Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không nêu nhiều về thành tích mà cần bàn nhiều về giải pháp sát đúng đối với tình hình cụ thể của đất nước và địa phương…
Hải Phòng là thành phố năng động, xuất sắc, có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước
Ngày 2- 7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6, tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ; các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương trên cả nước. Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch nước cùng dự…
Tại đầu cầu Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành thành phố.
Kinh tế- xã hội đất nước tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là hội nghị quan trọng, không chỉ đánh giá, phân tích tình hình, làm rõ kết quả, nêu bật diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế mà chủ yếu phải nhận diện rõ những yếu kém, hạn chế, nguy cơ để có hướng xử lý, có giải pháp khắc phục kịp thời. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không nêu nhiều về thành tích mà cần bàn nhiều về giải pháp sát đúng đối với tình hình cụ thể của đất nước và địa phương, tập trung thảo luận 18 vấn đề trọng tâm như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác… Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành trung ương lắng nghe và trả lời ngay đối với các vấn đề vướng mắc, khó khăn, trở ngại mà các địa phương đề cập.
Thủ tướng tóm tắt một số nét chính trong phát triển kinh tế- xã hội (KTXH) 6 tháng qua, nổi bật là GDP tăng trưởng ở mức cao, 7,08%, cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ năm 2017, trong đó nông nghiệp tăng cao nhất, tiếp đó là dịch vụ, công nghiệp… Thủ tướng nhận định, KTXH đất nước tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực, có nhiều chuyển biến tốt. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là sự đánh giá khách quan, cũng là những tín hiệu khởi sắc của Việt Nam. Thủ tướng ghi nhận nhiều địa phương có sự đổi mới rõ rệt, lãnh đạo rất quyết liệt, trách nhiệm cao, có nhiều cán bộ lãnh đạo tâm huyết, lăn xả vào công việc, từ đó góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước…
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức, thiên tai luôn rình rập; ANTT còn phức tạp, nhất là sự việc xảy ra tại tỉnh Bình Thuận và một số địa phương khác vừa qua; còn có nhiều vấn đề xã hội bức xúc… Trong khi đó, áp lực thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng cuối năm còn lớn, nhất là lạm phát; giải ngân vốn đầu tư công còn là khâu yếu, mới đạt 33%; việc cắt giảm thủ tục kinh doanh cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Do đó, cần sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Đề cập tới một số vụ xử lý kỷ luật cán bộ vừa qua, Thủ tướng nêu rõ“không phải vì thế mà chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ, ngược lại càng phải nỗ lực, phải quyết tâm cao hơn”.
Công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt
Báo cáo về tình hình thực hiện NQ số 01 và tình hình KTXH 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quyết tâm cao, tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đề ra; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan tư pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường đối thoại, đi sâu đi sát xuống cơ sở, chủ động giải quyết và cung cấp thông tin đối với những vấn đề được xã hội quan tâm, từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho phát triển; tổ chức thực hiện tốt và đầy đủ các chính sách an sinh xã hội; quốc phòng an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được nâng cao. Nhờ vậy, tình hình KTXH 6 tháng đầu năm là rất tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao nhất kể từ năm 2011; đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp giữ được đà tăng khá, tình hình xã hội cơ bản ổn định cho thấy sự đúng đắn và hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Trung tâm điều hành và các nhà xưởng của Nhà máy ô tô Vinfast đang được hoàn thiện chuẩn bị đi vào hoạt động.Ảnh: Duy Lê
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, năm nay, Chính phủ dự báo sớm, xây dựng kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực; phát huy mạnh mẽ vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn, thúc đẩy các lĩnh vực còn dư địa. Đồng thời lựa chọn các vấn đề trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là về công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu; xây dựng kịch bản điều hành giá một số mặt hàng và dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng; tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, đôn đốc giải ngân và các nhiệm vụ tác động tăng trưởng, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ tiếp tục rà soát những vướng mắc, bất cập, điểm nghẽn trong phát triển; tổ chức các hội nghị chuyên đề, đưa ra các quyết sách phù hợp, thúc đẩy phát triển lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: xuất khẩu, logistics, giảm chi phí, kết nối hạ tầng giao thông; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đầu tư, xây dựng, phòng chống thiên tai… Chính phủ cũng thể hiện rõ hơn tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp với tinh thần minh bạch, công khai; trong giải quyết thủ tục hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, gắn kết giữa cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử.Những kết quả này đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhàđầu tư trong và ngoài nước, được các tổ chức quốc tếđánh giá cao, tạo không khí phấn khởi, thi đua trong toàn xã hội để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018.
Các đồng chí Phó thủ tướng; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương có nhiều ý kiến phát biểu bổ sung, làm rõ kết quả, nguyên nhân thành công và có một số đề xuất, kiến nghị cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Hải Phòng tiếp tục dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng Hải Phòng hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển KTXH, giữ vững quốc phòng an ninh. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế ở mức cao và có nhiều đột phá, 6 tháng GRDP tăng 16,03%, cao nhất trong nhiều năm gần đây; một số chỉ tiêu có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2017 từ 20- 30% như kim ngạch xuất nhập khẩu, phát triển công nghiệp, tổng vốn đầu tư xã hội; thu hút vốn FDI 6 tháng đạt 1,26 tỷ USD, vượt mức kế hoạch cả năm… Các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt kế hoạch. Các dự án trọng điểm được thực hiện với tốc độ nhanh, nổi bật là Nhà máy ô tô Vinfast tới tháng 9 sẽ có sản phẩm đầu tiên. Nhiều dự án lớn khánh thành, đi vào sử dụng, hệ thống giao thông kết nối của Hải Phòng cơ bản đồng bộ, hiện đại. Tuyến đường bộ ven biển đã hoàn tất các thủ tục đang tập trung cao giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục có kết quả đáng ghi nhận, thành phố phấn đấu hết năm 2019 sẽ có 100% số xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, tuy là địa bàn phức tạp vì có cửa khẩu cảng biển, là thành phố công nghiệp có tới 500.000 công nhân nhưng nhờ có các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát, đúng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Hải Phòng thời gian qua cơ bản ổn định, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển KTXH.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cũng nêu rõ một số khó khăn, hạn chế của Hải Phòng như thu thuế xuất nhập khẩu giảm nhiều so với cùng kỳ; thu ngân sách nội địa chưa tương xứng với tiềm năng… Thành phố sẽ tiếp tục có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để khắc phục trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề nghị Chính phủ bổ sung xây dựng trạm điện 220 KV Cát Hải vào quy hoạch điện 7 để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của khu vực Cát Hải do có nhiều dự án lớn của tập đoàn Vingroup, Sungroup, Ren A Port… được đầu tư xây dựng. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan sớm đưa vào sử dụng 2 trạm điện 220 KV tại các huyện An Lão, Kiến Thụy để cung cấp điện cho nhu cầu phát triển của thành phố. Thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ sớm xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư cầu và đường Tân Vũ- Lạch Huyện 2 do Hải Phòng kêu gọi đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 7000 tỷ đồng để khắc phục tình trạng quá tải tại cầu và đường Tân Vũ- Lạch Huyện 1 sau khi 2 bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đi vào hoạt động. Hải Phòng đề nghị Chính phủ giao cho Hải Phòng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đối với dự án nhà ga hành khách số 2 Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi vì hiện đã quá tải, cần sớm được đầu tư nâng cấp, mở rộng…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả của Hải Phòng và khẳng định đây là địa phương đi đầu của cả nước, có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh, quy mô kinh tế của Hải Phòng hiện chỉ sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; phát triển toàn diện không chỉ về đô thị mà cả công nghiệp, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới là rất đáng mừng, rất đáng biểu dương. Đối với 3 kiến nghị của Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét và trả lời. Thủ tướng mong muốn Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, chú trọng các giải pháp CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kéo giảm tai nạn giao thông.., tiếp tục phát huy vai trò động lực phát triển của cả vùng.
Chủ động xây dựng động lực tăng trưởng
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những ý kiến phát biểu rất cặn kẽ, phong phú, không chỉ nêu tình hình mà còn có các giải pháp, đề xuất cụ thể của lãnh dạo các bộ, ngành, các địa phương. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng xử lý, giải quyết các vấn đề cụ thể.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả 6 tháng qua là rất toàn diện, là kết quả của cả quá trình nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên cũng không vì thế mà chủ quan, lơ là, “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” mà phải tiếp tục hành động mạnh mẽ, đáp ứng lòng tin của nhân dân và đòi hỏi của đất nước. Thủ tướng yêu cầu, nền kinh tế Việt Nam cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, không chỉ chạy theo thành tích, theo số liệu. Do đó, cần phải xác định rõ hơn nữa động lực tăng trưởng không chỉ cho năm 2018 mà cho cả giai đoạn 2018- 2020 để có giải pháp phù hợp. Trong đó, cần chú ý tới chất lượng tăng trưởng, chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống nhân dân; chú trọng chăm lo cho cái chung nhưng cũng quan tâm tới những vấn đề cụ thể của người dân, lo cho dân, hướng về dân, nhất là người dân ở những vùng phải gánh chịu nhiều hậu quả của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu… Thủ tướng đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và lưu ý chú trọng tới các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, chủ động tránh tác động của khủng hoảng kinh tế, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp…
Thủ tướng chỉ đạo phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19 của Chính phủ; đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử…
Thủ tướng yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền trong nhân dân về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, các cơ quan thông tin đại chúng phải đi đầu, phản bác lại các thông tin sai sự thật, bôi nhọ. Về ANTT, Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường hơn nữa công tác nắm dân, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; chủ động xử lý các tình huống; quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội bức bách; giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở đồng thời xử lý nghiêm những kẻ cố tình chống đối, gây rối, đập phá tài sản công, bắt giữ trái phép người thi hành công vụ…
Thủ tướng mong muốn từng thành viên Chính phủ, các địa phương đánh giá ngành mình, địa phương mình qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng đã làm được gì và cần cố gắng nhiều hơn đáp ứng yêu cầu của nhân dân, của đất nước, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, trước mắt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018 và có bước chuẩn bị tích cực cho năm 2019.
Báo Hải Phòng 02/07/2018
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More