Chiều 9/7, tại Làng văn hóa Phú La, Đảng ủy-UBND xã An Hòa, huyện An Dương long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam và Khánh thành công trình phụ trợ đình làng Phú La.
Tại buổi Lễ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao tặng xã An Hòa (huyện An Dương) Bằng công nhận cây di sản Việt Nam đối với Cây Duối cổ thụ có tuổi đời hơn 300 năm tuổi nằm trong quần thể các công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của làng Phú La.
Theo truyền ngôn của đại diện các dòng họ đến dựng làng lập ấp tại đây, cây Duối đôi có tuổi đời khoảng 300 năm. Hai cây Duối trên cánh đồng chùa cũ, còn gọi là cánh đồng Vàng thôn Phú La (có người gọi là cây Duối đồng Vàng, cây Duối chị em, cây Duối đôi) mỗi tên gọi là bao câu chuyện huyền tích được kể. Đến nay cây Duối đôi cao khoảng 5m tán rộng khoảng 100m² xanh tốt.
Hai cây Duối trước đây gần chùa Quang Long Tự nằm gần bến đò dọc và ở vị trí trong quần thể các công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của làng Phú La gồm chùa làng Phú La có tên chữ là Quang Long, đình Phú La và Văn chỉ của làng Phú La. Hiện nay đình Phú La mới xây dựng lại, Văn chỉ được tôn tạo lại tại khuôn viên của ngôi đình làng. Đình Phú La thờ vị Thành hoàng có tên hiệu là Hùng Quốc Tuấn, trước đây làng có ngọc phả nhưng đã bị cháy, nên chưa rõ sự tích vị thần. Tương truyền khi làng gặp hạn hán hay dịch bệnh, cầu đảo đều được linh ứng. Thần Hùng Quốc Tuấn được thờ bằng ngai, bài vị. Trước năm 1938 làng còn giữ được 3 sắc phong thuộc các đời vua: Thành Thái thứ nhất (1889); Duy Tân 3 (1909); Khải Định 9 (1924).
Việc công nhận Cây di sản Việt Nam đối với cây Duối đôi cổ thụ là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, đồng thời, nâng cao công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, môi trường giữ gìn di sản thiên nhiên gắn với truyền thống văn hóa của địa phương.
Ông Ngô Văn Thống, Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết “Cây Duối đôi cổ thụ không chỉ là cây di sản mà còn có ý nghĩa quan trọng bởi đã gắn liền với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa quê hương và các dòng tộc trong làng xứng đáng được vinh danh, chăm sóc và bảo vệ như biểu tượng của dân làng Phú La”.
Lưu Tuấn