Cấp xã, phường kêu khó quản lý nhóm, lớp mầm non tư thục

Hoạt động không giấy phép, người giữ trẻ thiếu chuyên môn là vấn đề bất cập đang diễn ra tại nhiều nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn thành phố hiện nay. Trong khi đó, nhóm trẻ, lớp độc lập tư thục lại thuộc thẩm quyền quản lý của cấp chính quyền xã, nên các xã, phường kêu khó trong quản lý loại hình này.

 

Quá nửa nhóm lớp hoạt động “chui”

Nhóm lớp Chú Voi con nằm sâu trong ngõ 113/81, phố Phạm Hữu Điều, phường Niệm Nghĩa (quận Lê Chân). Nhóm trẻ chỉ có khoảng 8 trẻ từ vài tháng đến 3, 4 tuổi tuổi cùng vui chơi trong căn phòng khoảng 20 m2. Cơ sở này tận dụng nhà riêng làm nơi trông trẻ, người trông trẻ nhiều tuổi. Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn phường Niệm Nghĩa cũng có 3 nhóm lớp khác cũng có khá ít trẻ (dưới 10 cháu) như Thân Thiện, Sao Đỏ, Hải Nam.

 

Nhiều nhóm lớp trẻ, mầm non tư thục chật chội không đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ (ảnh chụp tại nhóm trẻ Mặt trời bé thơ, ở xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên).

Theo báo cáo của UBND phường Niệm Nghĩa, trong năm 2018, 4 nhóm lớp độc lập tư thục trên đều chưa được cấp phép hoạt động vì thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn người trông trẻ. Do đó, các nhóm lớp tư thục trên chỉ dừng lại ở việc trông trẻ, chưa thực hiện tốt nội dung giáo dục thể chất, trí tuệ, nhân cách cho trẻ. Trước đó, UBND phường Niệm Nghĩa đã đóng cửa 1 nhóm lớp tư thục không đạt yêu cầu về điều kiện hoạt động.

Còn nhóm lớp Mặt trời bé thơ, ở xã Hoa Động (huyện Thủy Nguyên), số lượng trẻ lên đến 50 cháu. Hơn 30 trẻ từ 3 đến 4 tuổi học ghép chung một phòng học khoảng 30 m2. Trong khi đó, phòng học gồm nhà bếp, khu ăn, khu vệ sinh… Khu gác lửng chật chội hơn, chỉ khoảng 20 m2 dành cho 20 cháu, với nhà vệ sinh nhỏ chưa đến 2 m2, bình nước uống cho trẻ lại đặt gần khu vệ sinh, không bảo đảm vệ sinh.

Như vậy, tính ra, còn quá nửa nhóm lớp nhà tư thục trên địa bàn thành phố chưa được cấp phép hoạt động. Trong đó, còn nhiều nhóm tư thục nhỏ lẻ, nhất là các nhóm tối đa 7 trẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư, không đủ điều kiện cấp phép: Phần lớn người trông trẻ không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm mầm non, là những người nhiều tuổi trông giữ từ 3 đến 10 trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, trong 3 năm gần đây, ngành Giáo dục – Đào tạo, các địa phương đình chỉ hoạt động 190 nhóm lớp nhà trẻ, lớp mẫu giáo tư thục; 21 chủ cơ sở của các nhóm lớp bị xử phạt hành chính với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng.

Kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở không đạt yêu cầu

Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục – Đào tạo), Vương Thị Đào cho biết: Nhu cầu cho trẻ mầm non đến trường ngày càng tăng cao. Trong 2 năm gần đây, Hải Phòng tăng trung bình 8.000 trẻ/năm, trong khi trên toàn thành phố mới tăng 4 trường mầm non công lập. Vì vậy, các nhóm lớp tư thục phát triển mạnh. Tuy nhiên, phần lớn các nhóm trẻ, lớp mầm non tư thục không đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Diện tích phòng chật chội, không có sân chơi công trình vệ sinh không phù hợp cho trẻ sử dụng; thiếu nhiều đồ dùng, đồ chơi. Đội ngũ giáo viên thường xuyên biến động, nên việc tư vấn, bồi dưỡng chuyên môn, tổ chức các hoạt động cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Chất lượng bữa ăn của trẻ còn thấp, đơn điệu và chưa có hợp đồng cung ứng thực phẩm và cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm với địa phương. Mặc dù chính quyền địa phương và các ban ngành thường xuyên kiểm tra, đình chỉ hoạt động các nhóm lớp không bảo đảm yêu cầu hoạt động. Song, giải thể nhóm này, nhóm khác lại hình thành, đặc biệt ở các khu vực gần khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực đông dân cư.

Công tác quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục còn rất phức tạp. Lãnh đạo UBND phường Niệm Nghĩa (quận Lê Chân) cho rằng, UBND cấp xã có nhiệm vụ quản lý, cấp phép hoạt động cho các nhóm lớp tư thục. Trường mầm non công lập hoạt động trên địa bàn có trách nhiệm quản lý, giám sát, hướng dẫn về chuyên môn. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có một cán bộ phụ trách quản lý hoạt động này và trường mầm non công lập chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc quản lý, hướng dẫn chuyên môn đối với các lớp tư thục.

Để có một môi trường chăm sóc, giáo dục an toàn cho trẻ, các xã, phường, thị trấn cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết đình chỉ hoạt động các nhóm không bảo đảm yêu cầu, tiến tới thu nhỏ các nhóm lớp tư thục để phát triển thành các trường mầm non công lập và tư thục, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ và bảo đảm chăm sóc, nuôi dạy trẻ.


Bùi Hương – Báo Hải Phòng 12/01/2019

Tin khác

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong…

19/07/2024

Thông qua 34 Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 18 HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026

Sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao;…

19/07/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Theo thông tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương,…

19/07/2024

Nhân dân luôn ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng

Sau khi Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe của đồng chí…

19/07/2024

Chiếu phim lưu động phục vụ thiếu niên, nhi đồng và bà con Nhân dân tại huyện Tiên Lãng

Tối 18/7, tại Nhà văn hóa thôn An Thạch, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng,…

18/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More