Nhiều năm qua, cùng với việc thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, các cấp, ngành, địa phương thường xuyên quan tâm chăm sóc, sửa chữa, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ.
Các công trình ghi công luôn khang trang, sạch đẹp
Hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại thành phố có nhiều hoạt động thiết thực, như tổ chức cho học sinh, đoàn viên thanh niên quét dọn, vệ sinh khu nghĩa trang, các bia, mộ liệt sĩ; dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ… góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp cho nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời cũng góp phần giáo dục đạo lý, truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho các thế hệ trẻ.
Sáng 18/7, đến dâng hương và chăm sóc phần mộ liệt sĩ của gia đình tại Nghĩa trang liệt sĩ quận Ngô Quyền, ông Nguyễn Văn Thịnh, ở phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) phấn khởi khi thấy phần mộ sạch sẽ, bình và hoa tại các mộ đều được thay mới, hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh đồng bộ hiện đại…
“Khi hài cốt của liệt sĩ được quy tập về an nghỉ tại nghĩa trang của quận là niềm an ủi và động viên lớn đối với gia đình sau nhiều năm chờ đợi, mong mỏi. Giờ đây gia đình tôi rất yên tâm khi phần mộ được chăm sóc chu đáo, hoàn thành tâm nguyện đưa được hài cốt người thân về an nghỉ tại quê hương. Hằng năm, cứ dịp Thanh minh và 27/7, tôi đều ra đây thắp hương và chăm sóc phần mộ. Nghĩa trang ngày càng khang trang và quy mô, khuôn viên, đường đi rất sạch sẽ”, ông Thịnh bày tỏ.
Là quản trang gắn bó hơn 20 năm với Nghĩa trang liệt sĩ quận Ngô Quyền, ông Phạm Bá Hà cho biết: Hiện, công tác quản trang do 2 người đảm nhận. Mặc dù chế độ thù lao chưa cao, nhưng chúng tôi luôn ý thức bảo vệ, giữ gìn nơi an nghỉ của các liệt sĩ sạch đẹp để sẵn sàng đón tiếp các đoàn khách và thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng. Dịp 27/7 này, chúng tôi cũng sắp xếp bãi gửi xe, khu phụ phục vụ thân nhân liệt sĩ và các đoàn khách đến dâng hương, thăm viếng và luôn nhắc nhở mọi người không được đốt vàng mã trong khuôn viên nghĩa trang, bảo đảm môi trường luôn xanh, sạch, đẹp…
Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Ngô Quyền Nguyễn Hữu Tùng thông tin: Hiện, tổng số mộ tại nghĩa trang liệt sĩ là gần 2 nghìn ngôi, trong đó có 1.350 mộ được khắc bia ngôi. Hằng năm, UBND quận chủ động bố trí nguồn kinh phí địa phương, nguồn xã hội hóa để mở rộng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp kịp thời những hạng mục xuống cấp, bảo đảm công trình ghi công luôn khang trang sạch đẹp. Bên cạnh đó, UBND quận đẩy mạnh số hóa trong công tác quản lý, đã hoàn thành phần mềm “Hệ thống quản lý nghĩa trang liệt sĩ quận Ngô Quyền” phục vụ cho việc tìm kiếm, tra cứu thông tin ở mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng nhất.
Còn tại quận Lê Chân dịp này, nhiều hoạt động dâng hương tri ân công lao các anh hùng, liệt sĩ được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tiến hành tại các công trình ghi công liệt sĩ của quận.
Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Lê Chân Tăng Tiến Dũng cho biết: Các công trình ghi công liệt sĩ tại quận gồm 1 đền thờ liệt sĩ và 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp phường với tổng số hơn 1,8 nghìn liệt sĩ. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các cấp chính quyền luôn chú trọng công tác tôn tạo, tu bổ, bảo đảm các công trình ghi công liệt sĩ luôn khang trang, sạch đẹp.
Cả cộng đồng chung tay
Hiện, trên địa bàn thành phố có 134 nghĩa trang liệt sĩ (trong đó cấp quận quản lý 2 nghĩa trang, cấp xã quản lý 132 nghĩa trang); 10 đài tưởng niệm liệt sĩ (cấp thành phố quản lý 1, cấp huyện quản lý 9); 35 nhà bia ghi tên liệt sĩ cấp xã quản lý; 3 đền thờ liệt sĩ cấp huyện quản lý. Hằng năm, ngoài việc đầu tư, nâng cấp, các nghĩa trang liệt sĩ đều được đội ngũ cán bộ quản trang thường xuyên trông coi, quét dọn, cắt tỉa cây xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó, vào những dịp lễ, tết, 27/7 hằng năm, các đoàn thể, nhân dân, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, các cháu thiếu niên nhi đồng trên địa bàn đến quét dọn, cắm hoa trên từng ngôi mộ và dâng hương tưởng nhớ.
Theo Trưởng Phòng Người có công (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Thu Huyền: Thời gian qua, việc quản lý các công trình ghi công liệt sĩ được thực hiện theo đúng quy chế UBND thành phố ban hành. Các địa phương giao cho các đơn vị quản lý, chăm sóc, xây dựng kế hoạch xây dựng, tu bổ, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ; vận động nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ thực hiện. Các quận, huyện có nghĩa trang liệt sĩ đều lập sơ đồ mộ chí, chia khu, hàng cụ thể, bảo đảm cho công tác quản lý, thuận lợi cho việc thăm viếng của các gia đình liệt sĩ và nhân dân trên địa bàn; việc cập nhật danh sách di chuyển mộ đến, đi bảo đảm kịp thời, đúng theo quy định. Nghĩa trang liệt sĩ là công trình văn hóa-lịch sử mang đậm giá trị nhân văn ghi nhận công lao của các anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, do đó, cộng đồng cần chung tay bảo vệ và chăm sóc phần mộ của liệt sĩ, đó vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của người còn sống, đồng thời có tính giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần giữ gìn nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ ngày càng trang nghiêm.
Bài và Ảnh: Phạm Thanh