Sáng 15/3, tại Rạp Lê Văn Tám, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng tổ chức Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023), chiếu phim miễn phí phục vụ Nhân dân thành phố.
Cách đây 70 năm tại thôn Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam” chính thức khai sinh Ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ qua những người làm công tác điện ảnh Việt Nam đã góp phần tích cực trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước. Điện ảnh Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự nghiệp cách mạng, có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã sinh ra một thế hệ vàng, với những tác phẩm được vinh danh ở các Liên hoan phim Quốc tế như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Đời cát… 70 năm qua Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được coi là một lực lượng xung kích trên mặt trận Văn hóa tư tưởng của Đảng luôn làm tròn nhiệm vụ phục vụ đời sống Văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Cùng với sự phát triển chung của Điện ảnh cách mạng Việt Nam, Điện ảnh Hải Phòng cũng không ngừng phát triển, phát huy tốt vai trò tuyên truyền những tác phẩm điện ảnh kinh điển, có giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng cao gửi tới nhân dân. Trải qua các thời kỳ lịch sử, ngành Điện ảnh của thành phố Hải Phòng đã tổ chức tốt các hoạt động chiếu phim để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Các nhà làm phim người Hải Phòng, dù cư trú và làm việc ở bất cứ đâu cũng đều mang hết tâm sức của mình sáng tạo tác phẩm, phục vụ quê hương, đất nước. Tiêu biểu như nhà quay phim, họa sỹ Mai Trung Thứ, Việt kiều Pháp; đạo diễn phim truyện NSND Giải thưởng Nhà nước Phạm Văn Khoa có công xây dựng ngành Điện ảnh Việt Nam và là cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng; đạo diễn, biên kịch, NSND, Giải thưởng Nhà nước Đào Trọng Khánh… cùng nhiều gương mặt biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên… đang hoạt động không mệt mỏi vì sự nghiệp điện ảnh đất nước và thành phố.
Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Thị Tô Trang gửi lời chúc mừng những người làm công tác điện ảnh thành phố và toàn ngành điện ảnh Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước để đưa Điện ảnh nước nhà phát triển bền vững; từng bước xác lập được vị thế trong đời sống văn học-nghệ thuật đất nước và tạo nên vị thế của Điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế vì một nền điện ảnh tiên tiến, nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng Nhân dân thành phố thưởng thức phim tài liệu “Bác Hồ với điện ảnh”, phim do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lich đặt hàng, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất nhân Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Hình ảnh Bác Hồ được hiện hữu trong những thước phim tài liệu đầy chân thực, hấp dẫn trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta. Qua đó, chúng ta thấy được tình cảm, sự quan tâm của Bác giành cho ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam để từ đó những nghệ sĩ không quản khó khăn, gian khổ đồng hành cùng lịch sử dân tộc.
Hồng Nhung