Không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, Hải Phòng còn được xác định là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước.
Những mục tiêu kỳ vọng đã được đặt ra, những kế hoạch lớn đang được xây dựng và triển khai. Theo các chuyên gia, Hải Phòng đã hội tụ những điều kiện cần và cần có thêm thể chế vượt trội để hiện thực hóa những mục tiêu kỳ vọng.
“Động lực phát triển của Bắc bộ và của cả nước”, PGS-TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ nhiệm Dự án Lập quy hoạch TP. Hải Phòng.
Quan điểm phát triển TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030 là chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế độc nhất vô nhị về cảng biển đối với cả miền Bắc, trước hết là vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, xây dựng Hải Phòng thành thành phố cảng biển lớn, mở cửa ra bên ngoài, phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á.
Bên cạnh đó, triển khai thí điểm xây dựng Khu thương mại tự do Hải Phòng, áp dụng những cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội để phát triển nhanh và hội nhập, làm cơ sở rút kinh nghiệm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế, mở rộng ra các địa phương khác và toàn bộ nền kinh tế.
Về tổ chức không gian lãnh thổ, quy hoạch phân bố không gian phát triển hợp lý, gắn kết chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, xây dựng TP. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, mà còn là động lực phát triển của Bắc bộ và của cả nước.
“Trung tâm cạnh tranh quốc tế hàng đầu”, PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam.
Hải Phòng hướng tới mục tiêu đi đầu, trở thành đô thị đẳng cấp cao của đô thị châu Á, đua tranh quốc tế. Không chỉ có Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hải Phòng còn được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù. Về yếu tố cơ cấu, “chân dung” Hải Phòng là một “chân dung” hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có thể bổ sung thông minh hóa.
Những khát vọng phát triển Hải Phòng được đặt ra theo Nghị quyết số 45-NQ/TW là rất lớn, nhưng hoàn toàn có thể đạt được, nếu Hải Phòng được coi là động lực của cả nước. Với đà phát triển của Hải Phòng hiện nay, những mục tiêu đặt ra là khả thi. Nhưng, vấn đề là phải tập trung về mặt cơ chế, chứ không phải tiền bạc. Rất tiếc, hiện nay, cơ chế để tạo ra sức mạnh như thế chưa được xác định rõ, mà mới chỉ được đề xuất.
Chúng tôi đang đề xuất xây dựng hoặc biến toàn bộ Hải Phòng thành khu thương mại tự do. Vấn đề này đang được đưa ra thảo luận để định hình “Khu thương mại tự do thế hệ 4.0” như thế nào? Theo tôi, đó phải là trung tâm cạnh tranh quốc tế hàng đầu. Vì Hải Phòng là nơi “đầu sóng ngọn gió” cùng với Quảng Ninh, giữ mạch liên thông hàng hải quốc tế.
Nếu các vấn đề này được thông qua, thì những mục tiêu đặt ra với Hải Phòng, như tốc độ tăng trưởng 13-14%/năm là rất thần kỳ, hoàn toàn có thể duy trì được. Bởi, những điều kiện bảo đảm để mục tiêu mang tính khả thi đã có, giờ cần có thêm điều kiện về thể chế vượt trội.
“Phải giải quyết được 3 vấn đề lớn về nguồn lực”, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng.
Trong Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kịch bản tăng trưởng kinh tế (phương án được lựa chọn) đặt ra mức tăng trưởng bình quân 14%/năm trong suốt 10 năm. Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng phải giải quyết được 3 vấn đề lớn về nguồn lực.
Về huy động vốn, nhu cầu vốn cho giai đoạn 2021-2025 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2,9 triệu tỷ đồng và cả thời kỳ 10 năm 2021-2030 khoảng 4,1 triệu tỷ đồng.
Về phân bổ nguồn lực đất đai, Hải Phòng là một trong những địa phương động lực của miền Bắc và cả nước, nên nhu cầu chuyển một phần đất nông nghiệp (hiệu quả kinh tế thấp) sang đất công nghiệp, kho bãi, bến cảng, giao thông, đô thị… (hiệu quả kinh tế cao hơn) là rất cần thiết.
Về nguồn nhân lực, yếu tố không thể thiếu để thực hiện thành công kịch bản tăng trưởng, Hải Phòng đang có nguy cơ thiếu nguồn nhân lực, cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút lao động, nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển.
“Tháo gỡ vướng mắc để không gây cản trở nhà đầu tư”, ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng.
Đối với Hải Phòng, vướng mắc đang tập trung vào 3 vấn đề cốt yếu.
Thứ nhất, Hải Phòng đang tồn tại 2 loại hình quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không có sự tích hợp, kế thừa, không có sự chỉ đạo và sự phối hợp, thì thậm chí những vướng mắc rất nhỏ trong quy hoạch sẽ gây cản trở đối với nhà đầu tư, làm chậm tiến độ Dự án.
Việc phân định nội hàm quy hoạch cấp tỉnh và 2 quy hoạch xây dựng liên quan trực tiếp đến Hải Phòng (gồm Quy hoạch chung TP. Hải Phòng và Quy hoạch Xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải) là vấn đề cấp thiết, cần tuyệt đối không để xảy ra mâu thuẫn giữa 2 quy hoạch này, vì nếu có, sẽ kéo dài các thủ tục pháp lý.
Thứ hai, hệ thống cơ sở dữ liệu và dữ liệu số của ngành xây dựng, tài nguyên và môi trường chưa tốt, kéo theo việc minh bạch thông tin cho người dân, nhà đầu tư để triển khai xây dựng chiến lược phát triển bị chậm.
Thứ ba, vướng mắc liên quan đến hạn mức sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Luật Quy hoạch đã quy định rõ là xác định chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất, bao gồm chỉ tiêu sử dụng đất do chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia phân bổ và chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy mô đến cấp huyện.
“Tiềm năng và cơ hội để thị trường bất động sản Hải Phòng phát triển”, ông Nguyễn Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng.
Chúng tôi rất quan tâm đến dự báo về dân cư tại dự thảo Quy hoạch TP. Hải Phòng. Theo bản báo cáo Dự thảo Quy hoạch cập nhật tháng 10/2022, dự báo năm 2025, Thành phố sẽ có hơn 2,4 triệu người và đến năm 2030 sẽ có 2,7-2,8 triệu người.
Với sự bùng nổ phát triển công nghiệp, Hải Phòng đã thu hút một lượng lao động khá lớn (hiện có hơn 500.000 công nhân là người dân các tỉnh lân cận đến làm việc). Dự báo, đến năm 2030, Hải Phòng sẽ cần thêm khoảng 300.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp.
Sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững, luôn đứng trong top đầu thu hút vốn FDI của cả nước và tốc độ gia tăng dân số nhanh của Hải Phòng là tiềm năng và cơ hội để thị trường bất động sản Hải Phòng tiếp tục phát triển, với sự hiện diện của nhiều Dự án mới hơn, ở nhiều phần khúc hơn. Điều này cũng sẽ góp phần hiện thực hóa định hướng phát triển về không gian của Thành phố theo hướng hiện đại, văn minh và xanh.
Về lâu dài, chung cư sẽ là phân khúc có sự phát triển mạnh nhất và có mức độ hấp thu tốt nhất tại Hải Phòng, bởi nhu cầu nhà ở sẽ tăng lên cùng với sự phát triển dân cư của Thành phố.
Thu Lê, Thanh Sơn thực hiện.