Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều nơi trên địa bàn Hải Phòng diễn ra các lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Song đây cũng chính là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Đầu năm, trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động lễ hội nhưng dường như không ít đã “quên” các quy định về PCCC, thoát nạn. Do tính chất kinh doanh thời vụ, hầu hết các hàng quán khá tạm bợ, nhất là hệ thống điện không đảm bảo, câu mắc, đấu nối tùy tiện khi xung quanh tồn tại nhiều vật liệu dễ bắt lửa. Ở một số khu vực nấu nướng, vị trí đặt bình gas không an toàn. Lối thoát hiểm bị bịt kín bởi hàng hóa.
Ngoài ra, ý thức của người tham gia lễ hội chưa cao. Rất nhiều du khách sử dụng lửa trần như thắp hương, đốt vàng mã không theo quy định, ném mẩu thuốc lá một cách tùy tiện. Trong khi đó điều kiện giao thông, nguồn nước tại những nơi này thường không đảm bảo cho việc tiếp cận chữa cháy. Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, mùa lễ hội đầu năm là thời điểm nguy cơ cháy gia tăng cao, bởi thời tiết hanh khô, thêm việc người dân sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tùy tiện.
CBCS Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP triển khai công tác bảo đảm an toàn cháy, nổ. Ảnh Phan Tuấn
Đã có nhiều sự cố gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người và tài sản. Điều này đã được minh chứng rõ nét chính là vụ cháy lớn diễn ra vào ngày 20-2-2018, tức mùng 5 Tết tại đền Mẫu, tỉnh Lạng Sơn. Đám cháy đã nhanh chóng thiêu rụi toàn bộ khu vực các quầy bán hàng mã.
Để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra; không để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đảm bảo ANTT sau Tết, UBND thành phố đã có công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về công tác PCCC và CNCH.
Đặc biệt, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, phường, xã nơi có các lễ hội diễn ra, nhất là các Ban tổ chức lễ hội phải tập trung kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác PCCC, triển khai kịp thời, hiệu quả những biện pháp bảo đảm an toàn PCCC sát hợp với tình hình. Các khu vực lễ hội phải được trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ để kịp thời xử lý ngay từ khi mới phát sinh; sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Công an thành phố được giao nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an quận, huyện chủ trì, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC đến từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình.
CBCS Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP trực đảm bảo thông tin liên lạc luôn được thông suốt. Ảnh Phan Tuấn
Từ thực tế của các vụ cháy nổ trong dịp lễ hội, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP khuyến cáo, hơn lúc nào hết, ngay lúc này người dân cần nâng cao ý thức, cảnh giác đối với cháy nổ; cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về PCCC, thoát nạn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dù là những quy định đơn giản nhất.
Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP cũng lưu ý các sở ngành, UBND các quận huyện khi cấp phép hoạt động, tổ chức các lễ hội, chương trình giải trí phải chú ý yếu tố đảm bảo PCCC vào điều kiện cấp phép; nếu điều kiện PCCC không đảm bảo, tuyệt đối không cấp phép để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
MINH PHƯƠNG