Pháp luật

Cấp lại thẻ Căn cước sẽ được thực hiện trực tuyến, người dân không phải đến cơ quan Công an

Chiều 2/6/2023, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Căn cước, trong đó nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

14 nội dung mới cơ bản so với Luật Căn cước công dân

Luật nhằm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; phục vụ chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số. Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Cơ quan soạn thảo đã tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ về căn cước công dân của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. “Dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 Điều (trong đó, so với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì dự thảo Luật đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều)”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Có 14 nội dung mới cơ bản so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ Căn cước; giấy chứng nhận Căn cước; Căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Dự thảo Luật đã bổ sung một điều về giấy chứng nhận Căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận Căn cước cho những người này.

Về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ Căn cước, Căn cước điện tử; kết nối, chia sẻ, thông tin người dân; phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư như bổ sung thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành…

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Căn cước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án số 06.

Lược bỏ vân tay trên thẻ Căn cước

Về nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ Căn cước, dòng chữ “Căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú… Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ Căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ Căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin Căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ Căn cước. Đối với những thẻ Căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. “Việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Toàn cảnh phiên họp.

Về tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu Căn cước vào thẻ Căn cước. Thẻ Căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước; qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Người dân thực hiện thủ tục tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước hoặc ứng dụng VNeID khi đã có Căn cước điện tử. Về trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước; trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước, dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và bổ sung theo hướng việc cấp lại thẻ Căn cước được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia (người dân không phải đến cơ quan quản lý Căn cước để thực hiện thủ tục); cơ quan quản lý Căn cước sử dụng thông tin đã cấp thẻ Căn cước lần gần nhất để cấp lại thẻ Căn cước cho người dân.

Cơ quan Công an phải cấp, đổi thẻ Căn cước cho người dân trong 7 ngày làm việc

Theo trình bày của Bộ trưởng Tô Lâm, thì cơ quan quản lý Căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước cho người dân trong thời hạn 7 ngày làm việc (đây là quy định chung, áp dụng trên toàn quốc, không phân biệt theo địa bàn cư trú của người dân như Luật Căn cước công dân năm 2014).

Về Căn cước điện tử, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Dự thảo luật quy định mỗi người dân chỉ có 1 Căn cước điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng Căn cước điện tử. Căn cước điện tử được sử dụng để thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của người dân.

Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Ngoài ra, dự án Luật còn quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh để phù hợp với các nội dung sửa đổi tại dự thảo luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước…

Hiện nay, Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ Căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của Chứng minh nhân dân cơ bản không tác động đến người dân; quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng Chứng minh nhân dân cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ Căn cước và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ Căn cước gắn chíp điện tử”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Nguồn tin: CATP

Tin khác

10 kết quả nổi bật của thành phố Hải Phòng trong năm 2024

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều khó khăn chung, nhưng…

10/01/2025

Tạm giữ hình sự đối tượng hành hung công an tại Hải Phòng

Cơ quan chức năng đã tạm giữ đối tượng hành hung cảnh sát giao thông…

10/01/2025

Thông tin giao dịch thương mại điện tử sẽ bị thu thuế 10% là giả mạo

Thông tin về giao dịch thương mại điện tử sẽ bị thu thuế 10% lan…

09/01/2025

Các cơ quan báo chí đồng hành cùng các sự kiện quan trọng của thành phố trong năm 2025

Chiều 9/1, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền…

09/01/2025

Tham mưu cơ chế, chính sách đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển vượt bậc

Chiều 9-1, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức hội nghị tổng kết…

09/01/2025

Hải Phòng không còn hộ nghèo từ năm 2025

Nhờ giảm 0,32% trong năm 2024, từ năm 2025 trên địa bàn TP.Hải Phòng không…

09/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More