Cấp phép xả thải nguồn nước: Vẫn tình trạng “năm cha, ba mẹ”

Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố đặt ra mục tiêu giai đoạn 2013-2015, có 50-70% lượng nước do doanh nghiệp xả thải được thu gom, không để xả trực tiếp ra các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng. Tiếp đó, đến giai đoạn 2016-2020, xử lý dứt điểm 100% vi phạm pháp luật xả nước thải vào nguồn nước. Nhưng đến thời điểm này, toàn thành phố mới có 33,8% số DN có giấy phép xả nước thải; còn tới 66,2% số doanh nghiệp (DN) xả nước thải không có giấy phép.

 

Trên sông Rế có hàng trăm trường hợp xây dựng nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ sông. Ảnh: DUY LÊ

 

Chồng chéo, hiệu quả thấp


Trưởng Phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường TNMT) Phạm Thanh Hải cho biết: Trên địa bàn thành phố có gần 800 DN, tổ chức thuộc diện phải xin cấp giấy phép mới được xả thải. Nhưng mới có 270 DN đã có giấy phép xả thải; trong đó có 200 DN do Sở TNMT cấp phép; 70 DN do Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn cấp phép. Việc cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước do 2 ngành cùng thực hiện. Nếu DN xả thải vào nguồn tiếp nhận là hệ thống kênh thủy lợi thì do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) quản lý và cấp phép. Các nguồn nước còn lại do Sở TNMT thực hiện. Phần lớn nguồn nước đang tập trung nhiều DN xả thải thuộc hệ thống công trình thủy lợi. Song số lượng giấy phép xả thải vào nguồn nước do ngành NN-PPNT thực hiện còn thấp.

 


Nguyên nhân, hồ sơ cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thuỷ lợi cần có 6 thành phần với những yêu cầu “khắt khe”, như: DN phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm định đánh giá chất lượng nước thải trước và sau xử lý ở các trung tâm kiểm định, phòng thí nghiệm cấp bộ trở lên. Trong khi đó, thành phần hồ sơ cấp phép xả thải vào nguồn nước khác do Sở TNMT thẩm định chỉ có 4, không bắt buộc DN phải có “sổ đỏ” hay phải kiểm định nước thải ở trung tâm, phòng thí nghiệm cấp bộ. Do đó, số lượng DN đáp ứng yêu cầu, để được cấp giấy phép xả thải vào hệ thống thủy lợi khó khăn hơn. Như trường hợp Công ty TNHH Cự Bách, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh mới có trích đo thửa đất, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nên dù DN đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa được cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước


Cùng với đó, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hiệu quả đạt thấp. Sở NNPTNT có chức năng cấp phép nhưng không có chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý trong trường hợp DN có hành vi vi phạm phát luật về bảo vệ môi trường. Còn Sở TNMT có chức năng thanh tra, kiểm tra và quản lý nhưng lại thiếu chức năng cấp phép. Hệ quả là công tác giám sát việc thực hiện quy định cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước của DN thiếu chặt chẽ. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng qua của Công ty khai thác công trình thủy lợi An Hải cho thấy, tình trạng xả thải vào nguồn nước sông Rế và kênh Bắc Nam Hùng diễn biến phức tạp. Cụ thể trên sông Rế có hơn 300 điểm xả thải của DN; nhưng chỉ có 26 DN có giấy phép xả thải. Còn hàng loạt những vi phạm về hành lang bảo vệ nguồn nước sông tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết.


Cần thống nhất đầu mối quản lý


Chi cục trưởng Chi cục biển và hải đảo Nguyễn Văn Cấn cho biết: Việc có nhiều đơn vị cùng thực hiện việc cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước nảy sinh khó khăn cho công tác quản lý. Ngành NNPTNT quản lý, bảo vệ nguồn nước theo Luật Thủy lợi; ngành TNMT theo Luật Tài nguyên nước. Mỗi ngành trình tự, thủ tục hồ sơ cấp phép xả thải khác nhau, gây khó khăn cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước. Để khắc phục các bất cập này, việc thống nhất đầu mối quản lý, cấp phép tài nguyên nước cần được quan tâm. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố áp dụng biện pháp giao Sở TNMT quản lý thống nhất tài nguyên nước, như tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Theo đó, ngành Nông nghiệp PTNT cũng là đối tượng được cấp phép khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước.

 

Để phục vụ quản lý tổng hợp và thống nhất nguồn tài nguyên nước, UBND thành phố sớm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tài nguyên nước đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố. Cùng với đó, ngành được giao nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm hoàn thiện hệ thống văn bản các quy định về việc quản lý và kiểm soát nước thải công nghiệp theo đúng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải bỏ chi phí khắc phục ô nhiễm, xây dựng hệ thống thông tin giám sát môi trường và ngân hàng dữ liệu môi trường theo hướng tích hợp thông tin.

 

Việc thống nhất đầu mối quản lý tài nguyên nước không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết 23 HĐND thành phố đặt ra mà còn tạo cơ sở quản lý, bảo vệ bền vững tài nguyên nước.

 

NGUYÊN MAI – Báo Hải Phòng 25/10/2018

Tin khác

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trao tặng Huân chương Sao Vàng

Bộ Chính trị đã có quyết định trao Huân chương Sao Vàng tặng Tổng Bí…

18/07/2024

Thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí…

18/07/2024

2 công nhân Hải Phòng được hỗ trợ xây nhà Mái ấm Công đoàn

Sáng 18.7, Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng trao kinh phí hỗ trợ xây nhà…

18/07/2024

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà các gia đình chính sách huyện Thuỷ Nguyên

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), chiều 17/7, Chủ tịch Quốc…

17/07/2024

Hiệu quả mô hình đào tạo kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố trong dịp hè

Nghỉ hè là khoảng thời gian lý tưởng để phụ huynh đăng ký cho con…

17/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More