World Cup 2022 đang diễn ra tại Qatar nhận được sự quan tâm của người hâm mộ bóng đá toàn cầu. Ngoài kênh theo dõi qua TV truyền thống, nhiều người có xu hướng sử dụng thiết bị cá nhân để tìm và theo dõi các trận đấu trên nền tảng internet để chủ động về thời gian, công việc.
Tại Việt Nam, nhu cầu xem trực tuyến các trận đấu tăng mạnh trên nền tảng internet thông qua các thiết bị di động cá nhân. Theo thống kê từ Google Trends (trang theo dõi xu hướng tìm kiếm trên Google), các website phát trực tuyến trận đấu và thông tin về World Cup 2022 nằm trong nhóm những nội dung được người Việt tìm kiếm nhiều nhất kể từ ngày 20.11.
Tuy nhiên, nội dung phát trực tuyến đa phần thuộc dịch vụ trả phí của các nhà cung cấp chương trình OTT, yêu cầu người xem có tài khoản để theo dõi. Nắm được tâm lý muốn xem miễn phí của người dùng, nhiều website không có bản quyền truyền hình vẫn “mọc ra như nấm” để phát lại nội dung nhằm kéo lượng truy cập về địa chỉ cũng như tăng cơ hội kiếm tiền từ quảng cáo.
Người dùng internet chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm liên quan tới World Cup 2022, thông tin về tên đội bóng đang thi đấu tại khung giờ nhất định, Google sẽ trả về hàng loạt kết quả khác nhau. Ngoài kết quả về các dịch vụ có bản quyền tại Việt Nam, nhiều website lậu cũng được hiển thị và người dùng chỉ việc nhấn vào bất kỳ đường dẫn nào cũng có thể xem được.
Tiến Đạt (Hà Nội) hằng ngày vẫn tìm xem trực tuyến các trận đấu trên mạng internet thay vì sử dụng TV tại nhà. “Tôi không mua tài khoản trả phí của các dịch vụ OTT nên mỗi lần muốn xem đều tìm các website đang phát trực tuyến, dù đôi khi chất lượng không ổn định lắm. Còn về lý do không xem TV thì bởi không thích nghe phần bình luận của nhà đài”, Đạt giải thích.
Theo Đạt, không ít lần anh tìm nội dung đã “lạc” vào các website không thực sự phát trực tuyến trận đấu mà chỉ nhằm mục đích kéo lượt truy cập về, còn lại bản thân trang chỉ chứa nội dung lậu, quảng cáo cá độ… Anh lo lắng khi không rõ việc truy cập các website ấy dù chỉ vài giây cũng có thể để lại hậu quả gì hay không.
Một chuyên gia an ninh mạng cho biết những website như trường hợp Tiến Đạt lỡ truy cập vào khá phổ biến trên mạng, đặc biệt vào các dịp sự kiện có chương trình trực tuyến. Ông cho biết các trang web lậu thường dẫn lại nội dung đang trực tuyến, thực chất là hành vi ăn cắp bản quyền do phát không phép. Để có thể hiển thị trong những kết quả tìm kiếm của Google, những người đứng sau các địa chỉ trên sử dụng các biện pháp đẩy SEO giúp đẩy trang “lên Top”.
“Những website này không chỉ vi phạm bản quyền nội dung mà còn hiển thị rất nhiều quảng cáo về cờ bạc, nội dung đồi trụy… mà người dùng có thể dễ bấm nhầm vào trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, qua tìm hiểu và phân tích thì có những địa chỉ chứa website phát tán mã độc”, chuyên gia này cho biết thêm.
Tại trang web lậu, nhiều quảng cáo thường xuyên xuất hiện chồng lấn lên phần nội dung chính, làm che khoảng hiển thị. Người dùng bắt buộc phải bấm tắt thủ công bằng cách nhấn vào ký tự (X) ở góc và quá trình này thường khiến chạm nhầm vào nội dung quảng cáo. Từ đây, hệ thống sẽ chuyển hướng ra những website liên kết, dụ người dùng tải phần mềm (thực chất là mã độc) về máy nếu muốn tiếp tục theo dõi video trực tuyến.
Việc xem lậu nội dung trực tuyến không chỉ mang về rủi ro an toàn thông tin đối với người dùng mà còn trực tiếp gây thiệt hại cho nhà cung cấp dịch vụ đã bỏ tiền mua bản quyền chương trình để phát sóng trong nước.
Anh Quân
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More