Thống kê của Khoa Bệnh nhiệt đới cho thấy, dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2024 đến khá sớm, ngay từ tháng 3, Khoa tiếp nhận một số ca bệnh. Từ đầu tháng 5 đến nay, liên tục tiếp nhận ca bệnh, nhất là thời điểm tuần thứ 3 của tháng 5, Khoa tiếp nhận gần 20 trường hợp nhập viện và có biểu hiện bệnh nặng. Cụ thể, người bệnh có các dấu hiệu đặc trưng, như: Sốt cao (hơn 39 độ), ly bì, nôn nhiều, đau bụng vùng gan, xuất huyết nội tạng…; kết quả xét nghiệm cho thấy men gan tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh, cô đặc máu.
TS.BS Ngô Anh Thế, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: “Trong trường hợp người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu không được xử trí nhanh, bù dịch kịp thời và chăm sóc, điều trị đúng cách, bệnh có thể tiến triển gây sốc, không đáp ứng với các biện pháp sử dụng vận mạch, lọc máu, hồi sức và người bệnh dễ dẫn tới tử vong. Còn sau giai đoạn nguy hiểm, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục nhưng lúc này không tự ý truyền dịch như giai đoạn trước bởi nếu truyền dịch quá mức có thể dẫn tới quá tải dịch, khiến người bệnh có thể bị suy tim, phù phổi cấp”.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận gần 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết và không ghi nhận ca tử vong. Nếu như những tháng đầu năm, số ổ dịch, ca bệnh ghi nhận nhiều ở các địa phương: Hải An, Lê Chân, Ngô Quyền thì giai đoạn hiện nay, các ổ dịch, ca mắc tập trung nhiều ở quận Lê Chân và chủ yếu là sốt xuất huyết Dengue. Theo BSCK2. Đồng Trung Kiên, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều nên thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, nảy nở và là nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh. Vì thế, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả cao.
Cụ thể, đối với người dân sinh sống ở khu vực có ổ dịch lưu hành nếu phát hiện mắc thì không tự ý điều trị tại nhà, nên đến cơ sở y tế thăm khám để bác sĩ xác định rõ tình trạng bệnh, từ đó đưa ra lời khuyên về việc có nên nhập viện hay không. Trường hợp nhập viện, nhất là các trường hợp không có người thân chăm sóc hoặc cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Còn trường hợp không phải nhập viện cũng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng kháng sinh vì đây là bệnh do virus gây ra, việc sử dụng kháng sinh không cần thiết và có thể gây ra tình trạng kháng thuốc; không cạo gió vì có thể gây ra tình trạng xuất huyết; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe, các dấu hiệu cảnh báo để đến cơ sở y tế kịp thời, tránh rơi vào giai đoạn nguy hiểm.
Còn đối với các biện pháp dự phòng, mới đây Bộ Y tế cấp phép lưu hành vaccine phòng bệnh với khả năng làm giảm hơn 90% trường hợp nhập viện. Vì thế theo TS.BS Ngô Anh Thế, khi vaccine có sẵn tại Việt Nam, người dân nên tiêm phòng. Bên cạnh đó, người dân nên thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh theo thông điệp “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Cụ thể, người dân cần thau rửa, loại bỏ hoàn toàn môi trường muỗi đẻ trứng như xăm lốp xe cũ, vật dụng chứa nước mưa, phát quang bụi râm chung quanh nơi sinh sống; áp dụng bôi thuốc chống muỗi, phun thuốc diệt muỗi…
Bài và Ảnh: Tường Minh
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More