi phải gọi điện cho lãnh đạo huyện cảnh báo nguy hiểm thì có lẽ các đồng chí cũng không biết tôi đã ngồi tại đó”, bà Hương nói thẳng.

Trước nhiều ý kiến về các hội chọi trâu, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc cũng thẳng thắn đặt câu hỏi: “Người dân được lợi gì qua các hội chọi trâu? Vì sao các doanh nghiệp cứ hăng hái tổ chức chọi trâu đến thế”. Ông cũng trả lời luôn: Nếu không vì lợi nhuận thì là vì cái gì?

“Dân được hưởng lợi gì?”, “Chọi trâu sẽ chỉ còn là ký ức”…, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, đó đều là những vấn đề có tính chất gợi mở cho công tác quản lý đối với những lễ hội thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian tới. Nếu các địa phương không đưa ra được các giải pháp an toàn, hiệu quả, khắc phục những lỏng lẻo trước đây thì chắc chắn, Bộ sẽ yêu cầu dừng tổ chức.

Phương NgânBáo Văn hóa Điện tử  27/04/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chọi trâu để lâu thành… “ký ức”?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác