Print Thứ Bảy, 26/01/2019 23:16

Thời gian gần đây, số vụ việc tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có chiều hướng gia tăng.


Bộ phận 1 cửa liên thông của UBND huyện Thủy Nguyên làm thủ tục cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

 

Phức tạp, kéo dài


Vụ kiện hành chính đề nghị UBND huyện An Lão hủy GCNQSDĐ cấp cho ông Hà Văn L. và bà Nguyễn Thị V. ở xã An Thái, nguyên nhân xuất phát từ tranh chấp quyền thừa kế đất đai giữa các thành viên trong gia đình. Khi bố mẹ ông L. chết không để lại di chúc. Ông L. là người quản lý diện tích đất, khi các thành viên trong gia đình chưa họp bàn chia di sản thừa kế, nhưng tự làm thủ tục đề nghị và được UBND huyện An Lão cấp GCNQSDĐ, khiến tranh chấp thừa kế quyền sử dụng thửa đất phát sinh. Tương tự, vụ kiện hành chính đề nghị UBND huyện Vĩnh Bảo hủy GCNQSDĐ cấp cho bà Vũ Thị H. ở thôn Tạ Ngoại, xã An Hòa (huyện Vĩnh Bảo). Thửa đất này vốn là di sản thừa kế của bố mẹ bà H. để lại cho các anh chị em, chưa được chia thừa kế. Cả hai vụ việc trên đều được đối thoại qua Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND thành phố giữa năm 2018 vừa qua. Sau khi hòa giải viên phân tích, các thành viên trong gia đình thống nhất việc chia di sản thừa kế đất đai. Trên cơ sở đó, UBND các huyện An Lão, Vĩnh Bảo sẽ thu hồi lại GCNQSDĐ đã cấp và làm thủ tục cấp lại GCNQSDĐ theo sự thống nhất của những người hưởng di sản thừa kế. Hay trường hợp bà Nguyễn Thị T., vốn là công nhân của Nông trường Vinh Quang và được đơn vị này cấp 1 lô đất làm nhà ở tại xã Tiên Hưng (huyện Tiên Lãng) từ năm 1980. Sau đó, bà T. đào ao, xây 2 gian nhà ngói để ở. Đến năm 1983, do chuyển công tác, bà T. cho em chồng là ông C. ở nhờ. Sau khi Nông trường Vinh Quang giải thể, năm 2000, ông C. tự ý kê khai và được UBND huyện Tiên Lãng cấp GCNQSDĐ. Từ đó dẫn tới tranh chấp kéo dài, bà T. làm đơn khiếu nại việc UBND huyện Tiên Lãng cấp GCNQSDĐ cho ông C.


Ngoài ra, có trường hợp hủy GCNQSDĐ do vi phạm trình tự thủ tục cấp. Như trường hợp kiện đòi quyền sử dụng đất tại xã Mỹ Đức (huyện An Lão). Năm 2004, ông Trần Văn Đ. làm công trình mương cứng cho HTX thôn Kim Châm và đổi lại được cấp 600 m2 đất. Song, ông nhờ bà Nguyễn Thị T., đứng tên trong các quyết định cấp đất. Sau đó, diện tích đất trên được chuyển nhượng lại cho nhiều người và đều nhờ bà T. viết giấy tay chuyển nhượng. Năm 2011, UBND huyện cấp GCNQSDĐ mang tên bà Nguyễn Thị T. Để hợp thức hóa việc sang tên GCNQSDĐ, người nhận chuyển nhượng đất lại phải “nhờ” bà T. đứng tên một bên trong hợp đồng chuyển nhượng. Song, từ đây cũng phát sinh tranh chấp đất giữa những người nhận chuyển nhượng đất ở. Nguyên nhân trong quá trình cấp GCNQSDĐ, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sai sót trong việc thẩm tra nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất.

 

Tăng cường kiểm tra, phát hiện sai sót


Luật sư Nguyễn Thị Ninh (Đoàn luật sư Hải Phòng) cho rằng, qua tư vấn một số vụ việc khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai, sai sót chủ yếu do cán bộ chức năng trong thẩm tra nguồn gốc, ranh giới, diện tích đất trong việc cấp GCNQSDĐ chưa đầy đủ, cụ thể. Trường hợp thửa đất là di sản thừa kế của nhiều người, nhưng cơ quan chức năng lại cấp GCNQSDĐ trong khi chưa có văn bản phân chia tài sản thừa kế của những người liên quan được UBND cấp xã hoặc tổ chức hành nghề công chứng chứng thực hoặc công chứng. Ngoài ra, qua rà soát của Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, phát hiện nhiều hợp đồng, văn bản chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai thiếu thông tin hoặc sai lệch; có tình trạng tự chỉnh lý trên sơ đồ thửa đất của giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế mà tạo lập thửa đất mới. Những sai sót trong việc cấp GCNQSDĐ có thể làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện kéo dài nhiều năm và còn gây nhiều khó khăn cho người dân khi tiến hành giao dịch đất đai, bất động sản.


Theo quy định mới của pháp luật về tố tụng, những vụ việc tranh chấp dân sự , khiếu kiện hành chính đề nghị hủy GCNQSDĐ thuộc thẩm quyền của TAND thành phố. Số liệu thống kê của TAND thành phố cho thấy, số vụ việc dân sự thụ lý năm 2018 tăng hơn 700 vụ, việc so với năm 2017. Số lượng thụ lý các vụ việc dân sự tiếp tục tăng, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến việc hủy GCNQSDĐ, tranh chấp về chia di sản thừa kế và hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất… Do tính chất phức tạp của vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, trong khi việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu đất đai của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong những năm trước đây còn hạn chế, dẫn đến những khó khăn, kéo dài thời gian xét xử.


Để hạn chế những tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến sai sót trong việc cấp GCNQSDĐ, các cấp chính quyền địa phương, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất các quận, huyện tiếp nhận hồ sơ, xác nhận nguồn gốc, cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định về việc cấp, cũng như chỉnh lý GCNQSDĐ. Về lâu dài, để thực hiện tốt công tác chỉnh lý biếnC chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện đẩy mạnh công tác đo đạc lập bản đồ địa chính chính quy, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần có cơ chế thanh, kiểm tra theo định kỳ về công tác chỉnh lý biến động đất đai để điều chỉnh kịp thời, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của người sử dụng đất, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện phát sinh.


 

HOÀNG MINH

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Sai sót 1, hậu quả 10
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác