Áp lực điểm số và câu chuyện lo lắng đỗ trượt đại học
Thời điểm này, các sĩ tử đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Nhiều thí sinh đã trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm như: Xét học bạ THPT, xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực… có tâm lý thoải mái, tự tin. Nhưng với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, các em đang trong trạng thái hồi hộp, lo lắng, bất an, mong mỏi điểm thi từng ngày.
Gần đến ngày công bố điểm, Bạch Linh Nhi, học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) cảm thấy hồi hộp và có phần tò mò về kết quả bài thi của mình.
Linh Nhi đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi 3 môn khối H00 (Ngữ Văn, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 1, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 2) với nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
“Năm nay, số lượng thí sinh tham gia kỳ thi rất đông và có tỉ lệ chọi cao nên em cảm thấy lo lắng về khả năng đỗ đại học của bản thân. Khối ngành của em có sự khác biệt so với các bạn khác, vì thi năng khiếu sẽ có cách chấm riêng, môn Văn cũng không thể dự đoán điểm trước nên em rất sợ kết quả không như kỳ vọng.
Em không muốn bố mẹ và thầy cô thất vọng về em. Những áp lực vô hình từ gia đình, nhà trường và chính bản thân đè nén khiến tâm trạng của em lúc nào cũng bồn chồn, bất an“, Nhi bộc bạch.
Cùng tâm trạng lo lắng chờ đợi điểm thi, Tô Xuân Quyền, học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ: “Em cảm nhận đề thi năm nay khó hơn năm ngoái và có nhiều câu khiến em băn khoăn. Không biết bản thân có làm tốt hay không nên em khá hoang mang, sợ không đủ điểm đậu vào ngôi trường mình yêu thích“.
Xuân Quyền đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp D03 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Pháp). Nam sinh cũng chuẩn bị một số phương án dự phòng khác như điền thêm một số trường có điểm chuẩn thấp hơn để tránh trường hợp trượt đại học.
Bình tĩnh chọn nguyện vọng phù hợp
Dành lời khuyên cho thí sinh đang trong trạng thái lo lắng, bất an sau khi thi tốt nghiệp THPT, TS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay thí sinh đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em nên dành thời gian tìm hiểu kỹ các ngành để đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, chú ý đến mức học phí, học bổng, cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường để đưa ra sự lựa chọn phù hợp.
TS Hải cũng lưu ý, theo lịch tuyển sinh của Bộ GDĐT, từ ngày 3.7 đến hết ngày 6.7, Bộ GDĐT mở hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung để thí sinh thực hành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, nộp lệ phí dịch vụ tuyển sinh, chuẩn bị cho việc đăng ký xét tuyển chính thức từ ngày 10.7. Sau thời gian này dữ liệu sẽ được xóa, vì vậy thí sinh nên thực hành.
“Sau khi lựa chọn được ngành học, trường học mình yêu thích, từ 10-30.7 các em đăng ký nguyện vọng chính thức trên cổng thông tin chung của Bộ GDĐT.
Thí sinh nên đăng ký đa dạng nguyện vọng, không nên để đến sát thời hạn mới đăng ký xét tuyển“, TS Hải đưa ra lời khuyên.
Trưởng Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đưa ra lời khuyên với những bạn thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT chưa được như kỳ vọng không nên quá bi quan. Bởi đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công. Các em còn trẻ, còn nhiều cơ hội và lựa chọn như học nghề, khởi nghiệp hay chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi năm sau.
Thanh Hằng
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More