Print Thứ Năm, 13/06/2019 09:01

Kết quả xếp hạng “Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2018” do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu kinh tế & chính sách (VEPR) công bố ngày 12/6 cho thấy có sự xáo trộn khác biệt so với năm 2017.

 

Vĩnh Long đứng đầu, Hải Phòng thấp nhất
Đây là năm thứ 2 chỉ số POBI được công bố. POBI 2018 bao gồm 2 trụ cột: Về minh bạch, công khai ngân sách và sự tham gia của người dân vào chu trình ngân sách thông qua Cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính (năm 2017 không có sự tham gia của người dân). POBI 2018 được thực hiện theo thang điểm với 4 mức: Mức A từ 75 – 100 điểm quy đổi, được hiểu là mức độ công khai “đầy đủ”; mức B từ 50 – 75 điểm quy đổi, được hiểu là mức công khai “tương đối”; mức C từ 25 – 50 điểm, mức “chưa đầy đủ”; mức D từ 0 – 25 điểm là mức “công khai ít”.Báo cáo có bố cục chi tiết các phần, nhưng phần khuyến nghị cải cách vẫn còn sơ sài. Cần liên hệ báo cáo này với các báo cáo khác, tăng thêm tính chi tiết của sự công khai, minh bạch. Phải có chế tài chứ không chỉ dừng lại khuyến nghị chung chung. Bên cạnh đó, báo cáo cũng nên công bố cung cấp thêm tài liệu báo cáo của kiểm toán, thanh tra…
TS Lê Đăng Doanh
Kết quả khảo sát 63 tỉnh, TP cho thấy, nhóm A gồm 6 tỉnh, trong đó đứng đầu là Vĩnh Long (90,52 điểm); nhóm B gồm 27 tỉnh, đứng đầu là Trà Vinh (74,88 điểm); nhóm C gồm 21 tỉnh, đứng đầu là Hà Nội (49,72 điểm), TP Hồ Chí Minh (48,98 điểm) và nhóm D gồm 9 tỉnh, Hải Phòng đứng ở mức thấp nhất (5,14 điểm).
Xét từng vùng, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt 60,9 và 59,16 điểm/100 điểm. Tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ 54,37/100 điểm, vùng Đồng bằng sông Hồng 50,55/100 điểm. Khu vực Tây Nguyên 46,3/100 điểm, vùng miền núi Bắc Bộ 42,9/100 điểm, vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất chỉ đạt 40,33/100 điểm.
Khác với năm 2017, năm nay không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Điều này cho thấy đã có sự dịch chuyển đáng kể trong việc tuân thủ công khai ngân sách trên cấp độ toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn 32 tỉnh, thành nằm dưới mức hạng trung bình. Thậm chí một số tỉnh, TP tụt hạng so với năm 2017 như Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh…
Quan tâm đến bối cảnh, tiêu chí chính sách
Đánh giá về kết quả báo cáo, ông Nguyễn Minh Tân (Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội) nhận xét, có thể thay đổi kỳ khảo sát năm 2018 khi Việt Nam thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) và phải nhìn bản chất, bối cảnh, trong 2018 có nhiều cơ chế chính sách thay đổi. Trong số 9 tài liệu ngân sách công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh/hoặc Cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính được tính điểm đánh giá trong khảo sát POBI, 7 tài liệu bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và 2 tài liệu công khai theo thông lệ của quốc tế.
Trong 63 tỉnh, TP có 16 địa phương lớn tự cân đối ngân sách đều có cơ chế tài chính ngân sách đặc thù. Ví dụ như Hà Nội có Nghị định 63, Luật Thủ đô; TP Hồ Chí Minh có Nghị định 48, Nghị quyết 54 của Quốc hội; Hải Phòng có Nghị định 89; Đà Nẵng có Nghị định 144… Các cơ chế tài chính này trên cơ sở của Luật có đóng góp lớn vào ngân sách T.Ư và Nhà nước có quy trình kiểm soát rất chặt chẽ để điều hoà nguồn lực hàng năm, đa số đều có kiểm toán để minh bạch, công khai những tỉnh có số thu chi lớn. “Báo cáo chưa phân tách được ra 16 nhóm tỉnh trên, còn lại 47 địa phương nhận trợ cấp ngân sách T.Ư” – ông Tân nhận xét.
Về tính đầy đủ của tài liệu công khai, báo cáo chỉ ra thấp dưới 50%, nhưng đơn cử như vấn đề thu tiền sử dụng đất, thu lệ phí trước bạ, nhà đất, ô tô, xe máy… chúng ta phân cấp cho ngân sách các cấp. “Có những chỉ tiêu như thu dầu thô, xuất nhập khẩu không phải địa phương nào cũng có hoặc rất nhiều chỉ tiêu khác các địa phương không có. Nếu khảo sát không thấy hoặc để trống thì cho rằng thiếu, không đầy đủ là không hợp lý. Hoặc như hiện nay, áp dụng theo Luật Đầu tư công, giao vốn rất chậm, nhiều địa phương đến tháng 4, 5, 6 mới được giao vốn, dẫn đến không xác định nhiệm vụ thì không thể có số liệu công khai ngân sách được” – ông Tân nói thêm.
Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Mai Anh – Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng, phải nhìn vào bản chất và bối cảnh, có nhiều nguyên nhân khách quan. Ví dụ như phân bổ đầu tư, theo thông lệ quốc tế yêu cầu phải đảm bảo công khai như chi thường xuyên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng gặp vướng mắc khi phân bổ vốn đầu tư đang thực hiện theo Quyết định số 40 của Thủ tướng Chính phủ. “Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng một chỉ tiêu thống nhất để áp dụng cho giai đoạn mới 2021 – 2025. Do đó, các địa phương khi thực hiện sẽ vướng do không có biểu mẫu như chi thường xuyên và có những chỉ tiêu ở cột “tổng hợp” sẽ bị thiếu” – bà Mai Anh chia sẻ.
Khảo sát về sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách địa phương, nhóm nghiên cứu cho biết có 63/63 Cổng thông tin điện tử đều có mục hỏi đáp và email liên hệ. Tuy nhiên, mức độ phản hồi của các Sở Tài chính các tỉnh đối với người dân rất thấp. Có 3/63 tỉnh có phản hồi câu hỏi của nhóm nghiên cứu qua mục hỏi đáp, 6/63 tỉnh trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của nhóm nghiên cứu qua email.
TS Trịnh Tiến Dũng – nguyên Trưởng ban Quản trị Quốc gia – Trợ lý Giám đốc Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào phản hồi có trả lời ý kiến người dân không hoặc thông qua email có trả lời hay không là chưa thuyết phục. Ông Dũng cho rằng, các địa phương nên thay đổi thay vì “bị soi” bằng “tự soi”, nên chủ động công khai. Đồng thời lưu ý các địa phương có sự phối hợp tốt và chỉ đạo bộ phận tin học địa phương giúp thực hiện tốt hơn.

Nguồn. Kinh tế & Đô thị

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2018: Nghịch lý các đầu tàu kinh tế
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác