Tham dự điểm cầu tại thành phố Hải Phòng có các đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ; đồng chí Phạm Văn Lập, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố; cùng các đồng chí Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo UBND thành phố; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và đại diện cựu chiến binh thành phố.
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có các đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Võ Đức Trong, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Đài Thy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và đại diện cựu chiến binh tỉnh Tây Ninh.
Tây Ninh là mảnh đất cách xa Hải Phòng gần 1.700 cây số, nhưng lật giở những trang sử, tận mắt ngắm nhìn những kỷ vật chiến tranh mới thấy dấu ấn về quá trình chiến đấu của người lính Hải Phòng tại Tây Ninh hiện lên thật đậm nét. Ngay cả trong hòa bình, hai tỉnh, thành phố vẫn giữ được mối gắn kết khá đặc biệt khi mà nhiều người Hải Phòng đã coi Tây Ninh là quê hương thứ hai, cũng có những người con Tây Ninh đã và đang cống hiến dựng xây thành phố Hải Phòng.
Nói đến chiến tranh là nói đến sự ác liệt, là mất mát, hy sinh. Trong cuộc trường chinh hơn 100 năm từ những ngày đầu chống Pháp, tới chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, có rất nhiều trận chiến khốc liệt được lưu vào lịch sử, có rất nhiều sự hy sinh được vinh danh. Trong số đó, có những trận chiến được coi là khốc liệt bậc nhất, những nỗi đau đậm sâu nhất không chỉ được ghi lại trong trang sử đất nước mà hiện vẫn còn rất mới trong tâm trí những người trong cuộc.
Hành trình tri ân hôm nay, chương trình sẽ đưa khán giả đến với Quảng Trị, Tây Ninh và Hà Giang, những chiến trường vô cùng ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Đây đồng thời cũng là những nơi mà các thế hệ chiến sĩ Hải Phòng đã anh dũng chiến đấu, anh dũng hy sinh. Máu xương của họ đổ xuống, để có bình yên trên những mảnh đất này.
Trong đó, nói về Tây Ninh-Hải Phòng, tuy ở hai đầu đất nước nhưng từ lâu đã gắn kết thật gần. Trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến sĩ Hải Phòng đã để lại những dấu ấn đậm nét về lòng quả cảm, sự kiên cường trên mảnh đất này. Bao kỷ vật về các chú, các anh vẫn đang còn lưu lại nơi đây. 55 năm trước, ngày 16/11/1967, giữa núi rừng Yên Tử thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, 631 cán bộ chiến sỹ, toàn bộ đều là người Hải Phòng, được tập hợp và làm lễ xuất quân để tiến vào mặt trận Bắc Sài Gòn-Gia Định, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Họ chính là những chiến sĩ “Tiểu đoàn Cát Bi”, 631 người đi, chỉ 110 người trở về. Những trận chiến ở biên giới Tây Nam, thêm hàng trăm chiến sĩ Hải Phòng còn nằm lại, những con số nghe thật nhói lòng.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong số 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống, có khoảng 300 nghìn người chưa xác định được đầy đủ thông tin, vẫn còn 200 nghìn liệt sĩ chưa được quy tập. Với mong muốn phần nào làm nhẹ đi nỗi đau ấy, những năm qua, công tác quy tập hài cốt liệt sĩ Hải Phòng đã hy sinh ở Tây Ninh đã được quan tâm bởi các cơ quan chức năng cùng nhiều tập thể, cá nhân tâm huyết như bác sĩ cựu chiến binh Trần Văn Bản (tại Hải Phòng), y tá cựu chiến binh Phùng Văn Định (tại tỉnh Tây Ninh)… không quản ngại chặng đường gian nan tìm hài cốt các liệt sĩ vẫn còn nằm lại nơi chiến trường ác liệt năm xưa.
Năm 1979, cuộc chiến đấu bảo vệ dải biên cương đặc biệt quan trọng gồm 6 tỉnh biên giới phía Bắc nổ ra. Hà Giang tuy không phải là điểm bị tấn công sớm nhưng lại là 1 trong 2 địa bàn gánh chịu nặng nề nhất. Đặc biệt, cuộc chiến tại đây kéo dài tới tận năm 1989 mới thực sự chấm dứt, hàng nghìn chiến sĩ Việt đã hy sinh. Trên các bia đá tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Vị Xuyên hôm nay, có những hàng dài tên người Hải Phòng, tuy khác năm sinh tháng đẻ, nhưng cùng ngày ngã xuống.
4 cuộc chiến tranh đã ghi vào trang sử thời kỳ cận và hiện đại của dân tộc quá nhiều mất mát. Nhưng không chỉ có thế, kể từ ngày giành được độc lập, hòa bình, các chiến sĩ Việt Nam vẫn luôn có mặt trên từng trận tuyến để bảo vệ cho sự vẹn toàn lãnh thổ, cho cuộc sống an lành của nhân dân. Có những người trong số họ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, họ là những liệt sĩ của thời bình. Gần 20 năm qua, hơn 20 chiến sỹ công an Hải Phòng đã hy sinh. Các anh ngã xuống trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy và gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 18 chiến sĩ bộ đội Hải quân người Hải Phòng cũng đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trong 75 năm qua, trân trọng những đóng góp, hy sinh của các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, thành phố Hải Phòng đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Đời sống của các thương binh, gia đình chính sách ngày càng được nâng cao, thân nhân liệt sĩ được quan tâm chăm sóc. Mộ phần của người hy sinh được hương khói… Đồng hành với Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan chức năng trên chặng đường tri ân đó, có rất nhiều tổ chức, cá nhân tâm huyết.
Sống trong hòa bình, độc lập, chúng ta không thể quên lớp lớp thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh. Công tác đền ơn đáp nghĩa là một hành trình dài mà các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ luôn khắc ghi để tiếp nối. Tại chương trình, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và đồng chí Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh đã cho biết những chính sách quan trọng trong công tác đền ơn đáp nghĩa mà hai địa phương đã thực hiện thời gian qua, đồng thời đề xuất những giải pháp để thắt chặt hơn nữa tình cảm, mối quan hệ gắn bó, tương trợ trong công tác đền ơn đáp nghĩa và hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa giữa hai địa phương.
1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống, hàng triệu người khác trở về với những vết thương trên cơ thể. Công sức, máu xương của các chiến sĩ hôm qua đã đắp lũy xây thành cho độc lập, hòa bình hôm nay. Họ là niềm tự hào của mẹ Tổ quốc. Mốc thời gian 27/7 hàng năm là ngày nhắc nhớ chúng ta về niềm tự hào ấy, những điều mà lịch sử không lãng quên.
Tại chương trình, các vị đại biểu và khán giả được hiểu rõ thêm về những hy sinh đó qua các phóng sự “Những mùa hoa tuổi 20”, “Tiểu đoàn Cát Bi”, “Chiến sĩ Hải Phòng trong chiến tranh biên giới Tây Nam”, “Về lại lò vôi thế kỷ”, cùng chia sẻ, giao lưu với đồng chí Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng về những ngày tháng khốc liệt tại chiến trường Quảng Trị. Đan xen chương trình là những ca khúc đi cùng năm tháng như “Đất nước”, “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện”, “Cỏ non thành cổ”, “Miền xa thẳm”, “Tây Ninh trong trái tim tôi”, “Thiêng liêng Việt Nam”, các đại biểu và khán giả của hai điểm cầu được sống lại những năm tháng cách mạng đau thương mà oanh liệt, hào hùng không thể nào quên của dân tộc ta.
Hồng Nhung. Ảnh: Đàm Thanh
Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, sáng 14/1, đồng chí Phạm Văn…
Hồi 16h30' ngày 13/1/2025, Công an thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng nhận…
Chiều 13/1, tại Khách sạn Điện lực (quận Đồ Sơn), Công ty TNHH MTV Điện…
Chiều 13-1, tại UBND quận Hải An, Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More