Print Thứ Năm, 14/11/2019 16:26

Trong hai ngày 14 và 15/11, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công thương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Hội đồng kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ, Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu, các Bộ ngành có liên quan của Việt Nam trong việc đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và sự có mặt của hơn 30 đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp đến vấn đề đang “nóng” hiện nay.

Lực lượng chức năng đã ngăn chặn nhiều vụ giả xuất xứ ngay tại biên giới

Hội thảo hướng tới mục tiêu hỗ trợ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan của Việt Nam với các chuyên gia xuất xứ và phòng vệ thương mại đến từ các cơ quan và tổ chức quốc tế, hải quan các nước về ngăn chặn gian lận xuất xứ, xác định, điều tra chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và thể hiện mạnh mẽ cam kết đấu tranh quyết liệt và có hiệu quả của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác thương mại về hành động của Việt Nam trong công tác chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Quang cảnh hội thảo

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan, dẫn chứng một loạt số vụ việc mà cơ quan hải quan Việt Nam vừa phát hiện. Điển hình là Cục hải quan TP HCM bắt giữ lô hàng của công ty TNHH B. Hàng hóa được tạm nhập từ Trung Quốc và tái xuất sang Hoa Kỳ.

“Doanh nghiệp khai báo hàng là cap internet. Nhưng qua kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu, các sợi cáp quang mang hiệu Monster, trên bao bì sản phẩm có in sẵn dòng chữ Made in Vietnam” – ông Tuấn nhấn mạnh

Hay cục Hải quan Hải Phòng cũng vừa phát hiện một doanh nghiệp chế xuất 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để xuất sang nước thứ ba. Khi kiểm tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, dây chuyển sản xuất thủ công, không có máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất gì.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áo dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam, một nền kinh tế mở với 12 Hiệp định tự do thương mại đã có hiệu lực, 1 Hiệp định tự do thương mại đã ký và 3 Hiệp định tự do thương mại đang đàm phán.

“Trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để XK sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các cơ quan chức năng, các bên có liên quan về vấn đề này, cụ thể là ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Lưu Hiệp

Nguồn: Báo CAND

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác