Print Thứ Bảy, 26/01/2019 16:39

Số vụ lừa đảo qua mạng xã hội và điện thoại  trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng, không ít người dân trở thành “con mồi” của kẻ gian.

 

Các đối tượng lừa đảo thường đặt máy chủ mạng internet ở nước ngoài nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra.

Các đối tượng lừa đảo thường đặt máy chủ mạng internet ở nước ngoài nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra.

 

Những chiêu trò lừa cũ

 

Mỗi khi nhắc lại lần bị đối tượng “giả danh công an” lừa đảo, anh Trần Hữu T (ở phường Cát Dài, quận Lê Chân) chưa hết bức xúc. Anh T cho biết: Tôi nhận được điện thoại của một người xưng là “công an điều tra” của Bộ Công an nói rằng có liên quan đến một vụ án về kinh tế và yêu cầu phải chuyển số tiền 250 triệu đồng để “giám định tài sản”. Người này hứa số tiền sẽ được hoàn trả lại sau khi cơ quan chức năng đối chiếu xong. Là người kinh doanh, vì không muốn ảnh hưởng tới công việc và được hứa sẽ nhận lại số tiền trên nên tôi chuyển tiền vào tài khoản. Ít ngày sau, tôi liên lạc với số điện thoại của người xưng là công an thì tắt máy. Tôi tới trình báo cơ quan công an. Sau đó, đối tượng “công an giả danh” này bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hắn khai là Trần Anh Tôn, sinh năm 1990 (ở Yên Bái).

 

Trước đó, vào tháng 8-2017, một người ngoại quốc có tên Jane (quốc tịch Nigeria- châu Phi) kết bạn với chị Bùi Thị C (ở quận Ngô Quyền) qua mạng xã hội Facebook. Sau một thời gian trò chuyện, giữa 2 người trở nên thân thiết, Jane gợi ý muốn gửi tặng chị C một kiện hàng và tiền mặt. Được người bạn ngoại quốc tặng quà và nói sẽ sang Việt Nam, chị C cung cấp địa chỉ nhà cho Jane. Khoảng nửa tháng sau, chị C nhận được điện thoại của một phụ nữ xưng là “nhân viên hải quan” đang làm thủ tục thông quan kiện hàng từ nước ngoài chuyển cho chị C và nhờ chị phối hợp để làm thủ tục và yêu cầu nộp 80 triệu đồng phí kiểm tra hàng. Nghi ngờ “nữ nhân viên hải quan”, chị C gọi điện cho Jane xác minh thì người bạn ngoại quốc động viên chị cứ gửi giúp tiền phí, khi về Việt Nam anh ta sẽ thanh toán cho chị. Tin tưởng Jane, chị C đến ngân hàng chuyển 80 triệu đồng vào tài khoản của “nữ nhân viên hải quan”. Sau đó “nữ nhân viên hải quan” còn yêu chị C nộp tiền thêm 2 lần, với tổng trị giá cả 3 lần lên tới 260 triệu đồng để nhận kiện hàng. Nhưng, sau khi chuyển đủ tiền, chị C không liên lạc được với nhân viên hải quan và cả người bạn nước ngoài.

 

Ngoài hình thức trên, thủ đoạn dùng tin nhắn từ những tài khoản như: “Tập đoàn mạng xã hội Facebook”, “Quà tặng giờ vàng”, “Ban Quản trị Zalo”…với nội dung thông báo các thông tin trúng thưởng 200 triệu đồng, xe SH, phiếu đổ xăng thời hạn 1 năm cũng khá phổ biến…Tin nhắn yêu cầu người trúng giải cập nhật thông tin cá nhân, sau đó nộp các khoản lệ phí lên tới hàng chục triệu đồng để có thể nhận quà.

 

Đề cao cảnh giác

 

Từ những vụ việc xảy ra thời gian qua cho thấy, thủ đoạn lừa đảo qua mạng internet, mạng xã hội, điện thoại thường tập trung ở một số hình thức như: lừa đảo thông báo nợ cước điện thoại với số tiền lớn, yêu cầu phải thanh toán ngay; lừa thông báo về phạm pháp hình sự, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; thông báo qua tin nhắn Facebook, Zalo về việc trúng thưởng xe máy, điện thoại, tiền mặt lên tới hàng trăm triệu đồng. Hình thức mới xuất hiện là đối tượng xưng là người nước ngoài lên mạng làm quen với những phụ nữ nhẹ dạ, khi mối quan hệ trở nên thân thiết, người bạn ngoại quốc tìm lý do để “tặng quà”, hoặc nhờ hỗ trợ tiền để “làm từ thiện”… Sau đó, đồng bọn của chúng sẽ giả là nhân viên hải quan, bưu điện yêu cầu nộp phí để nhận quà.

 

Thượng tá Lưu Văn Vinh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng An ninh tài chính-tiền tệ (Công an thành phố) cho biết: Hình thức lừa đảo qua điện thoại và tin nhắn trúng thưởng các đồ vật giá trị qua mạng xã hội không mới. Nhưng với hình thức lừa đảo tinh vi, đánh vào tâm lý lo sợ liên quan đến pháp luật và lòng tham của một bộ phận người dân nên vẫn có không ít nạn nhân “sập bẫy”. Cơ quan công an gặp nhiều khó khăn khi điều tra, truy tìm, xử lý các vụ việc này, do các đối tượng lừa đảo thường sử dụng mã điện thoại, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài.

 

Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thành phố đưa ra lời khuyên: Để tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại…khi sử dụng các mạng xã hội, người dân cần bảo mật những thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Khi nhận được thông tin thông báo của những cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc nợ cước, trúng thưởng, khuyến mại, mọi người cần tiến hành kiểm tra kỹ thông tin. Đối với hành vi giả danh cơ quan tư pháp thì không chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng. Khi thấy các cuộc gọi điện thoại có biểu hiện nghi vấn, người dân cần trình báo ngay đến cơ quan công an để tiến hành xác minh, làm rõ”.

 

(Long Giang – Báo Hải Phòng 02/02/2018)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Cảnh giác với trò lừa đảo qua mạng xã hội
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác