Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị 26/CT-BYT về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong đợt cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, đặc biệt trong công tác kiểm soát nhập cảnh.
Thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2020 về việc tổ chức Tết Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ và hướng tới phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Công tác phòng, chống dịch bệnh
– Thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện, quy trình nhập cảnh, kiểm dịch y tế nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay những trường hợp đầu tiên, không để dịch lây lan.
– Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt, thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19; nâng cao trách nhiệm và ý thức cá nhân của mỗi cán bộ y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
– Xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản chống dịch cụ thể; xây dựng kế hoạch phân công lấy mẫu, điều phối xét nghiệm khi có dịch xảy ra trên địa bàn; tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ; tổ chức diễn tập, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giám sát, xét nghiệm, đội phản ứng nhanh đáp ứng dịch.
– Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý khu cách ly tập trung thực hiện giám sát, theo dõi, xét nghiệm theo đúng các quy định của Bộ Y tế; kiên quyết không để dịch lây lan trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng. Chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện, xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an chính quy cơ sở thực hiện nghiêm việc theo dõi, giám sát người thực hiện cách ly tại khu cách ly dân sự, cách ly tại nhà, người hết thời gian cách ly tập trung theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
– Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
– Phân công cán bộ trực dịch 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết để theo dõi, báo cáo ngay khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, thực hiện báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.
– Phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân, thông điệp 5K của Bộ Y tế.
– Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
b) Công tác khám, chữa bệnh
– Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn bố trí trực 24/24 giờ; thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác báo cáo theo quy định; đảm bảo đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ trong ngày Tết; có phương án vận chuyển, chuyển tuyến lên tuyến trên khi cần thiết.
– Chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả; tăng cường mức độ cảnh báo, kiểm tra, giám sát người bệnh và người nhà người bệnh đến khám, tư vấn, điều trị; mở rộng thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chống dịch để chủ động đáp ứng nhanh, kịp thời các tình huống; tăng cường công tác khám, tư vấn, điều trị từ xa; tuyên truyền, hạn chế người nhà người bệnh đến thăm nom, tăng cường công tác điều trị toàn diện người bệnh tại bệnh viện.
– Quán triệt các nhân viên y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc giao tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế.
– Chỉ đạo các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch tổ chức chăm sóc tốt, thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách.
– Chỉ đạo các cơ sở y tế phải có phương án dụ trữ cơ sở thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị.
c) Công tác an toàn thực phẩm
– Tổ chức thực hiện theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm; kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ban An toàn thực phẩm tỉnh, thành phố về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán.
– Phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, phổ biến quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán đến người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
2. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur
– Chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát yếu tố nguy cơ gây dịch.
– Chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ xét nghiệm đảm bảo đáp ứng nhanh, kịp thời khi có dịch xảy ra.
– Tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.
– Đảm bảo đủ vật tư, hóa chất, thiết bị chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ đơn vị, địa phương thực hiện giám sát, phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan rộng.
– Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định SARS-CoV-2; tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19.
3. Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế
– Thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo.
– Tiếp tục mở rộng xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân nặng và nhân viên y tế; tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực về xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên y tế.
– Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện tốt việc phân luồng người đến khám, chữa bệnh. Yêu cầu nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh thực hiện nghiệm việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết nếu sử dụng thiết bị di động thông minh. Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn sức khỏe, đặt lịch khám và khám bệnh từ xa.
– Phân công cán bộ trực 24/24 giờ, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Y tế; duy trì và tổ chức tốt đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời đơn vị tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra.
– Chuẩn bị dự trữ đầy đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; có phương án dự phòng, chuẩn bị cơ sở điều trị khi dịch xảy ra trên diện rộng; đảm bảo cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn giao thông, ngộ độc.
4. Cục Quản lý khám, chữa bệnh
– Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và địch COVID-19, nhất là phân luồng, phân tuyến điều trị, mở rộng xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, khám chữa bệnh từ xa và điều trị người bệnh toàn diện; thành lập đoàn kiểm tra các bệnh viện về triển khai công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết.
– Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường hiệu quả công tác thu dung, điều trị, cách ly bệnh nhân; đánh giá theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19, Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.
– Đôn đốc, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
– Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng chống dịch và đảm bảo công tác điều trị.
– Đầu mối xây dựng và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
5. Cục Y tế dự phòng
– Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với dịch COVID-19, dịch xảy ra vào mùa Đông – Xuân để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh; thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị y tế dự phòng về triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết.
– Chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng sớm, cách ly kịp thời, xử lý triệt để, không để lây lan, bùng phát ra cộng đồng, đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.
– Chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (nếu có), cách ly và xử lý kịp thời; thực hiện nghiêm việc rà soát, kiểm tra giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.
– Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục củng cố, tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh để kịp thời đáp ứng khi xảy ra dịch bệnh.
– Chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, thực hiện dự trữ đủ vật tư, thiết bị, hóa chất, phương tiện đáp ứng yêu cầu chống dịch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khi có dịch xảy ra.
6. Cục An toàn thực phẩm
Chỉ đạo các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế:
– Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai trên các phương tiện truyền thông theo quy định của pháp luật.
– Phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm các thực phẩm từ nguồn nhập khẩu trên địa bàn để xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
– Tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
– Phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, thiết bị, phương tiện trong việc khám, cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
7. Cục Quản lý Dược
– Chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, thành phố, Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế và các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc có kế hoạch dự trữ thuốc phục vụ phòng, chống dịch bệnh và chữa bệnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết với chất lượng và giá thành hợp lý; không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt.
– Chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý dược phẩm, mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi đầu cơ, tích trữ, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành.
– Đảm bảo dữ trữ thuốc khi có yêu cầu phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, lây lan rộng.
8. Vụ Truyền thông và thi đua, khen thưởng
– Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong dịp Tết; tuyên truyền, vận động người dân thực hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là phòng, chống dịch COVID-19, tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và nâng cao sức khỏe.
– Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Trung ương xây dựng các nội dung, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong dịp Tết, phòng ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
– Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp thông tin trong dịp Tết; mời tham gia các hoạt động công tác y tế trong dịp Tết của Bộ Y tế; tổng hợp thông tin y tế hằng ngày, báo cáo Lãnh đạo Bộ để chủ động xử lý kịp thời khi cần thiết.
9. Vụ Kế hoạch-Tài chính
Tiếp tục tổng hợp nhu cầu, đề xuất của các đơn vị, địa phương về đảm bảo kinh phí phòng bệnh, chữa bệnh; hướng dẫn triển khai thực hiện các chế độ phụ cấp trực Tết, chống dịch theo quy định hiện hành.
10. Văn phòng Bộ
– Tổng hợp báo cáo nhanh hằng ngày về thực hiện công tác y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để trình, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ theo đúng quy định.
– Đảm bảo thực hiện tốt công thực hiện tốt hậu cần, trực Tết tại cơ quan Bộ Y tế theo đúng quy định.
11. Các cơ sở y tế trên toàn quốc phối hợp với với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong các ngày nghỉ Tết; đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ; tổ chức trực đơn vị có phân công, niêm yết danh sách trực công khai hằng ngày theo quy định; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết; nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường ngay sau kỳ nghỉ Tết.
12. Các cán bộ y tế không được lợi dụng dịp nghỉ Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí. Không được sử dụng xe ô tô, phương tiện đi lại công để phục vụ việc riêng trong dịp Tết.
Nhận được Chỉ thị này, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành chỉ đạo nghiêm túc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Văn phòng Bộ trực tiếp đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện, báo cáo theo quy định. Nếu có phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế để xem xét chỉ đạo./.