Giáo dục

Cho trẻ học trước khi vào lớp 1: Đừng ép “măng” thành “tre”

Tháng 7 là thời điểm học sinh toàn thành phố tận hưởng những ngày hè nghỉ ngơi, thư giãn để chuẩn bị bước vào năm học mới. Tuy nhiên, không ít gia đình cho trẻ mầm non học trước cả tháng để đánh vần, tập viết, làm toán, kể chuyện… theo sách lớp 1.

Những “búp măng” bận rộn

Cứ vào 19 giờ các ngày thứ 3, 5, 7 hằng tuần, bé Ngô Hải Đăng, ở ngõ 413 đường Lê Thánh Tông (quận Ngô Quyền), lại “cõng” cặp sách đi học chữ. Cuối tháng 5/2024, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, Hải Đăng được mẹ tìm giáo viên dạy chữ “gối” vào mấy tháng hè. Điều này đồng nghĩa “búp măng non” không có kỳ nghỉ hè thật sự bởi lịch học 3 tối/tuần.

Chị Vũ Mỹ Anh, mẹ Hải Đăng phân trần: Học “cấp tốc” trong 3 tháng hè là muộn so với các cháu cùng trang lứa, nên gia đình cho cháu học “dày” hơn một chút. Nhiều bạn trong lớp, sau Tết Nguyên đán đã bắt đầu đi học chữ rồi… Nhìn Hải Đăng đeo cặp đi học mà mặt buồn thiu, không biết có học được chữ nào không, chỉ thấy không khí gia đình trở nên “ngột ngạt“, mẹ quát nạt, ông bà dỗ dành, hứa hẹn thưởng quà sau mỗi ngày học.

Cũng có con năm nay bước vào lớp 1 sau nhiều đắn đo, chị Phạm Thị Lan, ở ngõ 681 phố Ngô Gia Tự (quận Hải An), quyết định cho con đi học lớp tiền tiểu học. Chị Lan cho biết: Ban đầu gia đình cũng định không cho đi học, nhưng kinh nghiệm từ đồng nghiệp cho biết, khi vào lớp 1, những cháu được học trước thường tô chữ nhanh, thuần thục và đẹp hơn những cháu bắt đầu học cách cầm bút, tô chữ. Bạn làm tốt sẽ được cô khen, thưởng, vô tình tạo áp lực cho những cháu chưa biết gì. Trong cùng môi trường, các cháu biết chữ không đồng đều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các con. Gia đình đành cho cháu học trước để “chắc ăn”, để con mình không bị “bỏ lại phía sau”…

Các bé 5 tuổi Trường mầm non Sao Sáng 3 (quận Ngô Quyền) được chuẩn bị tâm thế khi làm quen với nền nếp, nội quy cấp tiểu học.

Đây là suy nghĩ của nhiều cha mẹ khi cho con học trước lớp 1. Cũng từ đây, nhiều nhóm “tiền lớp 1” ra đời, ngoài học ở các trung tâm, không ít cha mẹ học sinh tìm hiểu thầy, cô giáo nào đón đầu lớp 1 cấp tiểu học, xin vào lớp cô nào sẽ cho con học trước cô đó. Chuyện giáo viên bắt đầu tiếp nhận lớp học, 2/3 số học sinh biết đọc chữ ghép, tính toán thành thạo trong phạm vi 10 không phải hiếm…

Giúp trẻ tự tin bước vào năm học mới

Là cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm, cô Lê Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Ngô Quyền) cho rằng: Việc các bậc cha mẹ mong muốn con hòa nhịp tiến độ học tập các bạn cùng lớp là điều hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng con không theo kịp, thua thiệt so với bạn bè biết trước là không cần thiết. Khoa học đã tính toán kỹ thời điểm phù hợp để trẻ chính thức bước vào việc học tập, tương ứng từng độ tuổi phát triển của trẻ sẽ ở các trình độ tiếp nhận khác nhau. Cho trẻ học trước chương trình sớm quá dễ dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển tâm, sinh lý trẻ sau này. Ngoài ra còn làm nảy sinh cảm giác nhàm chán, không còn hứng thú với học tập khi vào năm học, trẻ phải học lại những điều đã biết trong dịp hè…

Đồng tình quan điểm trên, cô Vũ Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường mầm non Phan Bội Châu (quận Hồng Bàng) cho biết: Tại trường mầm non, trẻ 5 tuổi được giáo viên cho làm quen, nhận biết số, chữ cái, thêm bớt trong phạm vi 10, phù hợp khả năng nhận biết của trẻ. Như vậy, trẻ học ở trường mầm non đã được cung cấp nền tảng cơ bản để con chuyển tiếp vào lớp 1, gia đình không nên lo lắng mà ép trẻ phải học thêm bên ngoài. Thay vì dạy chữ cho trẻ, các bậc cha mẹ nên chuẩn bị trước cho bé về tâm lý thay đổi môi trường học tập, từ học mầm non được vui chơi thoải mái, sang học tập ở môi trường có kỷ luật, thời gian và không gian gò bó hơn ở tiểu học. Có thể đưa trẻ đến trường tiểu học để cháu nhận biết không gian, lớp học; cho các cháu biết nền nếp lớp 1 khác mầm non thế nào để chuẩn bị tâm lý cho các cháu…

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Quốc Hiệu cho biết, quan điểm của Sở chỉ đạo các trường không dạy trước cho trẻ mầm non 5 tuổi vào lớp 1 dưới mọi hình thức và sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện chỉ đạo này. Ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, cũng cần sự thay đổi trong nhận thức của cha mẹ học sinh về tác hại của học trước chương trình. Điều quan trọng, gia đình nên sát sao, đồng hành với con, dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng giao tiếp với bạn mới, cô giáo mới, môi trường mới. Qua đó, tạo được bước đệm tâm lý vững chắc chuyển tiếp giữa hai cấp học, giúp trẻ tự tin, sẵn sàng bước vào năm học mới hiệu quả, Phó giám đốc Phạm Quốc Hiệu nêu rõ.

Bài và Ảnh: Bùi Hạnh

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Truy tố kẻ tổ chức sử dụng ma túy tại bar, sàn ở Hải Phòng

Cơ quan CSĐT, Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị…

20/11/2024

Chủ tịch HĐND thành phố thăm, chúc mừng nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Nhân Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), sáng 20/11,…

20/11/2024

Huyện Tiên Lãng phát động chiến dịch làm sạch rác thải nhựa bờ biển Vinh Quang

Chiều 19/11, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng phối hợp với Sở Tài nguyên…

20/11/2024

Khởi tố đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,5 tỉ đồng

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố đối tượng lừa…

20/11/2024

Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền) đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

Nhân dịp Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024 ), chiều 19/11,…

19/11/2024

Tạm giam 2 thanh niên Hải Phòng dùng dao đe dọa cướp tài sản

Công an huyện An Lão (Hải Phòng) vừa khởi tố, tạm giam 2 đối tượng…

19/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More