Chờ mong công trình thờ phụng Ngô Quyền ở Cổ Loa

“Khi đến thăm di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, chúng ta rất ngạc nhiên và bùi ngùi không thấy di tích về Ngô Quyền. Vì nguyên nhân nào lại có khiếm khuyết lịch sử như vậy?”, PGS.TS Lưu Minh Trị – Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Đây cũng là băn khoăn của rất nhiều người dân trong thời đại lịch sử hiện đại.

Vùng đất Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) không chỉ gắn với câu chuyện huyền sử Mỵ Châu – Trọng Thủy, hoặc các chứng tích thành hào dày đặc chứng tỏ thời kỳ dựng nước của vua Thục; mà còn kinh đô nước Việt dưới triều đại nhà Ngô.

Thiếu sót lịch sử

Công lao và vị trí đặc biệt của Ngô Quyền với lịch sử, sự nghiệp trung hưng đất nước đến nay không còn phải bàn cãi. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Mạnh Quân: Bản thân chúng tôi, người dân Đông Anh rất đau lòng, tại sao Ngô Quyền có công lao lớn như thế Cổ Loa không có chỗ thờ ở nơi ông lập quốc. Trong tâm thức người dân Cổ Loa, mặc dù chưa có công trình tưởng niệm, Nhân dân đều truyền nhau về công lao Ngô Quyền. Những sự tích gắn liền tên tuổi của ông với vùng đất nơi đây”.

 Di tích Cổ Loa. Ảnh: Phạm Hùng 

Trong khi đó, Ngô Quyền được Nhân dân nhiều nơi lập đền tưởng nhớ. Tính riêng Hải Phòng – mảnh đất gắn với chiến thắng Bạch Đằng có hơn 30 di tích (có thống kê còn lên tới 60 di tích), Thái Bình (3 di tích), Hà Nam (1 di tích), Phú Thọ (1 di tích). Hà Nội có hai nơi thờ Ngô Quyền: Ở quê hương (Đường Lâm Sơn Tây) và nơi ghi dấu chân hành quân) Đại Hưng Mỹ Đức).

Còn ở Cổ Loa, nơi Ngô Quyền sau khi đánh tan quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng – Hải Phòng, rồi lên ngôi vua và đóng đô từ năm 939 đến 944. Thế nhưng, nơi đây không có dấu tích gì về Ngô Quyền và họ Ngô. Theo PGS.TS Lưu Minh Trị, cần phải khắc phục những thiếu sót của lịch sử này.

Mờ nhạt các dấu tích khảo cổ học

PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết ngành khảo cổ học và di sản văn hóa chưa phát hiện được có di tích nào là di tích thuộc Ngô Quyền (938 – 965). Cụ thể, năm 1970, thành công lớn nhất trong quá trình nghiên cứu cấu trúc, kỹ thuật xây dựng và niên đại các thành Cổ Loa của Viện Khảo cổ học là xác định được dấu tích, niên đại xây xếp thời kỳ An Dương Vương.

Tuy nhiên, khảo cổ học cũng chưa xác định được dấu tích thành lũy Cổ Loa thời kỳ Ngô Quyền. Đến năm 2010, với vị trí khảo cổ là Mả Tre – nơi phát hiện trống đồng Cổ Loa nổi tiếng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc tiếp tục phối hợp khai quật. Tuy nhiên, các tác giả khai quật cũng không thấy lớp địa tầng nào có niên đại thế kỷ X của thời kỳ Ngô Quyền. Tất cả được đoán là hình thành trước và sau thế kỷ X.

Song, PGS.TS Tống Trung Tín nhận định, thời gian của triều Ngô kéo dài chỉ 27 năm, cho nên các di tích của vương triều Ngô hiện nay ở cả nước nói chung và Cổ Loa nói riêng dường như không có gì. Tất cả các di tích liên quan đến Ngô Quyền mà các công trình nghiên cứu đề cập trên phạm vi cả nước chỉ là đền, thờ, lăng mộ, bia ký… đều là các di tích muộn sau này để nghi nhớ các chiến công, thân thế, sự nghiệp, sự tích liên quan tới thời Ngô.

“Thực ra trong lịch sử cổ học, lịch sử di sản văn hóa phi vật thể, việc nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều triều đại vì muôn vài lý do không giữ được các di tích lịch sử là điều rất phổ biến. Kinh đô Cổ Loa thời Ngô Quyền cũng là trường hợp như vậy” – PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định. GS Trịnh Sinh cùng bày tỏ, nếu đi tìm sự thật về khảo cổ học mới xây dựng các công trình tưởng niệm thì sẽ không kịp và khó. Chưa có chứng tích khoa học từ khảo cổ học không có nghĩa không xây dựng được.

Xây như thế nào?

Trong hội thảo khoa học năm 2014, GS Vũ Khiêu đề xuất phải xây dựng công trình xứng tầm với công lao của Ngô Quyền ở Cổ Loa. Tuy nhiên, trong hội thảo khoa học về “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng việc xác định vị trí xây dựng cần chờ quy hoạch chi tiết khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

Ông khẳng định trên mảnh đất Cổ Loa có đền thờ An Dương Vương – khởi dựng Nhà nước Âu Lạc, rồi mất nước vào tay phong kiến phương Bắc; Ngô Quyền đã lấy lại độc lập tự chủ, lấy lại quốc thống. Nay có thêm đền thờ Ngô Quyền là điều cực kỳ trọng đại, tuyệt đối đúng chủ trương và mang tầm vóc quốc gia.

Nhiều ý kiến thận trọng trước việc xây dựng mới nơi thờ vua Ngô Quyền, nhiều ý kiến lại tỏ ra sốt sắng để sửa chữa các thiếu sót của lịch sử. Theo PGS.TS Lưu Minh Trị, cần xây dựng các công trình thờ phụng, tưởng nhớ Ngô Quyền ở Cổ Loa (Đông Anh) theo các hướng: Xây dựng một khu lưu niệm về Ngô Quyền trong quần thể di tích Cổ Loa; chọn khoảng đất còn trống gần trung tâm quần thể di tích Cổ Loa để thực hiện đề án này.

Tại đây, nên xây dựng một ngôi đền (hay đình) thờ Ngô Quyền, cùng các công trình phụ trợ khác. Ngoài ra, tại “Công viên Lịch sử – sinh thái – nhân văn Cổ Loa” (như quy hoạch tổng thể Cổ Loa) cần xây dựng cùng với tượng đài An Dương Vương, tượng đài Ngô Quyền. Hai tượng đài ngoài trời này cần dựng lên bề thế, xứng đáng với tầm vóc của hai nhân vật lịch sử lỗi lạc của dân tộc Việt Nam.

Tạo dựng di tích lưu niệm về Ngô Quyền ở Cổ Loa, để khi Nhân dân đến Cổ Loa tham quan và dự lễ hội, sẽ thắp hương tưởng nhớ An Dương Vương xây thành Cổ Loa và đánh quân Tần thời trước công nguyên, đồng thời thắp hương tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã đánh thắng quân Nam Hán năm 938, lên ngôi vua và đóng đô ở Cổ Loa năm 939.

GS.TS Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: Hội đồng tư vấn khoa học kiến nghị với UBND TP Hà Nội về việc cần sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa. Được biết lãnh đạo TP giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội nghiên cứu, tiến tới xây dựng công trình này.

“Sự kiện Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa cách đây 1080 năm là sự kiện có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, chính thức chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc với sự tiếp nối rực rỡ của các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, Lê… Việc Ngô Quyền định đô ở Cổ Loa đã tiếp nối truyền thống An Dương Vương, mang ý nghĩa phục hồi quốc thống.” – GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội


Vào cuối tháng 4/2019, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội và UBND huyện Đông Anh phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa. Dự kiến, lễ kỷ niệm diễn ra tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh) với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Trình diễn trống hội; sử thi tái hiện chiến thắng Bạch Đằng và sự kiện Ngô Quyền xưng Vương; cùng các chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống, trình diễn võ thuật cổ truyền, cờ người – cờ tướng, không gian trải nghiệm trò chơi dân gian…

Nguồn. Kinh tế & Đô thị

Tin khác

Sắp xếp 21 trụ sở sau sáp nhập tại Thủy Nguyên, Hải Phòng

Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…

27/12/2024

Bế mạc diễn tập thực chiến năm 2024

Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…

27/12/2024

Công ty Cổ phần chứng khoán Hải Phòng bị xử phạt hơn 600 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…

27/12/2024

Công an quận Ngô Quyền bắt giữ đối tượng tàng trữ 02 bánh Heroin

Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…

27/12/2024

Đào tạo và tập huấn Hệ thống thông tin nguồn thành phố Hải Phòng

Sáng 27/12, tại địa chỉ số 62 Võ Thị Sáu, quận Ngô Quyền, Sở Thông…

27/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More