Print Thứ Tư, 04/08/2021 14:00 Gốc

“Chiếc đồng hồ” COVID-19 trên toàn thế giới vừa điểm mốc 200 triệu ca mắc vào sáng 4/8 (theo giờ Việt Nam), trong bối cảnh tốc độ lây lan dịch trên toàn thế giới đang trở lại mức báo động.

Diễn biến này khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chính phủ nhiều nước đặc biệt lo ngại. Mức độ lây lan hiện nay đã tương đương giai đoạn điểm đỉnh dịch hồi tháng 7 năm ngoái, tức là cứ 2 ngày có thêm 1 triệu ca nhiễm mới, nguyên nhân chủ yếu là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 2/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN.

Đáng lưu ý, thế giới ghi nhận 100 triệu ca mắc COVID-19 vào ngày 26/1/2021, tức là hơn 1 năm kể từ khi các ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc.

Chưa đầy 7 tháng sau, số ca mắc COVID-19 đã tăng thêm 100 triệu, cho thấy mức độ nguy hiểm của biến thể Delta. WHO cảnh báo biến thể Delta đang trở thành biến chủng thống trị toàn cầu và làm đảo lộn các các giả định về dịch bệnh khi nhiều quốc gia tưởng đã kiểm soát được COVID-19 nay lại rơi vào làn sóng lây nhiễm mới nguy hiểm hơn trước rất nhiều, thậm chí những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao cũng đang vất vả ứng phó với biến thể này.

Cho đến nay, biến thể Delta đã lây lan ra ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong vòng một tuần qua, hơn 4 triệu ca mắc mới đã được ghi nhận. Số ca lây nhiễm mới tăng ở tất cả các khu vực, có nơi tăng 80% trong vòng một tháng qua. Tuần trước, số ca mắc biến thể Delta đã tăng trung bình lên 540.000 ca/ngày và gần 70.000 ca tử vong/tuần trên toàn cầu.

Châu Á hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến thể Delta, trong đó nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan đang chứng kiến số ca mắc mới theo ngày cao chưa từng có, gây ra cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong tính theo đầu người tại ba nước Myanmar, Indonesia, Malaysia đã vượt qua Ấn Độ vào thời kỳ đỉnh dịch.

Myanmar đang đứng đầu bảng thống kê về tỷ lệ tử vong theo đầu người với 33 trường hợp tử vong trên 1 triệu dân, theo sau là Indonesia với 32 và Malaysia 29. Trong tuần qua, Indonesia ghi nhận hơn 268.000 ca mắc mới, biến thể Delta chiếm tới 86% mẫu bệnh phẩm được xem xét trong 60 ngày qua tại 24 tỉnh thành ở nước này.

Ngày 4/8, số ca mắc mới tại Thái Lan đã vượt 20.000 ca/ngày. Số ca tử vong trong 24 giờ qua cũng lên mức cao nhất từ trước tới nay, 188 ca. Tình hình đáng quan ngại chủ yếu do năng lực xét nghiệm còn quá thấp so với quy mô của đại dịch và tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhiều nước Đông Nam Á dưới mức 10% dân số.

Trung Quốc cũng đang đối phó với đợt bùng phát lớn nhất trong nhiều tháng qua sau khi ổ dịch từ một sân bay ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) đã lan ra hàng chục tỉnh và thành phố lớn nhỏ tại nước này. Thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch đầu tiên của thế giới, ngày 3/8 đã ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau hơn 1 năm kiểm soát được dịch.

Hàn Quốc đang trong làn sóng lây nhiễm thứ tư với trung bình hàng nghìn ca mới mỗi ngày, vượt mức đỉnh điểm của đợt dịch cuối tháng 12 năm ngoái. Hàn Quốc cũng vừa thông báo ghi nhận 2 ca mắc biến thể Delta Plus, loại đột biến được đánh giá dễ lây hơn biến thể Delta, ở một người đàn ông không có tiền sử đi du lịch và một du khách nước ngoài.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 1/8/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN.

Đáng lo ngại hơn, số ca tử vong ở các bệnh nhân trẻ tuổi (ở độ tuổi 20) chưa được tiêm chủng có dấu hiệu gia tăng. Tại Nhật Bản, sự bùng phát số ca mắc COVID-19 ở thủ đô Tokyo (gần 4.000 ca mỗi ngày) đang gây quá tải các bệnh viên. Tại Tokyo, gần 70% giường cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng đã kín vào ngày 1/8, trong khi số ca nhiễm ở người trẻ đang tăng, trong đó người từ 40-50 tuổi mắc triệu chứng nặng tăng nhiều, nhưng một số người không thể được nhập viện.

Iran ngày 4/8 cũng ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng có, hơn 39.000 ca, trong khi Ấn Độ chứng kiến số ca mắc mới tăng trở lại, trung bình khoảng 30.000 mỗi ngày. Israel, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới, đã phải khôi phục các biện pháp hạn chế khi số ca mắc mỗi ngày trung bình vượt 2.000 ca, hầu hết là biến thể Delta.

Diễn biến dịch tại châu Âu đang phức tạp trở lại với số ca mắc mới tăng trung bình 10% mỗi tuần kể từ đầu tháng 7, sau giai đoạn 10 tuần giảm liên tục. Các hoạt động tụ tập đông người nhân Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2020) tháng 7 vừa qua, châu Âu cũng bước vào những tháng Hè và thời tiết nắng đẹp, khiến người dân có nhu cầu đi du lịch, càng làm tăng nguy cơ lân lan dịch bệnh.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu ước tính tới cuối tháng 8, biến thể Delta sẽ chiếm tới 90% trong tổng số các ca bệnh ở Liên minh châu Âu. Cho đến nay, toàn châu Âu đã ghi nhận hơn 60 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,2 triệu trường hợp tử vong.

Ngay tại Anh, nước có tỷ lệ dân số tiêm vaccine lên tới hơn 71%, làn sóng dịch mới với hơn 80% do biến thể Delta cũng khiến số ca mắc mới COVID-19 mới tăng, trung bình hơn tổng cộng 31.000 ca/ngày. Số ca tử vong trong tuần tính đến ngày 30/7 là 499 ca, tăng gần 30% so với tuần trước, chủ yếu là người chưa tiêm vaccine.

Tại châu Mỹ, số ca mắc COVID-19 đang tăng nhanh trở lại do các biến thể dễ lây lan hơn. Mỹ đã đưa ra một loạt biện pháp mới, kể cả đeo khẩu trang khi làm việc ở bất kỳ địa điểm nào, khi ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày là hơn 100.000 ca, cao nhất kể từ tháng 2/2021, với khoảng 80% do biến thể Delta, số ca tử vong hằng ngày tăng 33% và số người nhập viện tăng trung bình tăng 46% trong 7 ngày qua so với tuần trước đó.

Mặc dù đã tiêm chủng cho hơn 70% dân số, chính quyền cũng phải ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng khi số ca mắc biến thể Delta tăng nhanh ở nhiều bang có tỷ lệ tiêm thấp.

Điều đáng lo ngại là không chỉ có biến thế Delta, biến thể Lambda có nguồn gốc từ Peru cũng đã lây lan mạnh ở các nước châu Mỹ như Peru, Chile, Ecuador và Argentina.

Biến thể Lambda xuất hiện lần đầu ở Peru hồi tháng 4, đến tháng 6, biến thể này xuất hiện ở 81% các ca COVID-19, khiến Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Tại Chile, biến thể Lambda chiếm 31% các trường hợp dương tính.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Khemisset, Maroc ngày 5/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN.

Tại châu Phi, WHO cho biết biến thể Delta đang lây lan với tốc độ kỷ lục, hiện đã được phát hiện tại khoảng 20 quốc gia “lục địa đen“. Biến thể Delta khiến số ca tử vong do COVID-19 ở Nam Phi tăng 80% trong tháng 7, gây ra 97% số ca mắc mới tại Uganda và 79% số ca tại CHDC Congo. Tình hình càng nghiêm trọng khi châu Phi là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới với khoảng 1,5 % dân số được tiêm.

Tại Australia, giới chức y tế đang chuẩn bị cho một “kịch bản ác mộng” ở nước này khi các dữ liệu ban đầu ở cả trong và ngoài nước cho thấy biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vừa gây ra các tác động nghiêm trọng hơn, vừa khó ngăn chặn hơn.

Biến thể Delta đang khiến tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ở Australia cao hơn. Các dữ liệu cho thấy khoảng 25% trường hợp mắc mới được ghi nhận ở trẻ em và tỷ lệ trẻ em nhập viện do COVID-19 cũng cao hơn.

WHO cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta. Đáng quan ngại hơn, WHO cho rằng “điều tồi tệ hơn có thể vẫn còn nằm ở phía trước” bởi “khả năng cao các biến chủng mới, nguy hiểm hơn xuất hiện và lây lan toàn cầu“.

Việc phần lớn người dân trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng đang tạo nhiều cơ hội hơn cho virus lây lan, nhân rộng, tiếp tục đột biến gây chết người nhiều hơn hoặc có khả năng kháng vaccine.

Trước sức ép của biến thể Delta, nhiều nước đã điều chỉnh chiến lược chống dịch, áp dụng hàng loạt biện pháp quyết liệt, đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng đại trà với hy vọng sớm ngăn chặn đà lây lan của virus.

Trong khi đó, WHO, một mặt hối thúc các quốc gia, nơi biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng như Indonesia, mở rộng phạm vi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, mặt khác kêu gọi tất cả các nước và khu vực mở rộng quy mô tiêm chủng, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận vaccine trên toàn cầu.

Thông điệp của WHO là cả thế giới đang chống lại các biến thể mới, bởi vậy không một biện pháp đơn lẻ nào có thể kiềm chế dịch bệnh lây lan, như khẳng định của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus “chúng ta có thể đánh bại COVID-19, nhưng chỉ khi tất cả mọi người cùng chung sức“./.

Trần Thanh Bình/TTXVN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Chiếc đồng hồ” COVID-19 trên toàn thế giới điểm mốc 200 triệu ca mắc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác