Print Thứ hai, 22/04/2019 10:26

Việc các đối tượng xấu “nhập vai” lực lượng chức năng như công an, kiểm sát viên… để lừa đảo diễn ra ngày càng phổ biến. Nghe theo lời dẫn dắt đầy thuyết phục của chúng, nhiều người đã khai báo toàn bộ thông tin cá nhân của mình mà chưa lường được những hậu quả có thể xảy ra.

Ngày 19-4, bà Nguyễn An H. (48 tuổi, ở phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền) nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là nhân viên bưu điện, thông báo về việc bà H. có mua một đơn hàng trị giá hơn 12 triệu đồng từ số tài khoản của bà mở tại Ngân hàng Quân đội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.

Khi bà H. trình bày việc không hề mở tài khoản nào tại Ngân hàng Quân đội cũng như chưa từng mua món hàng nào trị giá hơn 12 triệu đồng, nhân viên bưu điện này tỏ ra “thông cảm”, cho rằng có thể bà H. đã bị lộ thông tin cá nhân nên bị đối tượng xấu lợi dụng mở tài khoản ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa

Người này còn dọa có thể bà H. đã bị đối tượng xấu dùng thông tin cá nhân mở rất nhiều tài khoản ngân hàng, sau đó nhiệt tình giúp bà H. “nối máy” đến Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an TP.Hồ Chí Minh để được hỗ trợ.

Qua các kết nối, một người đàn ông tự xưng là Trung úy công an, cán bộ Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động nối máy đến bà H. vì lí do “ghi âm cuộc gọi phục vụ điều tra”.

Sau đó, để tạo thêm sự tin tưởng, người đàn ông này còn hướng dẫn bà H. vào trang Cổng thông tin điện tử của CATP Hồ Chí Minh, kiểm tra xem có đúng số máy anh ta đang dùng để gọi điện cho bà có trùng khớp với số điện thoại của Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh không.

Lúc này do đã rối loạn, lại thấy dãy số cuối điện thoại trùng khớp trên trang Cổng thông tin điện tử uy tín, bà H. lại càng tin người đang gọi cho mình là Công an.

Qua đó, với lý do “phục vụ điều tra”, bà H. đã cung cấp cho người đàn ông này toàn bộ thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, các thành viên trong gia đình, số thẻ căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, đã từng mở tài khoản tại những ngân hàng nào…Trong lúc trao đổi, người đàn ông xưng là công an còn yêu cầu bà H ..đóng chặt cửa phòng, không cho ai biết về việc này.(?!)

Sau khi kết thúc cuộc điện thoại trên, do nghi ngờ, bà H. đã gọi lại số điện thoại mà vị Trung úy công an vừa gọi nhưng không liên lạc được.

Thấy bất thường, bà vào trang Cổng thông tin điện tử CATP Hồ Chí Minh, gọi theo đầu số 069.318.7200 và trình bày thì được các cán bộ công an cho biết: Cơ quan công an không bao giờ trao đổi, thu thập thông tin điều tra qua điện thoại. Bất kỳ trường hợp nào cơ quan công an làm việc đều gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ lên cơ quan công an.

Do đó, lực lượng Công an TP.Hồ Chí Minh cho biết rất có thể bà H. đã bị đối tượng xấu giả danh công an lừa đảo để “đánh cắp” các thông tin cá nhân.

 Các đối tượng sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại giống hệt số máy của CATP Hồ Chí Minh để gọi cho bà H.

Theo lực lượng công an, hiện nay, thủ đoạn của các đối tượng mạo danh cơ quan chức năng rất tinh vi khi gọi điện trên cơ sở kết nối Internet (thông qua phương thức VOIP) nhằm tránh sự truy xét của cơ quan điều tra. Để nạn nhân tin tưởng, các đối tượng đọc đúng mọi thông tin cá nhân và bảo họ cứ việc xác minh số máy gọi đến, thậm chí là thông qua trang Cổng thông tin điện tử CATP Hồ Chí Minh như trường hợp của bà H.

Người dân không hề biết rằng, chúng đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại giống hệt số máy của các cơ quan chức năng nhưng khi người dân gọi lại thì không đúng. Cơ quan công an lưu ý, người dân cần biết là tất cả số điện thoại giả lập theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số, vì chúng được thực hiện qua Internet.

Trong vụ việc trên, bà H. giật mình kiểm tra lại dãy số thì mới phát hiện ra, số máy các đối tượng lừa đảo gọi cho bà hiện ra là +84 (0) 693187200; trong khi đó, số máy đúng của lực lượng Cảnh sát ĐTTP về TTXH CATP Hồ Chí Minh là 069.318.7200, không hề có dấu (+) khi gọi đến hoặc gọi đi.

Mặc dù trong vụ việc này, các đối tượng chưa hề bắt ép bà H. phải chuyển tiền cho chúng, tuy nhiên theo cơ quan chức năng, khi đã nắm được đầy đủ thông tin của nạn nhân, khoảng một thời gian sau đó các đối tượng sẽ tiếp tục lập ra cái “bẫy” khác, dùng toàn bộ thông tin của nạn nhân để quay lại hù dọa, bịa đặt, ép các nạn nhân chuyển tiền cho chúng vì nhiều lý do khác nhau.

Thậm chí, tại Hà Nội đã từng ghi nhận trường hợp các đối tượng còn làm giả cả “Lệnh tạm giam”, trong có ghi rõ thông tin của nạn nhân để khiến các “con mồi” hoang mang và sập bẫy…

Như vậy, dù đã rất nhiều lần các phương tiện truyền thông cảnh báo đến người dân về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, song bài học cảnh giác vẫn chưa bao giờ là cũ.

Người dân cần hết sức cảnh giác, không làm theo những điều chúng dẫn dắt, ngừng tiếp chuyện ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường, và trình báo cụ thể tới cơ quan công an gần nhất. 

Thu Ninh 

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chiêu lừa giả danh công an qua điện thoại: Bài học cảnh giác chưa bao giờ cũ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác