Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:15

Trong không gian của Miếu Hai Bà, ở phường Đằng Giang, dưới cái nắng tháng 5 rực rỡ, họ vẫn say sưa trong những điệu hát, phím đàn để hát cho nhau nghe, nắn phím so dây, bắt tay chỉ ngón, truyền dạy cho các bạn trẻ, các cháu nhỏ. Họ là những nghệ sỹ, những hội viên, những người trót có duyên, mê mẩn nghệ thuật ca trù, hát văn…

CLB Ca trù, hát văn quận Ngô Quyền tiết mục tiết mục Hát giai cho con học chữ (lời cổ)

Trải qua gần 1.000 năm ra đời và phát triển, ca trù đã trở thành một môn nghệ thuật độc đáo, một loại hình âm nhạc vừa mang tính dân gian, vừa mang hơi hướng của nghệ thuật cung đình, nghệ thuật trang nhã, lịch lãm, thanh cao, mang tính hàn lâm và tính bác học.

Với sự hòa quyện của nhịp trống, tiếng đàn đáy trầm đục, nhịp phách cùng lời hát và phức điệu trau chuốt đến mức tinh tế, ca trù đã trở thành nơi ký thác tâm hồn của nhiều người, là nơi chứa đựng những tình cảm thiết tha và sâu lắng đến tột cùng của trái tim người nghe và người nghệ sỹ. Ở Hải Phòng, hát ca trù đã có từ những thế kỷ trước và có ở hầu hết các huyện ngoại thành như: Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo,..

Song tập trung, sâu rộng hơn cả vẫn là ở làng Đông Môn, xã Hoà Bình, huyện Thuỷ Nguyên. Nhiều ca quán gọi là Đông Môn ca quán đã hình thành là những tụ điểm hát ca trù. Ngoài một số ca quán của các huyện Kiến Thuỵ, Hải An, An Dương thì nơi tập trung ca quán nhiều nhất vẫn là ở khu đô thị mới của nội thành Hải Phòng.

Mỗi nơi có hàng chục ca quán như ở khu vực Dư Hàng Kênh mà ngày đó gọi là “Cánh gà ngoài”, khu vực Cam Lộ (thuộc Thượng Lý); Quy Tức, Kiến An và nổi trội nhất vẫn là hàng chục ca quán ở “Cánh gà trong” là khu vực Quán Bà Mau, Lạch Tray, tập trung nhiều ca quán của những nghệ nhân làng Đông Môn mở.

CLB Ca trù, hát văn quận Ngô Quyền biểu diễn tại Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc năm 2018

Bà Trần Thị Phương Mai, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin quận Ngô Quyền chia sẻ: Trên địa bàn quận Ngô Quyền có khu vực Quán Bà Mau, xưa là  địa danh ca trù có nhiều ca quán nổi tiếng về những ca nương hát hay, những tay đàn đáy tài ba đã thu hút khách không những của Hải Phòng mà nhiều nhà thơ, khách yêu ca trù của Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Yên đến thưởng thức và thi thố tài cầm chầu.

Tuy nhiên ngày nay, nghệ thuật ca trù đang đứng trước nguy cơ mai một dần, bởi lẽ giới trẻ hiện đại quen thưởng thức loại hình âm nhạc mới mẻ, trẻ trung. Có rất ít người nghe, hoặc rất ít nghệ sĩ nào theo nghề hát ca trù truyền thống. Xuất phát từ tình yêu với những loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, Trung tâm Văn hóa Thông tin quận Ngô Quyền mong muốn được góp phần trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn chấn hưng nghệ thuật ca trù, hát văn nên đã xây dựng CLB Ca trù, hát văn .

Ra mắt từ những ngày đầu năm 2018, CLB Ca trù, hát văn quận Ngô Quyền có 10 thành viên, họ là những người hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng đều có chung một tình yêu, niềm đam mê với ca trù. Ca nương là cán bộ của Trung tâm Văn hóa-Thông tin quận, nghệ sỹ đàn đáy là một bác sỹ của Bệnh viện Kiến An cùng các bác sỹ, nhân viên y tế, học sinh trường THCS An Đà.

Chủ nhiệm CLB Ca trù, hát văn quận Ngô Quyền, ông Lê Tuấn Anh cho biết: Cứ 1 tuần một buổi, các hội viên của CLB lại tạm gác những công việc thường ngày để tập trung trong không gian của Miếu Hai Bà ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền vừa học, vừa diễn. Qua thời gian tập luyện, Câu lạc bộ Ca trù, hát văn quận Ngô Quyền đã xây dựng được một số chương trình tham dự Festival và các cuộc liên hoan hát văn, hát chầu văn  toàn quốc.

Qua những lần tham dự, Câu lạc bộ Ca trù, hát văn quận Ngô Quyền đều đạt được thành tích cao. Những thành tích đó rất đáng khích lệ, đã đánh dấu sự trưởng thành trong việc học tập, tiếp thu vốn nghệ thuật cổ truyền của thế hệ trẻ Hải Phòng đối với nghệ thuật hát ca trù, hát văn.

Tuy nhiên, sự cố gắng này còn phải tiếp tục vươn tới để đạt được những tinh hoa của nghệ thuật hát ca trù. Đặc biệt là sự tiếp thu về kỹ thuật thanh nhạc trong hát ca trù truyền thống và các nghệ thuật tinh xảo của hát ca trù, hát văn mà các nghệ nhân đã truyền lại cho lớp trẻ.

Bà Mai cũng cho biết thêm, nhằm đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc, đưa thế hệ trẻ đến gần hơn với ca trù và hát văn, trong thời gian tới, CLB Ca trù, hát văn quận Ngô Quyền sẽ phối hợp với các trường học trên địa bàn quận như trường Tiểu học Đằng Giang, THCS An Đà để biểu diễn và truyền dạy cho các cháu học sinh.

Xuân Hạ – Báo an ninh Hải Phòng ngày 05/06/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Câu lạc bộ Ca trù, hát văn quận Ngô Quyền: Nơi lưu giữ, bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác