Print Thứ Sáu, 21/07/2023 09:20 Gốc

Vào lúc 6 giờ sáng 19/7, Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân (GS.NSND) Trần Bảng, người con đất Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo), được giới văn nghệ sĩ tôn vinh là “Cây đại thụ” của sân khấu Chèo Việt Nam, rời cõi tạm, hưởng thọ 97 tuổi.

Sân khấu Chèo mất đi một người thầy

Sự ra đi của GS.NSND Trần Bảng để lại niềm tiếc thương đối với các thế hệ nghệ sĩ sân khấu cả nước nói chung, nghệ sĩ sân khấu dân tộc nói riêng.

Tối 19/7, khi đạo diễn vở chèo “Mưa đỏ” của Đoàn Chèo Hải Phòng đang vào cao điểm tập luyện chuẩn bị tổng duyệt, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ, ngành nghệ thuật Chèo đau xót tiễn biệt “cụ trùm Chèo” GS.NSND Trần Bảng. Ông là nhân cách lớn, đạo diễn hàng đầu của nghệ thuật Chèo, có công lớn trong dẫn dắt, định hướng toàn ngành giữ gìn bảo tồn nghệ thuật Chèo trong suốt giai đoạn đất nước và ngành Chèo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ông đã “thổi hồn” để Chèo phát huy được những giá trị tinh hoa riêng có. Bằng tâm huyết tài năng của mình, ông gây dựng Nhà hát Chèo Việt Nam thành một trong những nhà hát quốc gia mạnh trong nhiều thập niên. Ông cũng đào tạo nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên. Đặc biệt, với tâm huyết và trí tuệ của mình, ông để lại nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật Chèo có giá trị và tầm ảnh hưởng rộng lớn cho ngành mà bây giờ nhiều học trò của ông đã và đang là những nhà quản lý, NSND, Nhà giáo nhân dân, được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật…

GS.NSND Trần Bảng và con trai là đạo diễn, NSƯT Trần Lực.

Tiếc thương người con “đất học”

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng Tô Hoàng Vũ, Hội Liên hiệp cũng như Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hải Phòng không có nhiều thông tin về GS.NSND Trần Bảng do cụ không phải hội viên ở Hải Phòng. Tuy nhiên, những năm qua, Hội vẫn tổ chức nhiều chuyến tham quan học tập, sáng tác ở quê nhà cụ tại xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo).

Sinh năm 1926, quê ở xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo), GS.NSND Trần Bảng là con trai nhà văn Trần Tiêu và cháu gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột. Năm 1951, ông là một trong những người sáng lập Đoàn Văn công Trung ương, cùng tổ kịch với Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài… và bắt đầu đến với nghệ thuật Chèo.

Ông từng đoạt Giải thưởng nghiên cứu của Hội nghệ sĩ Việt Nam năm 1995, Giải thưởng văn học đề tài công nhân của Tổng Công đoàn Việt Nam 1974 (kịch bản chèo “Tình rừng”); từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu (Bộ Văn hóa-Thông tin), Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khoá 1 (1957).

Với những đóng góp to lớn, Trần Bảng được nhận học hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (1993); năm 2001, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật… Những ngày tháng cuối đời, GS.NSND Trần Bảng sống tại Hà Nội với con cháu. “Mái nhà ở quê hương là địa chỉ để các đoàn đến tham quan, tìm hiểu về gia đình giàu truyền thống văn học nghệ thuật này”, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vĩnh Bảo Phạm Ngọc Điệp thông tin./.

Hải Hậu

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Cây đại thụ” của sân khấu Chèo rời cõi tạm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác