Đến cuối tháng 10-2019, dịch tả lợn châu Phi xảy tại 19.047 hộ, buộc phải tiêu hủy 182.113 con lợn, chiếm 52% tổng đàn trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Những ngày qua, các quận, huyện khẩn trương chi trả hỗ trợ đến tay người chăn nuôi bị thiệt hại, có lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.
Chi trả nhanh, đúng
Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y, ước tính đến ngày 23-10-2019 các huyện, quận chi trả kinh phí hỗ trợ cho 17.876 hộ, kinh phí là hơn 311 tỷ đồng; trong đó huyện An Dương hoàn thành việc chi trả sớm nhất toàn thành phố.
Tại huyện An Dương, sau khi tiền hỗ trợ của thành phố về đến huyện, từ ngày 3-10 đến 9-10 , huyện gấp rút chi trả số tiền hơn 19, 7 tỷ đồng cho gần 800 hộ dân bị thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Dương Bùi Xuân Khải, tại các xã, cán bộ Phòng nông nghiệp đến tận nơi phối hợp với cán bộ địa phương chi trả trực tiếp cho các hộ dân. Để bảo đảm công khai, minh bạch, các cán bộ đều rà soát, kiểm tra các thông tin dữ liệu từng hộ dân nhận hỗ trợ. Mỗi hộ dân nhận tiền đều có phiếu thu và ký nhận vào sổ của Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện.
Theo kế hoạch, huyện An Lão, phải chi trả 50 tỷ đồng cho 1857 hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Hiện, các xã: Bát Trang, Quang Hưng, Quốc Tuấn đã chi trả xong cho các hộ dân. Các xã khác đang tiếp tục chi trả. Hình thức chi trả của huyện là chuyển tiền mặt về các xã để các xã tổ chức chi trả, có sự giám sát của các phòng chức năng huyện. Vào giữa tháng 10-2019, xã Quốc Tuấn là đơn vị đi đầu ở địa phương trong việc chi trả đến người dân có lợn bị thiệt hại vì dịch tả lợn Châu Phi. 85 hộ dân trên địa bàn xã được chi trả 1,16 tỷ đồng, trong đó hộ được chi trả hỗ trợ nhiều nhất là 50 triệu đồng, ít nhất là 1 triệu đồng. Tại buổi chi trả, cán bộ, thủ quỹ, kế toán của xã chi trả trực tiếp tiền mặt đến người dân; các đoàn thể giám sát quá trình chi trả. Cán bộ tư pháp đối chiếu hộ khẩu, chứng minh thư của từng hộ với danh sách các hộ được chi trả bảo đảm việc chi trả công bằng, chính xác, không có sự nhầm lẫn…
Tạo điều kiện ổn định chăn nuôi, tái đàn
Tạo điều kiện cho các huyện, quận có kinh phí và cơ chế thuận lợi để hỗ trợ cho người dân, trong nhiều tháng qua, thành phố có nhiều văn bản hướng dẫn việc chi trả ở từng thời điểm. Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ chi trả đến tay người chăn nuôi bị thiệt hại phải chặt chẽ, tránh tình trạng gây thất thoát ngân sách.
Thực hiện các ý kiến chỉ đạo của thành phố, Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương cách thức hỗ trợ, chi trả tiền cho người chăn nuôi sao cho thuận lợi theo đúng quy định hiện hành. Cách thức chi hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc qua chuyển khoản ngân hàng. Trong đó, khuyến khích các huyện liên kết với ngân hàng để trả qua tài khoản. Từ ngày 17-9 đến nay, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn thành lập các tổ công tác kiểm tra việc niêm yết công khai danh sách các hộ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi tại địa phương; công tác chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi, Sở còn phối hợp với các sở, ngành địa phương giám sát việc thực hiện chi trả hỗ trợ; tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của thành phố về những phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Với sự quan tâm của thành phố, sự vào cuộc thể hiện trách nhiệm cao của các quận, huyện, sở, ngành liên quan, tại nhiều địa phương, việc chi trả hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại vì dịch tả châu Phi diễn ra an toàn. Bà con được nhận hỗ trợ đều phấn khởi, không có thắc mắc, kiến nghị gì. Bà Đồng Thị Doanh, Giám đốc HTX chăn nuôi Thái Sơn (xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy) cho biết, HTX vừa được chi trả 1,5 tỷ đồng tiền hỗ trợ thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi. Với số tiền được chi trả này, HTX phấn khởi tái đàn lợn mới. Tuy nhiên, việc tái đàn cũng theo ý kiến chỉ đạo của thành phố. Trước mắt HTX chỉ tái 70 con lợn, sau đó sẽ tăng dần, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn.
Bài và ảnh: Hương An