Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện (ngoại viện) nhằm bảo đảm “thời gian vàng” trong cấp cứu khi người dân gặp sự cố về sức khỏe, tai nạn là điều vô cùng cần thiết đối với thành phố đông dân như Hải Phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác cấp cứu ngoại viện của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu.
Vận chuyển người bệnh ra xe cấp cứu tại Bệnh viện huyện Thủy Nguyên. Ảnh: ĐỖ THU
Chỉ 1/60 xe cấp cứu đạt tiêu chuẩn
Hiện nay toàn thành phố có 60 xe cấp cứu, trong đó chỉ có 1 xe đủ tiêu chuẩn, trang bị thiết bị cấp cứu hiện đại của Bệnh viện đa khoa Vinmec. Trung tâm cấp cứu 115, đơn vị chủ lực trong đảm nhiệm cấp cứu ngoài bệnh viện chỉ có 11 xe cứu thương, trong đó 7 xe được trang bị cách đây 18 năm, 3 xe trang bị cách đây 5 năm và 1 xe đến tháng 12-2018 hết hạn sử dụng. Thiết bị trên các xe cứu thương của trung tâm cũng chưa đầy đủ. Trung tâm chưa có máy tạo ô xy, máy thở, máy điện tim, có 2 máy sốc điện nhưng một cái cũ hỏng…5/11 xe không có máy thở Mô-ni-tơ. Các bệnh viện tuyến thành phố như Việt- Tiệp, Phụ sản, đa khoa Kiến An, Trẻ em cũng có mỗi đơn vị 2- 3 xe cứu thương, không đủ phục vụ nhu cầu cấp cứu trong viện nên ít tham gia cấp cứu ngoại viện.
Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Bùi Huy Sơn cho biết: “không chỉ khó khăn về phương tiện, trung tâm còn khó khăn về nhân lực. Hiện trung tâm có 79 cán bộ, công nhân viên nhưng chỉ có 15 bác sĩ, 7 y sĩ, 22 điều dưỡng. Với số lượng bác sĩ, điều dưỡng hiện có, trung tâm chỉ có thể bố trí 1 kíp trực có 4 xe cứu thương. Vào thời điểm các xe đều bận, người dân gọi cấp cứu phải chờ”. Thêm nữa, từ khi chuyển sang cơ sở mới tại xã An Đồng, huyện An Dương, xe cấp cứu vào đến khu vực các quận xa gấp 2 lần, lại qua ngã tư có nhiều xe đầu kéo lưu thông nên thời gian đi cũng lâu gấp 2-3 lần. Các thiết bị trang bị cho bộ phận điều phối thông tin và điều hành cấp cứu còn đơn giản, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên thường xuyên có việc khi số điện thoại 115 trục trặc, người dân phải gọi số điện thoại di động đường dây nóng của giám đốc. Do vậy, nhiều người dân bức xúc khi gọi xe cấp cứu 115 đến quá chậm, nên nhiều trường hợp khi xe đến nơi thì người bệnh đã được vận chuyển bằng phương tiện khác”. Theo lãnh đạo trung tâm nhiều cuộc gọi đến trung tâm không có thật, chỉ mang tính trêu đùa hoặc quấy rối. Mỗi năm có hàng nghìn chuyến xe điều đi nhưng không có người bệnh, gây lãng phí và bức xúc cho các kíp trực. Thống kê trong 3 năm gần đây, có 30% số cuộc gọi xe 115 là không có thật.
Do việc gọi xe cấp cứu 115 thường bị chậm nên nhiều người dân gọi xe cứu thương của tư nhân, dù giá cao. Các cuộc chuyển viện cấp cứu từ tuyến dưới lên tuyến trên dao động 3,5- 4 triệu đồng/chuyến nhưng bác sĩ và điều dưỡng đi theo xe trình độ năng lực yếu, không có khả năng cấp cứu đối với người bệnh ngừng tuần hoàn và sốc phản vệ. Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt- Tiệp Trương Minh Hải phản ánh: “Trong khoảng 1 tuần gần đây, Khoa Cấp cứu phải tiếp nhận 3 ca ngừng thở do khi di chuyển không có bác sĩ biết các kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn kịp thời”.
Cần đầu tư bản bài hơn
Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực theo yêu cầu (Bệnh viện Việt- Tiệp) Nguyễn Văn Toản cho rằng, muốn phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện thì vấn đề nhân sự là yếu tố then chốt, sau đó là các trang thiết bị, xe cấp cứu và ứng dụng công nghệ thông tin. Lâu nay, hệ thống cấp cứu 115 vẫn hoạt động theo phương thức cũ, người dân gọi điện, trực tổng đài nhận điện, rồi chuyển thông tin cho các trạm vệ tinh. Do vậy, về lâu dài, cần thiết có một hệ thống điều hành thông minh và đồng bộ các trạm cấp cứu vệ tinh phủ rộng khắp nơi mới đáp ứng được yêu cầu cấp cứu ngoại viện của người dân.
Theo các giám đốc bệnh viện tuyến thành phố, để khắc phục những khó khăn hiện nay, ngành Y tế cần triển khai song song hai mô hình cấp cứu, đó là phủ sóng mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh 115 ở tất cả các quận, huyện và thực hiện quy trình “báo động đỏ liên viện”. Theo đó, các trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại các bệnh viện sẽ tận dụng “thời gian vàng trong điều trị”, tiếp cận hiện trường nhanh nhất và xử lý cấp cứu nạn nhân không quá 5 phút kể từ khi tiếp nhận thông tin. Quy trình “báo động đỏ liên viện” cứu sống người bệnh trong trường hợp nguy kịch, cần sự phối hợp tham gia, can thiệp của nhiều chuyên gia y tế đến từ các khoa trong bệnh viện hoặc đến từ các bệnh viện đầu ngành của thành phố. Trưởng Phòng nghiệp vụ (Sở Y tế) Trần Văn Tấn cho biết: Ngành Y tế đang đề xuất thành phố xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện quy mô và hiện đại hơn, trong đó huy động các bệnh viện tham gia vào việc vận chuyển, cấp cứu ngoại viện. Đồng thời đề xuất thành phố tăng cường đầu tư từ ngân sách cho cấp cứu ngoại viện; có chính sách riêng cho ngành Y tế có cơ chế thu hút nhân lực làm công tác cấp cứu, hồi sức tích cực; đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn cho Trung tâm cấp cứu 115 và các bệnh viện tham gia vận chuyển, cấp cứu ngoại viện.
Hiện trên địa bàn thành phố, Sở Y tế mới cấp phép hoạt động vận chuyển cấp cứu cho 2 đơn vị ngoài công lập với 7 xe cứu thương, nhưng chỉ có 1 bác sĩ phụ trách đã nghỉ hưu, 3 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Kiến An ký hợp đồng làm ngoài giờ, còn phần lớn các bác sĩ đi cùng trên xe cấp cứu chưa được cấp giấy phép hành nghề nên năng lực cấp cứu yếu. Sở phát hiện nhiều trường hợp giả danh bác sĩ tại Bệnh viện Việt Tiệp để thu phí vận chuyển cấp cứu cao hơn nhiều lần của bệnh viện.
HOÀNG YÊN – Báo Hải Phòng 20/10/2018