Thời gian qua, xảy ra tình trạng một số tài khoản Facebook “bay màu” sau một đêm do chia sẻ nội dung vi phạm, trên mạng xã hội này cũng xuất hiện các dịch vụ được cho là có thể lấy lại tài khoản bị khóa.
Vào đầu tháng 7 năm nay, mạng xã hội Facebook xôn xao trước thông tin hàng loạt tài khoản của người dùng Việt Nam đã bị khóa do chia sẻ nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng này.
Theo ý kiến của một số chủ fanpage lớn tại Việt Nam, nguyên nhân đợt truy quét mạnh lần này xuất phát từ việc nhiều người dùng đã có hành vi phát tán, chia sẻ clip đồi trụy có trẻ vị thành niên.
Ngay sau khi bị khóa tài khoản Facebook do vi phạm điều khoản cộng đồng, nhiều người loay hoay tìm cách lấy lại thông qua các dịch vụ. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng, cuống cuồng trong lúc này chính trở thành thời cơ để nhiều kẻ gian lợi dụng, trục lợi.
Đáng chú ý, nhiều người đăng tải dịch vụ này yêu cầu người dùng phải cung cấp cho họ những thông tin cá nhân mới có thể “cứu” được nick. Một tài khoản có tên N.N.H cho biết, nhận hỗ trợ lấy lại tất cả Facebook bị mất trong thời gian ngắn. Tùy thuộc vào từng mốc thời gian và giá dịch vụ cũng sẽ khác nhau.
Cụ thể: Từ 1-7 ngày có giá 1,5 triệu đồng/tài khoản, từ 1-14 ngày có giá 1 triệu đồng/tài khoản. Người này cho hay, người dùng phải cung cấp đầy đủ thông tin về tài khoản, mật khẩu, email, chứng minh nhân dân chính chủ mới có thể hỗ trợ được.
Trong khi đó, một tài khoản khác có tên N.T.C cũng đăng tải thông tin xử lý việc bị khóa nick với mức giá cao hơn. “Anh chị em cứ bình tĩnh sẽ có cách giải quyết. Bên em sẽ nhận mở nick dạng này cho anh chị em, giá 2 triệu/nick. Yêu cầu email gốc, số điện thoại, chứng minh nhân dân chính chủ“, người này viết trên trang cá nhân.
Ngoài ra, dưới mỗi bài đăng cập nhật thông tin việc bị khóa tài khoản trên một số fanpage lớn, rất nhiều những bình luận với nội dung sẵn sàng hỗ trợ lấy lại tài khoản Facebook với mức giá từ vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu.
Trước tâm lý lo lắng chung của nhiều người dùng, bên cạnh dịch vụ lấy lại Facebook, dịch vụ bảo mật tài khoản cũng nở rộ. Dịch vụ này có mức giá giao động từ 500.000-700.000 đồng. Theo người quảng cáo, nếu sử dụng dịch vụ này, tài khoản Facebook sẽ được họ hỗ trợ đảm bảo thiết lập các thao tác bảo mật cần thiết, tránh trường hợp bị khóa hay chiếm đoạt tài khoản.
Khi người dùng cung cấp đầy đủ cả ID, mật khẩu, email, thậm chí cả giấy tờ tùy thân cho phía bên dịch vụ, đối tượng có thể rao bán những thông tin này hoặc sử dụng vào nhiều mục đích khác nhằm trục lợi.
Cụ thể, hình thức lừa đảo quen thuộc nhất là chiếm đoạt tài sản. Khi phía bên dịch vụ yêu cầu chuyển khoản trước, cùng lúc đó bạn đã cung cấp đủ thông tin cho họ, việc bị block ngay sau đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, một chiêu trò tinh vi hơn là tống tiền từ những hình ảnh, tin nhắn riêng tư của người dùng trên Facebook. Rất nhiều người đã bị tống tiền từ chính Facebook của mình với số tiền không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, một thủ đoạn lừa đảo khác là khi họ vào được Facebook cá nhân của người dùng, họ có thể nhắn tin cho người thân, bạn bè, mạo danh để mượn tiền. Đây là hình thức lừa đảo quen thuộc đã được cảnh báo rất nhiều lần, tuy nhiên vẫn không ít nạn nhân dính bẫy.
Để tránh bị khóa tài khoản, cũng như là bị lừa đảo, người dùng cần tránh xa clip “nhạy cảm”, hay nhấp vào các đường link lạ được gửi tới tài khoản của mình; không chia sẻ các hình ảnh hay nội dung đồi trụy.
Tài khoản cần bật xác thực 2 yếu tố khi đăng nhập, bật cảnh báo đăng nhập, thiết lập mật khẩu mạnh và thêm liên hệ tin cậy khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, không nên chia sẻ mật khẩu, chứng minh nhân dân cho người không đáng tin cậy khi nhờ hỗ trợ.
Người dùng nên tỉnh táo và có thể tự mình xử tình trạng này mà không cần nhờ đến bên dịch vụ nào. Cụ thể là người dùng có thể gửi kháng nghị để Facebook xem xét lại quyết định.
Lan Phương