Print Thứ Sáu, 15/11/2019 10:50

Xe gắn máy động cơ đến 50 cm3 gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông không chỉ ở Hải Phòng mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Tại Hải Phòng, nhiều đợt ra quân tuyên truyền, xử lý đối với người điều khiển loại xe này đang có kết quả tích cực khi số vụ vi phạm giảm dần. Tuy nhiên, còn một số trường hợp vi phạm mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ không có quy định chặt chẽ về người điều khiển xe dưới 50 cm3.

Kỳ cuối: Siết chặt quy định sử dụng xe

Phối hợp gia đình, nhà trường và lực lượng chức năng

Trung tá Cao Xuân Cương, đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1 (Phòng CSGT- Công an thành phố) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Công an thành phố và Ban An toàn giao thông thành phố, Đội CSGT số 1 thường xuyên tổ chức các đợt ra quân vừa kết hợp tuyên truyền, vừa xử lý tình trạng người điều khiển xe gắn máy vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đội xử lý hàng trăm trường hợp như: vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, không đủ tuổi điều khiển phương tiện…, nhưng vi phạm vẫn xảy ra khi vắng bóng lực lượng chức năng. Do đó, phải có sự kết hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và lực lượng chức năng. Theo trung tá Cương, trước hết, mỗi gia đình phải thấy rõ nguy cơ khi giao phương tiện cho con em, sử dụng khi chưa đủ điều kiện, kinh nghiệm tham gia giao thông.

Theo Luật Giao thông Đường bộ, nếu tính theo số tuổi, chỉ những học sinh đang học lớp 11 trở lên (trên 16 tuổi) mới đủ điều kiện để điều khiển xe gắn máy. Còn học sinh lớp 10 THPT trở xuống không được phép sử dụng. Do đó, các trường THPT cần yêu cầu các gia đình có học sinh lớp 10 không giao xe cho con khi chưa đủ tuổi sử dụng và có các biện pháp xử lý kịp thời theo kỷ luật của nhà trường. Các trường THCS phải tuyệt đối cấm học sinh đi xe gắn máy loại này. Đó là những giải pháp để giải quyết vi phạm từ gốc. CSGT sẽ đóng vai trò hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn cho các nhà trường, khu dân cư và sẵn sàng xử lý các trường hợp vi phạm.

Trước tình trạng nhiều xe gắn máy “độ” dung tích xi- lanh, ngoài việc tuyên truyền, Công an thành phố cần tiếp tục các chuyên đề, chuyên án xử lý những trường hợp cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thay đổi tổng thành xe. Đồng thời vận động các cơ sở bán xe, cửa hàng sửa chữa, thay thế phụ tùng không được can thiệp nâng dung tích xi- lanh của loại xe đến 50 cm3. Phối hợp các cơ quan chức năng rà soát quá trình nhập khẩu, buôn bán những loại xe động cơ dưới 50 cm3, nhưng tốc độ thực tế vượt quá 50 km/giờ trái với quy định.

Theo Thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông-Vận tải, tất cả các loại xe gắn máy chỉ được phép lưu thông trên các tuyến đường hạn chế tốc độ không được vượt quá 40 km/giờ. Công an thành phố cần chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường kiểm soát tốc độ đối với những loại xe này, xử phạt nghiêm minh và có thông báo gửi về trường học đối với trường hợp vi phạm là học sinh. Ngoài ra, cần sự phối hợp các trường học tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh để các em có điều kiện tham gia giao thông tốt hơn.

Người điều khiển cần có giấy phép lái xe

Theo Luật Giao thông Đường bộ 2008 và các văn bản quy định của Bộ Giao thông-Vận tải, người điều khiển xe gắn máy không cần phải có giấy phép lái xe. Điều này đã “mở đường” cho các loại xe gắn máy ồ ạt nhập về ViệtNam, người sử dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên, người cao tuổi. Sự thông thoáng về thủ tục và thiếu các quy định chặt chẽ về người điều khiển xe động cơ đến 50 cm3 khiến cho loại xe này bị buông lỏng quản lý, người dân cứ có xe là chạy, không cần các thủ tục khác. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đăng ký xe xong, nhiều người “độ” nâng công suất động cơ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Đội CSGT số 1 tạm giữ phương tiện vi phạm của học sinh.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, bản thân ông cũng rất bức xúc với tình trạng xe “độ” lên dung tích xilanh cao hơn. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện, mà còn tạo những tiền lệ xấu, không kiểm soát chặt chẽ được các dịch vụ có thể gây nguy hiểm đối với tính mạng người tham gia giao thông. Xe gắn máy cần bảo đảm đúng đặc điểm thiết kế quy định của nó là công suất thấp, tốc độ chậm. Không thể để tình trạng xe gắn máy nhưng tốc độ lại như xe mô tô!

Để Luật Giao thông Đường bộ đi sâu vào đời sống, tác động đến các tầng lớp nhân dân, đã đến lúc Bộ Giao thông-Vận tải phải bổ sung thêm quy định về người điều khiển xe gắn máy, tạo bình đẳng giữa các phương tiện xe có động cơ để nâng cao hiệu quả quản lý chung. Theo các chuyên gia giao thông, nếu người điều khiển xe gắn máy bắt buộc phải có giấy phép lái xe, tình trạng doa xi- lanh nâng công suất động cơ của xe gắn máy tự nhiên sẽ “biến mất” như 30 năm về trước, vì khi có giấy phép lái xe, người dân có thể lựa chọn các loại xe phân khối lớn hơn thay vì “độ” xe. Việc học, thi lấy giấy phép lái xe sẽ trang bị người điều khiển phương tiện đầy đủ kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông cần thiết để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cần siết chặt và tăng nặng chế tài xử phạt đối với người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Có như vậy, mới hạn chế bền vững được tai nạn giao thông từ loại xe này.

Bài và ảnh: Mai Lâm

Nguồn. Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Chấn chỉnh tình trạng xe gắn máy động cơ đến 50 phân khối vi phạm trật tự an toàn giao thông: Giải tỏa “ám ảnh” với người đi đường (kỳ cuối)
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác