Print Thứ năm, 22/07/2021 14:30 Gốc

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền 168,8 nghìn tỉ đồng. Đây là số liệu do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh công bố tại phiên họp sáng 22.7 đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021.

Kinh tế tăng trưởng khá cao so với mặt bằng chung của thế giới

Sáng 22.7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe các báo cáo về kinh tế-xã hội. Đánh giá, thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, những tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền 168,8 nghìn tỉ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm. Ảnh: Quốc hội.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hướng tới triển khai chiến lược vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, nhận được sự đồng lòng, đồng hành và chia sẻ của nhân dân, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiện toàn một bước nhân sự chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời bảo đảm công tác điều hành xuyên suốt, rất quyết liệt, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ, theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn, tăng trưởng khá cao so với mặt bằng chung của thế giới.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: Việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm.

Chiến lược vaccine của nước ta gặp nhiều thách thức; nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.

Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước…

Thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”

Đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm một số nhiệm vụ cụ thể trong 6 tháng cuối năm.

Trong đó, xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng.

Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.

Bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Nghiêm túc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay một cách thực chất…

Có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp cho từng cấp học tại từng địa phương. Chú trọng đầu tư cho hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở; biểu dương, khen thưởng và có chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời đội ngũ, nhân viên trong ngành y tế, các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Đặng Chung

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chi 168,8 nghìn tỉ đồng phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác