Là một người có thói quen mua quần áo trên các buổi livestream của các shop thời trang, chị Bích (quận Lê Chân, Hải Phòng) thường thoải mái để lại bình luận “chốt đơn” có hiển thị thông tin số điện thoại, địa chỉ và sản phẩm đặt hàng. Hôm sau, khi đang ở công ty, chị nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên shipper một đơn vị chuyển phát uy tín đã giao hàng tới trước cửa nhà. Sau khi hỏi lại các thông tin đơn hàng thấy trùng khớp, do không thể nhận trực tiếp và cũng chủ quan thấy số tiền thanh toán không lớn, chỉ vài trăm cộng thêm người shipper này liên tục giục chị Bích phải chuyển tiền luôn nên chị Bích yêu cầu thả hàng vào trong sân rồi không mảy may nhanh chóng chuyển khoản thanh toán tới số tài khoản mà đối tượng cung cấp.
Sau khi chị Bích chuyển khoản thành công, đối tượng shipper giả mạo này gọi điện lại thông báo có sự nhầm lẫn, số tài khoản trên là số tài khoản đăng ký làm hội viên shipper của đơn vị giao hàng. Khi chuyển tiền tới số tài khoản đó thì hệ thống sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng sẽ tự động bị trừ từ 2 đến 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của người đăng ký.
Lợi dụng tâm lý đang hoang mang chưa hiểu rõ ngọn ngành sự việc lại mới bị mất tiền oan của bị hại, đối tượng nhanh chóng hướng dẫn chị Bích có thể huỷ đăng ký hội viện bằng cách cung cấp rồi yêu cầu chị truy cập vào một đường dẫn liên kết (đường link) giả mạo dẫn đến một trang web có số điện thoại giả mạo của đơn vị giao hàng để liên hệ giải quyết. Khi bấm vào đường link giả mạo này và nhập các thông tin cá nhân thì điện thoại của nạn nhân có nguy cơ bị nhiễm mã độc, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân quan trọng hoặc mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử…
Sau khi nhận thấy đường link có vấn đề, chị Bích gọi nhiều lần vào số điện thoại của shipper nhưng đã tắt máy, liên hệ với shop thời trang thì được biết đơn hàng của chị chưa được giao, lúc này chị mới tá hoả nhận ra bản thân đã bị lừa.
Có thể thấy, hiện nay, nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều và để nhanh chóng, thuận tiện cho việc chốt đơn, khách hàng thường thoải mái để lại thông tin liên hệ cá nhân trong các dòng bình luận ở các bài đăng, bài bán hàng livestream… vô tình đã trở thành “miếng mồi béo bở” để kẻ gian lợi dụng thực hiện hành vi lửa đảo như trường hợp của cô Th. (Hải An, Hải Phòng) đặt mua hộp thuốc trên mạng xã hội Facebook có giá trị lên đến tiền triệu.
Cũng với thủ đoạn là đọc vanh vách thông tin đơn hàng và liên tục giục chuyển tiền thanh toán “do đã phải ứng tiền cho shop”, cô Th. dễ dàng “sa bẫy” và chỉ phát hiện ra khi đến buổi chiều nhận được cuộc gọi của shipper “thật” và về nhà xác nhận không thấy món hàng nào được để trong sân…
Có thể thấy, các đối tượng thường chọn thời điểm là giờ hành chính khi khách hàng có thể không có mặt tại nhà. Do không thuận tiện để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý với đề nghị gửi hàng ở vị trí theo thỏa thuận và chuyển khoản thanh toán tới số tài khoản mà đối tượng cung cấp. Trường hợp nạn nhân ở nhà và nói để ra nhận hàng thì đối tượng sẽ hẹn 5-10 phút sẽ đến, sau đó cắt liên lạc, chặn số điện thoại.
Để không mắc bẫy thủ đoạn lừa đảo này, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi mua hàng trực tuyến, luôn thực hiện xác minh thông tin liên quan đến đơn hàng, dịch vụ giao hàng đang sử dụng với đơn vị cung cấp qua số điện thoại hoặc địa chỉ chính thức; tránh để các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ… công khai trên mạng xã hội; không chuyển tiền thanh toán khi chưa chắc chắn đã nhận được hàng; tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kì ai.
Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website, ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó, người dân nên chủ động truy cập và theo dõi quá trình vận chuyển đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng. Ngoài ra, bản thân mỗi người dân cần tích cực tuyên truyền cho những người xung quanh biết về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo hiện nay để nâng cao ý thức phòng tránh.
Khi nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất hoặc liên hệ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hải Phòng, địa chỉ: Số 3 Lê Đại Hành, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, Hải Phòng để được hỗ trợ, xử lý kịp thời./.
Kim Anh
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…
Sáng 18/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực…
Chiều 18/12, UBND thành phố tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More