Print Thứ Sáu, 08/03/2019 14:50

Ngày 5-1-2019, UBND thành phố có kế hoạch 05/KH-UBND quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch đề ra mục tiêu quản lý và kiểm soát chặt chẽ, chất thải nguy hại (CTNH) từ nguồn thải đến thu gom, vận chuyển và xử lý cuối cùng. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý CTNH ở nhiều doanh nghiệp còn bất cập, chưa đúng yêu cầu.

Dây chuyền xử lý vỏ thùng đựng hóa chất Công ty TNHH phát triển thương mại và sản xuất Đại Thắng, tại Khu công nghiệp Nam cầu Kiền. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

Chưa chú trọng khâu quản lý, phân loại

Ngày 19-10-2018, Công ty TNHH Haesung Electronics Việt Nam, ở KCN Tràng Duệ, bị Cảnh sát môi trường (Công an thành phố) xử phạt 35 triệu đồng do doanh nghiệp (DN) thực hiện giám sát chất thải định kỳ chưa đúng, chưa đầy đủ theo quy định…Tình trạng DN kiểm soát CTNH chưa đúng quy định diễn ra không ít. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT), trong 3 năm qua, Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) kiểm tra việc quản lý CTNH tại 44 cơ sở, nhưng có tới 34 cơ sở vi phạm về quản lý, phân loại, lưu giữ, vận chuyển CTNH. Có 20/44 cơ sở vi phạm như: chất đống, đổ lẫn CTNH với chất thải sinh hoạt. Thậm chí, nhiều KCN chưa có hoặc có kho chứa nhưng không có mái che, hoặc diện tích kho chứa nhỏ so với khối lượng CTNH phát sinh…

Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nguyễn Thị Hương cho biết: Những năm gần đây, lượng CTNH được thu gom xử lý tăng dần. Năm 2015 chỉ có khoảng 88% số lượng CTNH phát sinh được thu gom, xử lý, đến năm 2016 tăng lên 90%, đến nay là 97%. Nhìn chung các cơ sở có ý thức chấp hành việc đăng ký sổ chủ nguồn CTNH và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, khâu phân loại và lưu giữ CTNH tại cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định; thu gom chưa triệt để, lữu giữ tạm thời CTNH chưa đúng quy định. Sau khi nhà xưởng đi vào hoạt động mới xây dựng kho lưu trữ chất thải nguy hại (CTNH), dẫn đến tình trạng nhà kho lưu trữ không bảo đảm quy mô, diện tích; để lẫn CTNH với chất thải rắn thông thường, chất thải rắn công nghiệp. Phổ biến là để lẫn bóng đèn huỳnh quang hỏng, giẻ nhiễm dầu với chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp hoặc tận dụng thùng đựng hóa chất để chứa đồ….

Đáng chú ý, phần lớn những cơ sở phát sinh số lượng CTNH không quá 600 kg/năm, thuộc đối tượng không phải thực hiện thủ tục lập hồ sơ đăng ký cấp sổ chủ nguồn thải. Tuy nhiên, toàn thành phố chỉ có gần 400 DN được cấp sổ đăng ký chủ nguồn CTNH. Còn nhiều DN có nguồn thải không quá 600 kg/năm, do DN lưu trữ, quản lý và ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý với DN có chức năng. Thông thường, những DN này lưu trữ số lượng lớn, trong thời gian 6- 12 tháng mới ký hợp đồng chuyển giao CTNH với DN có chức năng. Do đó, nếu không được kiểm soát hiệu quả, nguy cơ phát tán CTNH ra môi trường cao.

Quản lý, giám sát chặt chẽ hơn

Để khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phân loại rác tại nguồn, thu gom và tái sử dụng, tái chế chất thải, UBND thành phố xác định rõ yêu cầu CTNH được quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ nguồn thải đến thu gom, vận chuyển và xử lý cuối cùng. Do đó, UBND thành phố đề ra các giải pháp mà nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển các sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi hoặc chuyển cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải đúng quy định của pháp luật để chuyển đến các điểm thu hồi theo quy định. Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích thu gom, xử lý CTNH liên vùng, liên tỉnh; xây dựng, phát triển các cơ sở xử lý CTNH tập trung quy mô liên vùng, liên tỉnh, hạn chế phát triển và giảm dần về số lượng những cơ sở xử lý có quy mô nhỏ, phân tán có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đa dạng công nghệ xử lý chất thải rắn nguy hại bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đặc biệt khuyến khích xây dựng các cơ sở xử lý, tái chế chuyên sâu đối với các loại CTNH đặc thù; hạn chế và tiến tới loại bỏ việc tự xử lý CTNH tại nơi phát sinh có sử dụng công nghệ đốt hoặc chôn lấp. Tăng cường việc tái chế, tái sử dụng CTNH, hạn chế việc cấp phép xử lý bằng biện pháp chôn lấp, hóa rắn đối với các loại CTNH có khả năng tái chế, tái sử dụng.

Trước mắt, trong năm 2019, Sở TNMT chủ trì thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn quản lý CTNH đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ; các quy định về thu hồi sản phẩm thải bỏ theo hướng dẫn của Bộ TNMT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trên địa bàn thành phố; kiểm tra, thanh tra việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn; có biện pháp xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở xã, phường tăng cường quản lý, phát hiện, xử lý các hành vi phát tán CTNH ra môi trường hoặc thực hiện không nghiêm các quy định về quản lý, xử lý CTNH.

NGUYÊN MAI – Báo Hải Phòng

 

 

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chất thải nguy hại: Nguy cơ từ những doanh nghiệp có lượng phát thải dưới 600 kg
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác