Thực hiện Luật Giáo dục ngày 14-6-2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25-11-2009, Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2-8-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11-5-2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2-8-2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16-6-2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích, xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
Nhằm thúc đẩy nhu cầu học tập trong nhân dân góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo cơ chế chính sách miễn giảm học phí cho học sinh trên địa bàn thành phố Hải Phòng, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả mức thu và cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ học phí, UBND thành phố xây dựng Đề án về cơ chế hỗ trợ học phí đối với học sinh trên địa bàn thành phố Hải Phòng, cụ thể như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 11) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Miễn giảm, hỗ trợ học phí là một giải pháp ưu tiên hàng đầu và đã được Nhà nước luật hóa trong các chính sách nhằm tạo điều kiện giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được học tập, góp phần thúc đẩy công bằng xã hội trong giáo dục.
Năm 2018, Hải Phòng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, trong nước có nhiều chuyển biến, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tín dụng tăng trưởng mạnh; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đang phát huy hiệu quả. Sự đổi mới phương pháp, sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đưa thành phố Hải Phòng bước vào thời kỳ mới, có sự phát triển mạnh, đột phá, tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) Hải Phòng liên tục đạt thứ hạng cao trong các năm gần đây, năm 2018 đạt 64,48 điểm, xếp vị trí 16/63 tỉnh, thành phố. Trong năm đã thu hút được 112 dự án mới có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 743,3 triệu USD.
Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ ra một trong những nhiệm vụ để phát triển thành phố là “Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Như vậy, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng hiện nay, việc hỗ trợ học phí cho con em nhân dân sinh sống và làm việc trên địa bàn là giải pháp ưu tiên hàng đầu nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo chỉ đạo của Nghị quyết 45. Không những thế, tương ứng tỷ lệ tăng dân số và tỷ lệ có việc làm như hiện nay tại Hải Phòng, việc hỗ trợ học phí cho con em nhân dân sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố là một trong các giải pháp thu hút nguồn nhân lực, động viên, khuyến khích nhân dân thành phố. Việc làm này không chỉ là động lực cho học sinh học tập tốt mà còn tạo tâm lý ổn định cho nhân dân lao động trên địa bàn thành phố Hải Phòng, góp phần giữ chân người tài, thu hút người lao động, tạo công bằng xã hội trong giáo dục, an sinh xã hội.
II. CÁC CƠ SỞ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Cơ sở pháp lý
1.1. Văn bản Trung ương
– Luật Giáo dục ngày 14-6-2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25-11-2009;
– Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19-6-2015;
– Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22-6-2015;
– Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;
– Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020);
– Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2-8-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
– Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
– Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11-5-2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2-8-2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
– Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24-3-2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
– Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16-6-2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích, xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
– Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021;
– Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30-3-2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Tài chính – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ;
– Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16-10-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ;
– Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
1.2. Văn bản địa phương
– Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND ngày 25-7-2013 của HĐND thành phố Hải Phòng về nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách xã hội hoá giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể dục – thể thao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2016, định hướng đến năm 2020;
– Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 4-2-2015 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa 11) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
– Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 12-7-2018 của HĐND thành phố quy định mức thu học phí năm học 2018 – 2019 đối với các trường công lập (giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên) trên địa bàn thành phố Hải Phòng;
– Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 8-7-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
– Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 19-7-2019 của HĐND thành phố về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng cuối năm 2019 trên địa bàn thành phố.
– Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 19-7-2019 của HĐND thành phố quy định mức thu học phí năm học 2019-2020 đối với các trường công lập (giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên) trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
2. Cơ sở thực tiễn
2.1. Khái quát đặc điểm tự nhiên của thành phố Hải Phòng
Hải Phòng là thành phố ven biển, có tổng diện tích là 1.519 km2, được chia thành 15 đơn vị hành chính. Dân số trung bình năm 2018 của Hải Phòng đạt 2.013,8 nghìn người. Mật độ dân số trung bình là 1289 người/km2, dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh, mật độ dân số tập trung tại các quận lớn khá cao.
2.2. Quy mô trường lớp tại Hải Phòng
Năm 2018, ngành giáo dục Hải Phòng tiếp tục được thành phố chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Số trường lớp liên tục được xây mới và đưa vào sử dụng. Tính đến nay, toàn thành phố hiện có 339 trường mầm non, tăng 22 trường so với năm học trước, 475 trường phổ thông, tăng 2 trường.
Về đội ngũ, thành phố có 8.674 giáo viên mầm non (tăng 10,23%); 14.094 giáo viên phổ thông, giảm 7,58% (trong đó, giáo viên tiểu học có 6.158 người, giảm 5,67%; giáo viên trung học cơ sở có 4.974 người, giảm 7,01% và giáo viên trung học phổ thông có 2.962 người, giảm 12,18%).
Toàn thành phố hiện có 111.881 trẻ em đi học mẫu giáo, tăng so với năm học trước 4,44%; có 352.777 học sinh phổ thông, tăng 7,13%, cụ thể:
– Có 187.308 học sinh tiểu học, tăng 8,75%.
– 109.327 học sinh trung học cơ sở,
tăng 5,48%.
– 56.142 học sinh trung học phổ thông, tăng 5,11%.
Xét tỷ lệ học sinh/lớp, cấp tiểu học đạt 38 học sinh/lớp; cấp trung học cơ sở đạt 40 học sinh/lớp; cấp trung học phổ thông đạt 41 học sinh/lớp.
2.3. Tình hình thu, quản lý và sử dụng các khoản thu học phí năm học 2018 – 2019
Năm học 2018 – 2019 học phí được thu theo Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 12-7-2018 của HĐND thành phố quy định mức thu học phí năm học 2018 – 2019 đối với các trường công lập (giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên) trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Căn cứ mức thu trên, tổng số học phí thu được trong năm học 2018 – 2019 là 221.590.269.000VNĐ (Hai trăm hai mươi mốt tỷ năm trăm chín mươi triệu hai trăm sáu mươi chín nghìn đồng). Với tổng số học phí thu được, ngoài việc sử dụng để chi lương và cải cách tiền lương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố còn sử dụng để chi phục vụ các hoạt động tại đơn vị như xây dựng, sửa chữa nhỏ, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, chi cho các hoạt động sự nghiệp, chi trả dạy quá giờ, dạy thay, các hoạt động dạy và học và các hoạt động khác. Thực tế đối với các cơ sở giáo dục hiện nay, nguồn học phí cũng là một nguồn thu không nhỏ để các trường có kinh phí duy trì hoạt động định kỳ.
III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu
Ban hành chính sách riêng của thành phố Hải Phòng về việc hỗ trợ học phí đối với con em nhân dân sinh sống và học tập trên địa bàn thành phố Hải Phòng nhằm giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, thực hiện phương châm mọi người đều được hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau; mọi người dân Hải Phòng được tiếp cận bình đẳng, thuận lợi, đầy đủ với chất lượng ngày càng cao các dịch vụ công thiết yếu, đặc biệt là y tế, giáo dục.
Ban hành chính sách riêng của thành phố về việc hỗ trợ học phí nhằm thúc đẩy nhu cầu học tập hoàn thành chương trình trung học cơ sở, hoàn thành chương trình trung học phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Hải Phòng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển giáo dục ở những vùng khó khăn nói riêng và phát triển giáo dục thành phố nói chung.
2. Phạm vi, đối tượng áp dụng của đề án
2.1. Phạm vi áp dụng đề án
Đề án quy định chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
2.2. Đối tượng áp dụng của đề án
a) Trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng và gia đình người học.
b) Các trường mầm non, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
c) Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức cá nhân có liên quan đến việc hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
2.3. Điều kiện hỗ trợ
1. Trẻ em mầm non được hỗ trợ học phí khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 72 tháng tuổi; đối với trẻ em trên 72 tháng tuổi chỉ được hỗ trợ học phí mầm non khi có xác nhận của trường mầm non về việc trẻ em đang học thực tế tại trường do lý do khách quan.
b) Trẻ em đang học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non: Có xác nhận của các cơ sở giáo dục mầm non được cấp phép theo quy định trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
2. Học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông được hỗ trợ học phí khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Học sinh cư trú tại Hải Phòng: Có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú hoặc xác nhận của cơ quan công an về việc thực tế sinh sống tại Hải Phòng.
b) Thực tế đang theo học chương trình phổ thông tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
3. Mức hỗ trợ học phí
3.1. Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông theo mức học phí được HĐND thành phố quyết định.
3.2. Thời điểm thực hiện hỗ trợ:
a) Đối với trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở: Thực hiện từ năm học 2020-2021.
b) Đối với học sinh trung học phổ thông: Thực hiện từ năm học 2021-2022.
3.3. Thời gian hỗ trợ: Hỗ trợ theo số tháng thực học tại các cơ sở giáo dục được cấp phép theo quy định, cụ thể:
– Đối với học sinh mầm non: Tối đa không quá 12 tháng/1 năm học.
– Đối với học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông: Tối đa không quá 9 tháng/năm học.
4. Dự kiến kinh phí thực hiện
Đề án tổng hợp thống kê số học sinh mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông giai đoạn 4 năm học (Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2018-2019). Căn cứ số liệu đó để tính tỷ lệ biến động số học sinh trung bình 4 năm học. Từ tỷ lệ biến động đó, căn cứ số liệu thống kê học sinh, đề án ước tính số học sinh mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông 5 năm học tiếp theo (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2024-2025).
4.1. Dự kiến mức thu học phí cho 5 năm học tiếp theo (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2024-2025)
Tham khảo các mức thu học phí từ năm học 2018-2019 và năm học 2019- 2020 được quy định trong nghị quyết của HĐND thành phố hằng năm về mức thu học phí từng năm học đối với các trường công lập (giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên) trên địa bàn thành phố Hải Phòng, đề án dự kiến mức thu cho 5 năm học tiếp theo (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2024-2025) bằng mức thu học phí của 2 năm học 2018-2019 và năm học 2019-2020.
(Đơn vị: đồng/học sinh/tháng)
4.2. Dự kiến kinh phí thực hiện trong 5 năm học tiếp theo (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2024-2025)
Dự kiến kinh phí hỗ trợ học phí (với mức hỗ trợ 100%) cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông toàn thành phố trong 5 năm học từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024 như sau:
4.2.1. Năm học 2020-2021, đối tượng được hỗ trợ học phí bao gồm trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở trên địa bàn thành phố. Tổng kinh phí dự kiến trên toàn thành phố cho năm học 2020-2021 là 350.404.472.243VNĐ (Ba trăm năm mươi tỷ bốn trăm linh bốn triệu bốn trăm bảy mươi hai nghìn hai trăm bốn mươi ba đồng).
4.2.2. Từ năm học 2021-2022, đối tượng được hỗ trợ học phí bao gồm trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Tổng kinh phí dự kiến trên toàn thành phố cho từng năm học cụ thể như sau:
– Năm học 2021-2022: 424.431.318.369 VNĐ (Bốn trăm hai mươi tư tỷ bốn trăm ba mươi mốt triệu ba trăm mười tám nghìn ba trăm sáu mươi chín đồng).
– Năm học 2022-2023: 442.568.297.461 VNĐ (Bốn trăm bốn mươi hai tỷ năm trăm sáu mươi tám triệu hai trăm chín mươi bảy nghìn bốn trăm sáu mươi mốt đồng).
– Năm học 2023-2024: 461.523.919.059 VNĐ (Bốn trăm sáu mươi mốt tỷ năm trăm hai mươi ba triệu chín trăm mười chín nghìn không trăm năm mươi chín đồng).
– Năm học 2024-2025: 481.336.663.145 VNĐ (Bốn trăm tám mươi mốt tỷ ba trăm ba mươi sáu triệu sáu trăm sáu mươi ba nghìn một trăm bốn mươi lăm đồng).
Dự kiến kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm trình HĐND thành phố theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015.
5. Lộ trình thực hiện đề án
5.1. Giai đoạn 1: Thực hiện hỗ trợ học phí năm học 2020-2021
Ở giai đoạn 1, thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở và bổ túc trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hải Phòng
5.2. Giai đoạn 2: Thực hiện hỗ trợ học phí từ năm học 2021-2022
Ở giai đoạn 2, tiếp tục thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở và bổ túc trung học cơ sở, đồng thời thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
6. Đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ học phí với mức hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng
– Chính sách hỗ trợ học phí với mức hỗ trợ 100% cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, học sinh bổ túc trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 có tác động đến chi tiêu công của thành phố từ năm học 2020-2021.
– Việc hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, học sinh bổ túc trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 tác động trực tiếp đến trẻ mầm non, học sinh và gia đình, giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, góp phần ổn định an sinh xã hội, đồng thời tạo thêm cơ hội cho trẻ mầm non được đến trường, học sinh trung học cơ sở được tiếp cận giáo dục, đặc biệt đối với các gia đình cận nghèo.
– Chính sách hỗ trợ 100% học phí là chính sách đặc thù của thành phố Hải Phòng nhằm bảo đảm thực hiện công bằng trong giáo dục, khi thực hiện không ảnh hưởng đến các chính sách miễn giảm học phí do Chính phủ quy định. Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 đã quy định việc miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở theo lộ trình Chính phủ quy định. Như vậy, căn cứ lộ trình thực hiện miễn học phí của Chính phủ, việc thực hiện chính sách sẽ được điều chỉnh đối tượng cho phù hợp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để việc triển khai thực hiện Đề án về cơ chế hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo đúng các quy định của pháp luật, UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận huyện. Sở Giáo dục – Đào tạo là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh mạnh sắp tăng cường sẽ gây…
Các trường THCS vẫn có thể đánh giá trực tiếp học sinh khi xét tuyển…
Sáng 10/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều khó khăn chung, nhưng…
Cơ quan chức năng đã tạm giữ đối tượng hành hung cảnh sát giao thông…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More