Trước hình ảnh nhiều người ở TP. Hải Phòng mạo hiểm lao xe máy trên cầu vượt dành cho người đi bộ, nhiều bạn trẻ bức xúc về ý thức tham gia giao thông quá kém.
Ý thức tham gia giao thông quá kém của nhiều người và đặc biệt là bộ phận người trẻ là một trong những nguyên nhân gây tai nạn và làm rối loạn giao thông.
Không thể chấp nhận được
Nguyễn Thị Thu (trọ tại 531 Cách Mạng Tháng 8, Q.10, TP.HCM) sau khi xem xong đoạn clip ghi lại hình ảnh nhiều người ở TP.Hải Phòng ngang nhiên lao xe máy trên cầu vượt dành cho người đi bộ trên một số báo, chị bức xúc bày tỏ: “Thật không thể chấp nhận được, cầu được xây ra để dành riêng cho người đi bộ thế mà vẫn lao xe lên được. Mà cầu cao thế kia không hiểu vì lý do gì mà liều thế không biết. Gây ra tai nạn thì đâu chỉ một mình gánh hết hậu quả mà còn ảnh hưởng đến biết bao nhiêu người đi trên cây cầu đó nữa”.
Chị Thu buồn khi nhận thấy qua đoạn clip đó thì đa phần là người trẻ lao xe lên cầu vượt dành cho người đi bộ: “Mình cũng là người trẻ, nên xem xong clip này thấy hỗ thẹn. Ai nhìn vào cũng chửi thầm mấy đứa trẻ người mà coi thường pháp luật, hỏi như thế có buồn không? Không biết suy nghĩ gì mà các bạn coi thường pháp luật, mạng sống của mình, của người khác thế không biết. Thật chẳng còn lời gì để nói”.
Chị Thu cũng cho biết hằng ngày đi ra đường là nhan nhãn những người vi phạm luật an toàn giao thông, mà đa phần là người trẻ. Nhất là ở TP.HCM, tình trạng xe cộ đông đúc nên nhiều người thiếu ý thức để rồi đường 2 chiều đi thành 1 chiều, lề đường là lấn lên chạy mà không nghĩ gì đến người đi bộ…
Trần Thị Kim Dung (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) chia sẻ: “Cầu vượt là nơi khá đông người đi bộ sang đường, nếu như trong clip người tham gia lúc rồ ga để chạy xe từ dưới đường chính lên cầu vượt, chẳng may hụt tay ga thì sẽ gây nguy hiểm cho nhiều người, nhất là người lớn tuổi, bởi họ sẽ không tránh kịp…”.
Nhanh một phút, chậm cả đời
Là một người đi xe rất cẩn trọng nên Phạm Thị Mỹ Hằng (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) rất bất bình với những hình ảnh chạy xe trên cầu vượt: “Tôi đi xe rất cẩn trọng nên khi thấy những bạn trẻ băng qua đường theo cách ‘bất bình thường’ như vậy khiến tôi bức xúc. Ở những đoạn xuống dốc của cầu vượt nếu không kiểm soát được phanh thì gây nguy hiểm cho bản thân và người ở dưới đường”.
Chi Kim Dung đánh giá những người trẻ trong clip cực kỳ thiếu clip thiếu ý thức, coi thường pháp luật: “Nhưng mình cũng tự hỏi, sự việc ngang nhiên như vậy mà cơ quan chức năng ở đâu không vào cuộc làm việc, giải quyết. Mình nghĩ những người thiếu ý thức như thế này cần phải phạt thật nặng”.
“Trên đoạn đường đi mình nên chịu khó đi tới vòng xoay hoặc ngã rẽ để qua đường. Việc băng qua cầu đi bộ như vậy là đã vi phạm luật giao thông, nếu cầu vượt đi bộ mà người đi xe máy cũng chạy được trên đó thì đâu có gọi là cầu vượt dành cho người đi bộ nữa. Đừng cố để nhanh một phút mà chậm cả đời, lỡ có chuyện gì thì tương lai của mình như mất sạch mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông đúng luật nữa chứ”, Mỹ Hằng gửi gắm.
Là một bạn nam tự tin vào khả năng “lái lụa” của mình nhưng Phan Hoàng Minh (sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) cũng cho rằng hãi hùng khi nhìn thấy cảnh tượng xe máy lao lên cầu vượt dành cho người đi bộ.
“Quá coi thường tính mạng, coi thường pháp luật. Nhìn thôi đã thấy sợ, không hiểu sao những người này lại hành động như vậy. Đi nhanh kiểu đó là nhanh vào nhà thương đấy”, Hoàng Minh nói.
Rồi Hoàng Minh mong muốn: “Mình là những người trẻ, vì thế càng cần có ý thức nhiều hơn. Phải để cho gia đình, người thân được yên tâm. Không những ý thức cho bản thân mà mình nghĩ còn nên nhắc nhở bạn bè xung quanh để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn, bớt phải nghe những thông tin buồn vì tai nạn giao thông đáng tiếc nữa”.
Giống Hoàng Minh, chị Kim Dung cũng gửi gắm: “Theo mình thì những hành động như vậy cần được xã hội lên án. Cũng là một người trẻ nên mình tha thiết mong các bạn trẻ khi tham gia giao thông hãy nghĩ đến an toàn cho mình và những người cùng tham gia giao thông với mình nữa…”.