Lo ngại lộ lọt thông tin cá nhân
Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng kinh doanh mành rèm ở phường Đông Hải 1 (quận Hải An) băn khoăn: “Gia đình tôi kinh doanh mành rèm nên thường xuyên giao dịch với số tiền lớn, vì vậy, trước ngày 1/7/2024, tôi đến MB Bank Chi nhánh Hải Phòng để cài đặt xác thực sinh trắc học. Tôi được nhân viên ngân hàng hỗ trợ cài đặt sinh trắc học bằng nhận diện khuôn mặt sau khi quét hình ảnh căn cước công dân có gắn chíp; đồng thời cài đặt cả giọng nói qua đọc số trên màn hình… Tôi khá yên tâm về tính pháp lý cũng như bảo đảm an toàn tài khoản của mình, tuy nhiên điều tôi lo lắng là việc quản lý những thông tin cá nhân vừa cung cấp và lưu trong hệ thống ngân hàng, liệu có bị lộ lọt hay không?“.
Không chỉ chị Nguyễn Thị Hiền mà nhiều khách hàng khi thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học đều chung lo lắng về việc thông tin cá nhân bị lộ lọt, nhất là trước thực trạng tội phạm công nghệ cao lợi dụng thông tin cá nhân để lừa đảo đang diễn ra phổ biến như hiện nay. Trường hợp ông B.V.B. ở thôn 2, xã Gia Minh (huyện Thủy Nguyên) là điển hình. Theo ông B, đối tượng lừa đảo không biết bằng cách nào có được số điện thoại, địa chỉ và biết ông có sổ tiết kiệm gửi ở ngân hàng. Đối tượng tự xưng là cán bộ công an và nói rằng sổ tiết kiệm ông B. đang gửi tại ngân hàng liên quan đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn mà cơ quan công an đang điều tra và yêu cầu ông chuyển toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm vào số tài khoản do chúng cung cấp để kiểm tra nguồn tiền. Nếu không làm theo, ông B. sẽ khó thoát khỏi vòng lao lý. Vì lo sợ, ông B. đến Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thủy Nguyên yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm để chuyển tiền vào số tài khoản mà đối tượng lừa đảo cung cấp. May mắn, nhân viên ngân hàng giúp ông B. thoát khỏi bẫy lừa đảo số tiền 350 triệu đồng.
Để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của khách hàng, hệ thống ngân hàng có nhiều giải pháp phòng, ngừa. Phó giám đốc khối Ngân hàng số, Ngân hàng CP Quân đội Đỗ Huy Phương thông tin: “Thông tin khách hàng được ngân hàng bảo mật một cách tuyệt đối. Chúng tôi có những chính sách nghiêm ngặt liên quan đến phân lớp các loại thông tin phục vụ kinh doanh, khách hàng và phân quyền người sử dụng”. Tương tự, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) Lưu Danh Đức cho biết, từ ngày 1/7/2024, SHB cũng bắt đầu triển khai sinh trắc học cho khách hàng giao dịch trên kênh số. Ngoài nhìn thẳng, khách hàng còn phải quay trái, quay phải. Đây cũng là yếu tố để chúng tôi tránh giả mạo ảnh tĩnh, tiếp tục cài đặt thêm chức năng cùng nhà cung cấp giải pháp sinh trắc học chống giả mạo dùng ảnh chụp hay video giả mạo khuôn mặt (deepfake).
Bảo vệ dữ liệu cá nhân khách hàng
Ghi nhận từ Cổng Cảnh báo An toàn thông tin Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2024, số tiền tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 4.230 tỷ đồng. Con số này bằng 94% tổng thiệt hại do lừa đảo của cả năm 2023. Năm 2022, xảy ra hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình chính là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân và lừa đảo tài chính. Tuy nhiên, dù với hình thức nào, các đối tượng cũng đều thông qua dữ liệu cá nhân thu thập được, từ đó, dựng lên những kịch bản lừa đảo đa dạng, tinh vi, từ thiết kế giao diện web, đường link, mà nhìn qua rất dễ bị nhầm lẫn với các tổ chức uy tín. Từ đó, người dùng dễ dàng bị cuốn theo chiêu trò lừa đảo như chuyển khoản đặt cọc, hay truy cập vào các đường link độc hại, sau đó là bị chiếm đoạt tài sản. Không chỉ dừng lại ở đó, thông qua việc thu thập thông tin cá nhân, các đối tượng có thể chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng của người dùng và tiếp tục lừa đảo hàng loạt bạn bè của người dùng đó.
Trước diến biến phức tạp tình trạng đối tượng xấu lợi dụng thông tin cá nhân để lừa đảo, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hải Phòng Nguyễn Thị Dung cho biết, để bảo vệ dữ liệu cá nhân khách hàng, Chi nhánh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng chấn chỉnh, tăng cường quán triệt trong toàn hệ thống các quy định pháp luật liên quan về công tác bảo mật thông tin khách hàng; rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với công tác bảo mật thông tin khách hàng trên toàn hệ thống. Hiện NHNN hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán liên quan đến bảo mật thông tin về tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tổ chức tín dụng; trách nhiệm của ngân hàng và cán bộ ngân hàng… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán. Trong đó có nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng mở, sử dụng tài khoản thanh toán và bảo vệ thông tin khách hàng. Đặc biệt, ngay đầu năm 2024, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị 02/CTNHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; trong đó có chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, triển khai tổng thể các giải pháp phòng, chống lộ lọt thông tin, dữ liệu. Ban hành cảnh báo và yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường giải pháp ngăn chặn các hành vi mua bán thông tin tài khoản thanh toán, hành vi mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác hoặc giấy tờ tùy thân giả để mở tài khoản thanh toán và sử dụng cho các hành vi lừa đảo, gian lận.
Bài và ảnh: Thảo Anh
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More