Văn hóa

Chấn chỉnh nạn cờ bạc, đỏ đen trá hình tại các lễ hội truyền thống

Trong các lễ hội đầu Xuân trên địa bàn thành phố, bên cạnh những nét đẹp văn hóa vẫn tái diễn trò “đỏ đen” núp bóng dưới các hình thức vui chơi có thưởng. Tình trạng này cần được xử lý để giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống của các lễ hội đầu Xuân.

Biến tướng của nạn cờ bạc

Tối 22/2, tức 13 tháng Giêng âm lịch, ngày đầu của lễ hội truyền thống đình Tây, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên (lễ hội diễn ra từ 13 đến hết 16 tháng Giêng, Giáp Thìn), dưới góc hẻm của sân đình, hàng chục thanh niên vây quanh trò chơi tôm, cua, cá… Liên tục, người chơi đặt cược từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng và chờ mong may mắn nhưng rồi ngẩn ngơ, cay cú vì mất tiền. Anh Nguyễn Đức Hùng, người tham gia lễ hội này kể: “Chủ trò chơi dùng mánh để các “cò mồi” tham gia chơi và trúng hàng triệu đồng để dụ dỗ người chơi. Nhưng số người chơi thắng ít, phần đông là thua, có người thua đến hàng chục triệu trong một đêm“. Đáng chú ý, trò chơi này diễn ra thông đêm, nhưng không hề bị lực lượng chức năng chấn chỉnh, xử lý. Trong một khu khác thuộc khuôn viên hội đình, các trò “đỏ đen” núp bóng dưới hình thức may mắn trúng thưởng như: Quăng rổ, ném vòng, phi tiêu… diễn ra sôi động, thu hút hàng trăm người chơi.

Trước đó, cũng tại lễ hội chợ Xưa, xã An Lư, huyện Thủy Nguyên vào sáng mồng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn cũng ngang nhiên diễn ra trò chơi tôm, cua, cá “ăn tiền” trực tiếp. Tại đây, vắng bóng cơ quan chức năng nhắc nhở, chấn chỉnh. Không ít người dân và du khách mất tiền vì những trò chơi đỏ đen núp bóng lễ hội. Các trò chơi mang tính cờ bạc đỏ đen không chỉ xuất hiện ở các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thủy Nguyên mà còn ở nhiều quận, huyện khác như: Lễ hội núi Voi (huyện An Lão), Từ Lương Xâm (quận Hải An), vật làng Vĩnh Khê (huyện An Dương)… đã và đang diễn ra trong dịp tháng Giêng vẫn với các trò chơi phi tiêu, ném rổ… xen lẫn trong các khu vui chơi, giải trí. Rõ ràng, biến tướng của nạn cờ bạc không phải lần đầu xuất hiện tại các lễ hội truyền thống mà hầu như năm nào cũng diễn ra. Thực tế hằng năm có ghi nhận, đối với trò chơi tôm, cua, cá… thể hiện rõ tính chất cờ bạc, Ban tổ chức các lễ hội có nhắc nhở, nhưng chưa kiên quyết chấn chỉnh, dẹp bỏ. Còn các trò chơi may mắn, trúng thưởng còn mập mờ giữa hình thức cờ bạc với hình thức giải trí, các địa phương chưa thực sự kiên quyết dẹp bỏ, vẫn cho phép tổ chức.

Trò chơi tôm, cua, cá… ăn tiền trực tiếp tại lễ hội chợ Xưa vào mồng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Kiểm duyệt chặt chẽ các trò chơi tại lễ hội

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, trên địa bàn thành phố có gần 300 lễ hội truyền thống với quy mô lớn, nhỏ ở khắp các làng, xã vào dịp đầu Xuân. Để các lễ hội thực sự là điểm đến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, lành mạnh, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Trần Kim Chung cho biết, như mọi năm, từ tháng 1/2024, Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch và lập đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thanh tra Sở phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, chấn chỉnh, xử lý kịp thời nếu phát hiện các biểu hiện vi phạm pháp luật, ngăn chặn các tệ nạn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Tuy nhiên, từ ngày 2/2 đến ngày 12/2, đoàn mới kiểm tra, giám sát các hoạt động đón Xuân tại một số di tích trọng tâm như: Đền Nghè, đình Kênh (quận Lê Chân)… Đoàn chưa phát hiện hay tiếp nhận phản ánh về hiện tượng cờ bạc… Thời gian tới, đoàn thanh tra Sở tiếp tục phối hợp các quận, huyện tăng cường kiểm tra hoạt động lễ hội truyền thống. Song, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền cấp xã nơi tổ chức lễ hội, kiểm duyệt kỹ hơn các trò chơi trong lễ hội truyền thống.

Vào mỗi mùa lễ hội, Đoàn Thanh tra của Sở Văn hóa và Thể thao; các quận, huyện tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động lễ hội tại mỗi địa phương nhưng công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự hiệu quả vì lực lượng mỏng, chưa bao quát hết các lễ hội đầu Xuân. Thực tế trên đòi hỏi cần phát huy “tai mắt” từ chính người dân và du khách khi tham gia các lễ hội truyền thống.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thủy Nguyên Phùng Văn Mạnh cho biết, trên địa bàn huyện có gần 100 lễ hội đến hết tháng 3 ở các xã, thị trấn. Qua gần nửa tháng đầu tháng Giêng âm lịch, đơn vị kiểm tra một số lễ hội lớn trên địa bàn huyện như: hát Đúm ở xã Phả Lễ, chùa Mỹ Cụ ở xã Chính Mỹ… Đoàn phát hiện có tổ chức trò chơi tôm, cua, cá… mang tính cờ bạc ở lễ hội hát Đúm. Ngay sau đó, đơn vị yêu cầu ban tổ chức các lễ hội nhắc nhở, dẹp bỏ, đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền tới người dân và du khách nâng cao nhận thức không “tiếp tay” mà phối hợp tố giác, không tham gia các trò chơi mang tính cờ bạc.

Bài và Ảnh: Mạnh Quang

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Ngày hội hiến máu tình nguyện LG Display Việt Nam Hải Phòng năm 2024

Trong 2 ngày 11 và12/7, tại tòa nhà Phúc lợi khu KTX, Công ty TNHH…

16/07/2024

Xử phạt Nhà sách Tiến Thọ Hải Phòng do không bảo đảm đủ điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã…

16/07/2024

Nhà ở xã hội gần 5.000 căn ở Hải Phòng có giá bán từ hơn nửa tỉ đồng

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên Hải…

16/07/2024

Đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) và khai…

16/07/2024

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thăm, tặng quà người có công trên địa bàn quận Hải An

Nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), sáng 16/7,…

16/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More