Theo quy chuẩn xe gắn máy có động cơ dưới 50 cm3 được thiết kế có vận tốc tối đa không quá 50 km/giờ. Tuy nhiên thực tế lưu thông cho thấy, nhiều xe loại này có tốc độ không thua kém gì xe động cơ 70 cm3 trở lên, chủ yếu là những chiếc xe sản xuất tại Trung Quốc có mẫu mã nhái các thương hiệu xe máy Nhật đang thịnh hành ở Việt Nam.
Kỳ 2: “Vỏ” nhỏ nhưng “ruột” khủng
Khi dung tích xi-lanh trên đăng ký xe không tồn tại
Anh Nguyễn Thế Thành, trú tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân kể lại, ngày 18-10, anh điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng hướng cầu Rào-Đồ Sơn. Đoạn đường cho phép đi với tốc độ cao nhất là 70 km/giờ, anh đi vào làn 60 km/giờ thì đột nhiên 3-4 chiếc xe gắn máy đều mang biển kiểm soát AA phóng vụt qua với tốc độ cao hơn hẳn quy định làn đường. Những chiếc xe này toàn do thiếu niên điều khiển. Anh Trịnh Văn Thế ở phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng cho biết, tuy đăng ký là xe 50 cm3, nhưng không hiểu sao một số xe gắn máy chạy được với tốc độ rất cao, có thể lên đến 70-80 km/ giờ. Đây là điều đáng ngờ đối với những chiếc xe gắn mác xe gắn máy.
Thâm nhập thực tế, phóng viên Báo Hải Phòng phát hiện ra những nghi ngờ về tốc độ xe gắn máy 50 cm3 là hoàn toàn có cơ sở. Dung tích động cơ theo đăng ký xe chỉ còn là phần “vỏ”, thực tế “ruột” đã thay đổi. Theo một số cơ sở sửa xe máy, xe tay ga rất khó để nâng dung tích xi-lanh, nhưng đối với xe số rất đơn giản. Chỉ cần khoảng 2 triệu đồng để nâng dung tích xi-lanh từ 50 cm3 lên đến 70, 90, thậm chí là 100 cm3. Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ hiệu sửa xe máy ở khu tập thể Lâm Tường, đường Tô Hiệu (quận Lê Chân) cho biết, cách thức để tăng dung tích xi-lanh của xe 50 cm3 không khó. Một là thay hẳn máy; hai là “doa nòng” để mở rộng dung tích xi- lanh. Đây là cách “độ” xe có từ hàng chục năm trước, nay lại “thịnh hành”. Sau khi đăng ký xong, chủ xe mang đến hiệu độ xe, chỉ sau vài giờ, chiếc xe 50 cm3 đã được nâng dung tích xi- lanh. Nếu kiểm tra, số dung tích xilanh dập trên thân máy vẫn theo đăng ký, nhưng thực tế tăng gấp rưỡi, gấp đôi.
Tại một số điểm bán xe, chủ cửa hàng thậm chí còn gạ người mua xe sau khi đăng ký xe gắn máy xong, quay lại để họ đi “độ” giúp tăng công suất, biến chiếc xe gắn máy 50 cm3 thành xe mô tô. Phần lớn những trường hợp “độ” xe kiểu này không phải học sinh, nhưng vẫn là những thanh thiếu niên trẻ tuổi, thích cảm giác phóng nhanh, lướt mạnh.
Ngoài ra, một số xe được nhập về từ Trung Quốc nhái các thương hiệu của hãng Yamaha như: Sirius, Exiter dung tích xi-lanh danh nghĩa dưới 50 cm3, nhưng khi lưu thông trên thực tế, tốc độ có thể lên trên 60 km/giờ, thậm chí 70 km/giờ. Đây là điều trăn trở khi tốc độ khống chế theo quy định đối với loại xe dưới 50 cm3 không còn ý nghĩa, do vậy không bảo đảm an toàn đối với người sử dụng. Bên cạnh đó, một số nhóm thanh, thiếu niên lợi dụng quy định “dễ dãi” trong sử dụng loại xe này để thường xuyên tụ tập tổ chức “thi” phóng nhanh, vượt ẩu.
Tại khoản 2, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành hệ thống xe không đúng với thiết kế chế tạo hoặc cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nguy hiểm vì vượt quá thiết kế an toàn
Theo nhiều thợ sửa xe máy ở Hải Phòng, việc “độ” xe nâng dung tích xi- lanh ẩn chứa những nguy hiểm với người điều khiển xe gắn máy. Thực tế, khi được thiết kế với tốc độ dưới 50 km/giờ, hệ thống truyền động, khung, vành của xe chỉ bảo đảm vận hành an toàn tương ứng với tốc độ vừa phải. Nếu lưu thông và xảy ra va chạm ở tốc độ cao hơn, các yếu tố an toàn của xe không thể đáp ứng. Điều đó giải thích vì sao trong những vụ tai nạn liên quan đến xe gắn máy tại Hải Phòng, xe luôn bị biến dạng phần đầu, hệ thống lái và bị cong vành xe. Không những thế, hệ thống giảm xóc, cân bằng của xe sẽ quá tải khi xe chở 2 người chạy với tốc độ cao trên 50 km/giờ, sẽ bị rê bánh sau, gây đổ, ngã. Với xe đã “doa nòng”, nâng công suất, lúc chạy với tốc độ cao, các hệ thống trên xe đều vượt quá mức chịu đựng, gây hỏng, mất an toàn, rất dễ xảy ra tai nạn.
Nguy hiểm hơn, nếu xe gắn máy 50 cm3 “độ” lên công suất cao hơn, hệ thống phanh sẽ giảm dần tác dụng, nếu xe chạy với tốc độ vượt quá 50 km/giờ. Theo khuyến cáo của nhiều hãng xe, phanh xe được thiết kế để ứng với từng loại xe liên quan đến tốc độ. Do đó, không thể “ép” phanh xe phân khối nhỏ hoạt động liên tục ở tốc độ cao, sẽ dẫn đến hiện tượng phanh không “ăn”. Còn theo nhiều thợ sửa xe máy ở Hải Phòng, bộ phanh của xe 50 cm3 không phù hợp nếu như xe “doa nòng” nâng dung tích xi- lanh lên 70 cm3. Mất phanh hoặc bung phanh là điều dễ xảy ra, gây nguy hiểm với người điều khiển xe.
Để phát hiện, xử lý các loại xe “độ” kiểu này ở Hải Phòng và cả nước, lực lượng chức năng rất khó khăn do thiết bị chuyên dùng để kiểm tra thiếu thốn. Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố), bằng quan sát, chỉ có thể phát hiện nếu xe thay toàn bộ máy, không giống số máy trên đăng ký, còn với xe được “doa nòng”, “độ” nâng công suất rất khó phát hiện. Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin để người tham gia giao thông, đặc biệt là học sinh và gia đình các em hiểu và tuân thủ quy định, tránh những tai nạn đáng tiếc.
Bài và ảnh: Mai Lâm