Dù số ca tử vong tại tâm dịch thế giới là Mỹ đã giảm trong những ngày qua, song số ca nhiễm mới tính theo ngày vẫn cao.
Theo số liệu thống kê từ trang worldometers.info cập nhật đến 21 giờ tối 24/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận gần 5.435.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 344.504 ca tử vong.
Số bệnh nhân hồi phục hiện nay là 2.273.150 người và vẫn còn 53.222 trường hợp bệnh nặng và nguy kịch. Như vậy, chỉ trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận thêm 36.667 ca nhiễm mới, 896 ca tử vong.
Dù số ca tử vong tại tâm dịch thế giới là Mỹ đã giảm trong những ngày qua, song số ca nhiễm mới tính theo ngày vẫn cao. Với hơn 22.000 ca mới trong một ngày, tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã lên tới 1.667.935 ca, trong đó số ca tử vong là 98.703 ca, tăng 1.149 ca so với ngày trước đó.
Hai tháng sau khi Mỹ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, trong đó cấm mọi hoạt động tụ tập nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Chính quyền bang New York, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, cũng đã cho phép các hoạt động tập trung trên 10 người với mục đích không thiết yếu.
Mặc dù vậy, Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo vẫn nhấn mạnh việc người dân phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và vệ sinh, khử trùng theo khuyến nghị của Bộ Y tế Mỹ.
Ngày 23/5, Brazil đã vượt Nga trở thành nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ với số ca nhiễm là 349.113 ca, trong đó có 22.165 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh, chính phủ của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã gia hạn lệnh đóng cửa biên giới thêm 30 ngày và biện pháp này sẽ áp dụng cho cả các biên giới đường bộ và hàng không, chỉ trừ giao thông thương mại.
Các biện pháp phòng dịch tại châu Âu đang phát huy hiệu quả, khi khu vực này không còn là điểm nóng của dịch bệnh. Liên tiếp trong nhiều ngày qua, số ca nhiễm mới và tử vong tại châu Âu đều giảm.
Riêng Nga số ca nhiễm mới vẫn cao, với thêm 8.599 ca trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 344.481 ca, trong đó 3.541 ca tử vong, tăng 153 ca. Tuy nhiên, theo chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nga Agasi Tavadyan, thủ đô Moskva và tỉnh Moskva đã qua đỉnh dịch và các địa phương còn lại có thể đỉnh dịch sẽ diễn ra trong 1 hoặc 2 tuần tới.
Theo chuyên gia trên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng số người nhiễm mới theo ngày tăng cao là kể từ cuối tháng 4, thủ đô Moskva đã tăng đáng kể số lượng xét nghiệm, nhờ đó, một mặt số ca nhiễm virus tăng lên nhưng mặt khác, các trường hợp này được phát hiện và cách ly ở giai đoạn sớm nhất. Kết quả là đỉnh dịch đến sớm hơn dự báo vào tuần cuối tháng 5, và dự đoán dịch bệnh sẽ thuyên giảm sau giai đoạn này.
Dù đã dỡ bỏ phong tỏa hôm 18/5, nhưng Italy vẫn đang hết sức thận trọng. Trong kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên, người dân trên khắp Italy đã đổ ra đường để tận hưởng các hoạt động giải trí cuối tuần như thói quen trước đây sau hơn 2 tháng phong tỏa vì đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, hoạt động của người dân đã gây lo lắng cho các cơ quan chính quyền trước việc không thực hiện đúng các quy định về phòng chống lây nhiễm vẫn còn có hiệu lực. Tại thủ đô Rome, lực lượng chức năng đã triển khai khoảng 1.000 cảnh sát để kiểm soát các hoạt động ban đêm, đề phòng việc tụ tập đông người và xử phạt những người không tôn trọng quy định về khoảng cách hoặc không đeo khẩu trang.
Trong khi đó, các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến nghiêm trọng của dịch COVID-19, khi mà Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất còn Bangladesh có số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Cơ quan y tế Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua đã có thêm 147 ca tử vong mới và 6.767 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại quốc gia này lên lần lượt là 3.867 ca và 131.868 ca. Đây là ngày có số ca nhiễm tăng tỷ lục tại Ấn Độ.
Tại Bangladesh, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 28 ca tử vong, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước này vào ngày 8/3. Số ca nhiễm mới là 1.532 ca, nâng tổng số ca lên 33.610 ca.
Tại Indonesia, tổng số ca nhiễm tăng 526 ca lên 22.271 ca còn tổng số ca tử vong tăng 21 ca lên 1.372 ca. Jakarta, nơi sinh sống của 10 triệu dân, là khu vực có số ca tử vong cao nhất với tổng cộng 501 ca.
Dịch COVID-19 đã lan khắp tất cả 34 tỉnh thành của quốc gia Đông Nam Á này. Giới chức đang đẩy mạnh xét nghiệm ở những vùng có phát hiện ca nhiễm, trong khi mọi người dân được yêu cầu luôn đeo khẩu trang để ngăn chặn virus lây lan.
Tại Philippines có thêm 258 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 14.035 ca kể từ khi dịch bùng phát tại đây hồi tháng 1. Số ca tử vong cũng tăng lên 868 ca sau khi có thêm 5 ca mới trong 24 giờ qua.
Tại Malaysia, giới chức y tế xác nhận có thêm 60 ca nhiễm mới, trong đó 33 ca liên quan đến 2 cơ sở giam giữ người nhập cư. Cho đến thời điểm này, tổng số ca nhiễm là 7.245 ca.
Tính đến 0h00 ngày 24/5 (theo giờ địa phương), trong 24 giờ qua, Hàn Quốc xác nhận thêm 25 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 11.190 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc là trên 20 ca. Trong số các ca mới có 8 ca là “nhập khẩu“, nâng tổng số ca đến từ nước ngoài lên 1.212 ca.
Đề cập đến tình hình dịch bệnh COVID-19, Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), Tiến sĩ Nehginpao Kipgen, cùng trợ lý nghiên cứu Aakriti Bansal thuộc trung tâm trên, nhận định đoàn kết khu vực là chìa khóa để các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.
Bài phân tích đăng trên báo Bangkok Post ngày 23/5, cho rằng sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 đặt ra mối đe dọa đáng kể cho ASEAN. Điều này chủ yếu là do sự gần gũi về địa lý của khu vực với Trung Quốc và dòng chảy thương mại cao giữa hai bên.
ASEAN chưa từng đối mặt với cuộc khủng hoảng nào như dịch COVID-19. Tính đến ngày 20/5 vừa qua, tổng số ca lây nhiễm được ASEAN ghi nhận đã vượt qua 72.590 ca.
Vì vậy, quy mô lớn của đợt bùng phát dịch bệnh đòi hỏi khu vực này phải hành động kiên quyết và cách tối ưu để ASEAN đối phó với đại dịch là đoàn kết và đồng hành cùng nhau./.
Phương Hoa/TTXVN